Làm rõ cảm xúc thành kính biết ơn Bác của tác giả qua hai khổ thơ đầu “Viếng Lăng Bác”

Đề bài: Làm rõ cảm xúc thành kính biết ơn Bác của tác giả qua hai khổ thơ đầu “Viếng Lăng Bác”

Viễn Phương (1928 – 2005) tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ của ông nhỏ nhẹ và giàu chất mơ ngay cả lúc khó khăn nhất.

Vào tháng 4/1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước được hoàn toàn giải phóng, công trình lăng Bác được xây dựng, Viễn Phương đã ra miền Bắc vào lăng viếng Người. Bài thơ Viếng lăng bác đã được sáng tác trong dịp đó và được in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978). Bài thơ đã thể hiện niềm kính yêu, sự xót thương và cả lòng biết ơn của nhà thơ tới vị lãnh tụ khi đứng trước lăng Bác qua nửa đầu bài thơ.

Làm rõ cảm xúc thành kính biết ơn Bác của tác giả qua hai khổ thơ đầu "Viếng Lăng Bác"
Làm rõ cảm xúc thành kính biết ơn Bác của tác giả qua hai khổ thơ đầu “Viếng Lăng Bác”

Khổ thơ thứ nhất bài thơ Viếng lăng Bác của ông đã cho chúng ta thấy dòng cảm xúc thành kính thiêng liêng của tác giả khi đứng trước lăng Bác Hồ:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Mở đầu bài thơ, tác giả như muốn giới thiệu với Bác: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, câu thơ như một lời thông báo nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam sau bao nhiêu năm mong mỏi nay mới được ra viếng Bác.

Từ “con” nghe thật ngọt ngào, đầm ấm, thân thương và rất Nam Bộ. Gợi lên tình cảm của những người thân trong gia đình cho thấy nhà thơ ra thăm Bác cũng như người con về thăm cha già. Từ đó, tác giả bày tỏ niềm kính yêu trân trọng đối với Bác Hồ.

Câu thơ giản dị như một lời nói nhưng lại gợi nghĩ tới đây không phải chỉ là tấm lòng của một người mà còn là tấm lòng hàng triệu người dân miền Nam với Bắc. Hơn thế, trong câu thơ, tác giả lại dùng từ “thăm” chứ không phải là “viếng”. Đây là cách nói giảm nói tránh để làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát và gợi suy nghĩ Bác vẫn như còn đang sống.

Có lẽ, hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất đối với tác giả chính là ấn tượng về hàng tre bát ngát. Trước hết, đây là một hình ảnh thực hết sức thân quen của làng quê Việt Nam. Từ láy “bát ngát” gợi mở một không gian thoáng đãng, rộng lớn, nơi người cha già dân tộc đang yên nghỉ. Từ hình ảnh thực này, hình ảnh hàng tre mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc.

Cây tre đã trở thành biểu tượng cho dân tộc Việt Nam, cho tâm hồn người Việt. Cây tre cũng như con người Việt Nam, có một sức sống mạnh mẽ, kiên cường và bền bỉ. Thành ngữ “bão táp mưa sa” như tô đậm những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên. Những khó khăn gian khổ đó luôn thử thách con người Việt Nam.

Thế nhưng trải qua “bão táp mưa sa”, cây tre Việt Nam vẫn luôn “đứng thẳng hàng”. Tre đã mang trong mình những phẩm chất cao quý của người Việt Nam: mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng, bất khuất.

Chọn hình ảnh cây tre quanh lăng Bác kết hợp với việc sử dụng từ cảm thán “Ôi”. Phải chăng nhà thơ còn gửi gắm tấm lòng thành kính thiêng liêng xúc động của mình cũng như của mọi người dân Việt Nam đối với Bác. Những hàng tre xanh rợp bóng từ mọi miền của tổ quốc tụ hội về đây như lời ru của quê hương, đất nước chứa chan tình yêu thương ru giấc ngủ cho Người.

Như vậy, hình ảnh ẩn dụ hàng tre đơn sơ giản dị nhưng đã thẻ hiện được sự chọn lọc tinh tế của tác giả và mang giá trị biểu cảm lớn.

Khổ thơ thứ hai đã cho ta thấy dòng cảm xúc biết ơn thành kính của tác giả khi đứng trước lăng Người:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Khổ hai này được tạo nên bởi cặp câu thơ đầu với hình ảnh thực và song đôi. Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ nhất là hình ảnh mặt trời thực của tự nhiên, một thiên thể trung tâm của thiên hà rực rỡ chói lọi, chiếu sáng cho nhân gian và đem lại sự sống, hơi ấm cho con người. Mặt trời thực ở đây được nhân hóa như một con người ngày ngày đi qua trên lăng để chiêm ngưỡng “một mặt trời trong lăng rất đỏ”.

Hình ảnh “mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Giống như mặt trời thực, Bác Hồ cũng là một luồng ánh sáng soi đường dẫn lối, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bóng đêm nô lệ để đến với bế bờ hạnh phúc ấm no. Bác cũng chính là người đã đưa nhân dân ta thoát khỏi cảnh gông cùm, xiềng xích của ách thống trị ngoại xâm, mang lại cuộc sống mới, cuộc sống độc lập tự do và dân chủ nghĩa xã hội.

Dùng hình ảnh mặt trời để nói về Bác cũng là cách để ngợi ca đạo đức sáng ngời, ngợi ca công ơn trời biển của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Bác đã hóa thành vầng thái dương đời đời tỏa rạng, ánh sáng trí tuệ, tình thương vô bờ tới lớp lớp con cháu. Bác sống mãi với non sông đất nước.

Mặt trời Bác Hồ sẽ mãi mãi đỏ thắm, màu sắc “rất đỏ” làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp, gây ấn tượng, đồng thời nói lên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác. Thông qua hình ảnh ẩn dụ trên, tác giả đã nói lên sự vĩ đại của Bác, vừa thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính của nhà thơ, của nhân dân đối với Bác.

Tôn kính Bác bao nhiêu thì nhà thơ lại vô cùng tiếc thương khi nhìn thấy hình ảnh “ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” rồi “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Điệp từ “ngày ngày” được lặp lại cùng nhịp thơ chậm đã diễn tả cảnh dòng người vào lăng viếng Bác, nối dài liên tục. Hình ảnh “dòng người” ấy vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng.

Ngày ngày mọi người đi trong một không gian đặc biệt – “không gian thương nhớ”. Nỗi nhớ vốn chỉ ở bên trong con người, không định hình nhưng tác giả lại biến nó trở thành hữu hình. Phải chăng dòng người vào lăng Bác trong nỗi xúc động, bồi hồi, trong sự tiếc thương kính cẩn và trong sự tiếc nuối mênh mông?

Nỗi nhớ ấy đã lan tỏa và tạo thành một không gian chứa đầy tâm trạng để rồi “kết thành trang hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh ẩn dụ “tràng hoa” được dùng để so sánh với dòng người vào lăng viếng Bác, tức họ đã tạo thành tràng hoa để kính dâng lên cho Người và mỗi người là một bông hoa đẹp.

Cuộc đời họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác và những bông hoa tươi thắm ấy đang dâng lên cho Bác những gì tốt đẹp nhất.

“Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ đặc sắc. Cái tính tế của Viễn Phương ở đây là đã dùng ngay cách nói hóm hỉnh, lạc quan của Bác. Dùng từ “xuân” để nói tuổi đồng thời cũng nói lên được ý con người ấy đã sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân và đã làm những mùa xuân cho đất nước, cho mọi người. Chính cách nói này đã gián tiếp khẳng định sự bất tử của Bác trong lòng dân tộc và nhân loại.

Với tám dòng thơ thôi mà cũng đem lại cho người đọc được những cảm xúc nhất định và chỉ đứng ngoài lăng Bác. Viễn Phương đã khiến hai khổ thơ chứa đựng bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu tình yêu của người con Nam Bộ với Bác. Với mạch văn chậm rãi, người đọc có thể cảm nhận được hết tất cả tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Cùng với một số biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ hay nói giảm nói tránh. Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã khơi dậy trong lòng người đọc lòng kính yêu dành cho vị lãnh tụ. Và từ đó hòa chung vào niềm đau xót mà tác giả muốn thể hiện. Từ đây, ta có thể liên tưởng tới câu nói của Tố Hữu trước sự hiện diện của Bác:

“Hồ Chí Minh – Người ở khắp muôn nơi.”

Tuy rằng Bác đã ra đi và tuy sự ra đi ấy của Người đã để lại một khoảng trống quá lớn cho toàn dân tộc. Nhưng sự hiện diện ấy thì luôn còn mãi trong lòng mỗi người con Việt Nam. Bác ra đi đã khiến nhân dân đau xót, xót xa và cũng đồng thời để lại lý tưởng, ý chí và phẩm chất. Thứ mà sẽ thay người là “mặt trời” để soi tỏ con đường mà dân tộc Việt Nam sẽ đi và mang vinh quang trở về.

Xem thêm: