Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải

Đề bài: Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải

Cuộc sống là món quà của tạo hóa ban tặng cho mỗi chúng ta. Đó là một món quà vô giá, chúng ta cần phải biết tận hưởng, trân trọng và giữ gìn nó. Cuộc sống dẫu có đổi thay, dẫu có trải qua thời gian từ mùa này sang mùa khác nó sẽ đem lại cho chúng ta những cảm xúc khác lạ. Những tâm hồn thi sĩ, họ cảm nhận rất sâu sắc về cuộc sống xung quanh. Giống như thông điệp mà thanh hải muốn gửi tặng đến cho độc giả qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” thực sự sâu sắc và ý nghĩa. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”của nhà thơ Thanh Hải.

Phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải
Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã xuất hiện rất nhiều nhà thơ lớn của Việt Nam. Mỗi nhà thơ có một phong cách thơ khác nhau, nhưng cùng sống trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ thế nên những gì mà họ cảm nhận về cuộc sống thể hiện qua những tác phẩm thơ ca thực sự vô cùng sâu sắc. Dưới ngòi bút giản dị và mộc mạc của nhà thơ Thanh Hải, ông đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp của cuộc sống này qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Xem thêm: Phân tích bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu

Bài thơ được sáng tác vào tháng 11 năm 1980 khi mà thi nhân đang trên giường bệnh vào khoảnh khắc hấp hối. Tiết trời đó bắt đầu vào xuân se lạnh. Chống lại cái đau đớn của bệnh tật, Thanh Hải vẫn cố gắng để lại một điều gì đó cho đời. Có lẽ khi đứng trước cái chết, tâm hồn của thi sĩ muốn cố níu kéo lấy cái cuộc sống chỉ còn tính bằng giờ bằng phút, trân trọng những khoảnh khắc còn lại của cuộc sống. Căn bệnh phong ác nghiệt cũng không thể nào làm mòn đi tâm hồn của Thanh Hải trước lúc lâm chung. Và Thanh Hải đã viết nên một tuyệt tác của cuộc đời mình, và ban tặng một món quà quý giá đến mọi người.

Sau khi đọc xong bài thơ, tất cả người đọc đều sẽ phải ngậm ngùi xúc độc. Tác giả đã gửi cái hồn mình vào từng khổ thơ. Mỗi câu thơ, dòng thơi khi đọc lên chúng ta sẽ thấy được cái sống động, cái linh hồn đầy chan chứa của nhà thơ. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, xuân sắc rất tinh tế và nhẹ nhàng của xứ Huế đã hiện lên ngay trong khổ thơ đầu tiên.

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Ngay ở dòng đầu tiên, với phép đảo trật tự ngữ pháp, động từ “mọc” được đặt trước hình ảnh “dòng sông xanh” và “hoa tím biếc”, tác giả đã gợi được cái sức sống trỗi dậy, vươn mình của vạn vật trước mùa xuân. Không tranh nhiều lời, bức tranh hiện lên sắc nét qua những hình ảnh chọn lọc đầy tiêu biểu, đó là dòng sông Hương thơ mộng, nước trong xanh êm đềm, điểm thêm sắc tím biếc mộng mơ của bông lục bình lững lờ trôi. Nếu mùa xuân trong thơ Tố Hữu có “mơ nở trắng rừng” thì Thanh Hải chỉ say đắm một đóa lục bình tím mà thôi.

Xem thêm: Phân tích và cảm nhận về bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật

Câu thơ thứ hai đọc lên tưởng chừng vô lý, bởi lẽ giữa dòng sông dài rộng kia làm sao chỉ có “một bông hoa” cho được? Thế nhưng đằng sau cái vô lý của logic còn là cái có lý của cảm xúc. Bút pháp chấm phá cùng điểm nhìn đặt vào một bông hoa nhỏ bé giữa dòng đã phần nào tạo nên điểm nhấn cho bức tranh. Là một bông nhưng không hề gợi ra cái vẻ cô đơn lẻ loi, trái lại, đó là cảm giác say mê ngắm nhìn, tận hưởng cảnh đẹp của tạo hóa.

Xuân không chỉ hiện hữu qua màu sắc, đường nét mà còn hài hòa cả âm thanh. Là cái tiếng hót trong trẻo thanh thanh của chú chiền chiện nhỏ nhắn vang động cả không gian mùa xuân tĩnh tại. Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng một loạt các từ “chi, ơi” mang đậm âm hưởng ngọt ngào, dễ thương đặc trưng cho giọng nói người Huế. Đó cũng như một điểm nhấn cho bức tranh mùa xuân của riêng Thanh Hải, của riêng Huế chứ không phải của bất cứ một vùng miền nào.

Ấn tượng nhất trong bức tranh đầy xuân sắc xuân tình là chi tiết “từng giọt long lanh rơi”. Không biết đó phải chăng là giọt mưa xuân hay giọt sương đêm còn vương chút lưu luyến trên lá mà ở lại? Đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, giữa tiết trời đông lạnh giá, hanh khô của xứ Huế, hóa ra giọt sương ấy không chỉ đơn thuần là hình ảnh tả thực. Nó được tạo ra dưới hình thức nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe -nhìn”. Nằm trên giường bệnh, làm sao thi nhân có thể đưa mắt ngắm nhìn giọt sương nhỏ bé ở xa? Chính tâm hồn nhạy cảm, đầy luyến ái đã gợi cho nhà thơ những vẻ đẹp chỉ có thể cảm nhận bằng toàn bộ trái tim mình. Ta hiểu “giọt long lanh” ấy chính là giọt âm thanh của tiếng chim, của sức sống mùa xuân đang phơi phới căng tràn trong lồng ngực. Thi nhân dường như đã quyện hòa hoàn toàn trong thiên nhiên tự lúc nào.

Xem thêm: Phân tích hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu

Câu thơ cuối là thái độ hết sức trân trọng của tác giả: “Tôi đưa tay tôi hứng”. Nâng niu “từng giọt sương” nhỏ bé hay cũng chính là trân trọng vẻ đẹp tự nhiên mà mẹ tạo hóa đã ban tặng cho con người. Phải có một tình yêu, sự gắn bó thiết tha vào cuộc sống, với quê hương đất nước, phải có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ mới có được những cảm nhận về mùa xuân hay đến vậy. Đặc biệt hơn, đó còn là giờ khắc nhà thơ hấp hối trên giường bệnh thì ắt hẳn tình yêu ấy còn nồng nàn đạt đến cực điểm vô bờ.

Nếu như ở khổ thớ thứ nhất, ta bắt gặp một bức tranh thiên nhiên đầy xuân sắc xuân tình, thì ở khổ thứ hai, ta không khỏi xao xuyến trước bức tranh sinh hoạt đầy ấm áp của con người:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.

Để khắc họa mùa xuân của đất nước, tác giả đã thật tài tình khi chọn lọc được những hình ảnh tiêu biểu nhất. Đó có lẽ là những kí ức sâu đậm, không thể xóa nhòa trong tâm trí của một người con yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Hình ảnh “người cầm súng” – hình ảnh đẹp nhất, cao cả nhất đại diện cho lực lượng chiến đấu và bảo vệ quê hương. Hình ảnh “người ra đồng” – lực lượng lao động sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đó chính là hai lực lượng cao quý nhất không chỉ với thời Thanh Hải mà còn cho cả hôm nay. Đất nước vắng tiếng bom, không gian trong lành, bình yên, lại thêm con người hào hứng lao động. Là gì đây nếu không phải sức sống căng tràn tiềm ẩn trong mùa xuân mới của dân tộc?

Hình ảnh “lộc” được tác giả lặp lại hai lần, không chỉ là lộc non, lộc biếc của mùa xuân, tươi non trên cành lá mà còn tượng trưng cho thành quả lao động sản xuất và chiến đấu, là thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam trên khắp các mặt trận giải phóng dân tộc. Điệp ngữ “tất cả” tạo nên cái điệp khúc dồn dập, “hối hả, xôn xao”. Chỉ với hai tính từ láy nhưng tác giả đã thể hiện thành công cái không khí “người người thi đua, nhà nhà thi đua” xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem thêm: Phát biểu cảm nghĩ của em về bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn G.Mác-két

Mùa xuân mới của đất nước trong thơ Thanh Hải sao cứ gợi cho tôi nhớ đến mùa thu mới trong thơ Nguyễn Đình Thi? “Mùa thu nay khác rồi. Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi. Gió thổi mùa thu phấp phới. Rừng thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha…” Chắc bởi lẽ cả hai bài thơ đều rạo rực khí thế của người chiến thắng, của cuộc sống mới, không còn gông xiềng nô lệ. Cả hai nhà thơ, ta đều cảm nhận được một tinh thần tự chủ, một tấm lòng sâu nặng với non sông gấm vóc Việt.

Như một lẽ thường tình, niềm tự hào trong Thanh Hải gợi cho nhà thơ nhớ về một thời lịch sử hào hùng của toàn dân tộc:

Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Trải qua muôn vàn thử thách gian lao, biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh ngã xuống, biết bao máu xương của tổ tiên phải chôn vùi dưới lớp đất cổ ngàn năm. Giấc ngủ nghìn thu ấy gợi nhắc mỗi thế hệ trẻ hôm nay sống, tận hưởng nhưng vẫn phải tận hiến cho cuộc đời, cho xứng đáng với công sức mà tổ tiên ta để lại. Bốn ngàn năm, khoảng thời gian dài đủ để thi nhân bồi hồi nhưng cũng không kém phần tự hào, hãnh diện. Phép so sánh “đất nước như vì sao” là cách nói rất đẹp gợi đến lòng tin yêu vào một tương lai tươi sáng “cứ đi lên phía trước”. Đó cũng là niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ “Gánh vác phần người đi trước để lại. Dặn dò con cháu chuyện mai sau” (Nguyễn Khoa Điềm). Âm hưởng lời thơ vui vẻ, phơi phới. Tâm hồn ta cũng như cuộn trào trong từng đợt sóng lòng khôn nguôi hòa vào mùa xuân và sức sống diệu kì của dân tộc.

Từ cảm xúc dạt dào, ngây ngát trước cảnh sắc đất nước, sâu thẳm trái tim nhà thơ như dậy lên một “mùa xuân nho nhỏ”, cũng là niềm khao khát cao đẹp của một tâm hồn trong ngần:

Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Nếu như ở khổ thơ đầu, nhân vật trữ tình xưng “tôi”- tức là cái tôi riêng của thi nhân thì đến đây Thanh Hải đã chuyển thành “ta”, nghĩa là đại từ chỉ chung cho tất thảy mọi người. Nhà thơ như hòa nhập tâm hồn mình vào tâm hồn của tạo vật, con người để nói hộ chung tiếng nói của vô vàn những người khác. Làm thơ không chỉ nói cho mình mà còn ca thay lòng người. “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” cũng bở lẽ đó.

Trở lại với mạch thơ, tôi ấn tượng nhất với điệp ngữ “ta làm” kết hợp với những hình ảnh vô cùng giản dị: con chim hót, nhành hoa, nhốt nhạc trầm. Tác giả một lần nữa nhấn mạnh mong ước mãnh liệt, tâm nguyện thiết tha, xúc động của mình: Muốn cống hiến cho đời. Điều đáng nói ở chỗ, Thanh Hải không mong ước được làm đại bàng, nhiều đóa hoa, cũng chẳng mong được trở thành một nốt nhạc cao vút. Ta bỗng thấy tận sâu trong mỗi từ mỗi câu là một sự tự nguyện chân thành, một khát khao được tận hiến cho cuộc đời một cách âm thầm, lặng lẽ mà ý nghĩa.

Xem thêm: Phân tích và nói lên cảm nhận về bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt

Không to tát, không ồn ào, ước nguyện của thi nhân cũng giống như ước nguyện của anh thanh niên trên đỉnh núi Sa Pa cao hơn hai nghìn bảy trăm mét trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” củ Nguyễn Trung Thành. Họ là những con người có lối sống giản dị, không phô trương, thâm trầm nhưng sâu sắc. Một lần nữa ta như động lòng trước tấm lòng của một “Tấm lòng sứ điệp” nơi nhà thơ.

Tất cả những mong ước nhỏ nhoi kia đã khái quát thành một “mùa xuân nho nhỏ”. Sáng tạo, độc đáo, Thanh Hải đã mang đến một cách nghĩ đẹp, một cách sống đẹp của một con người đẹp, một cuộc đời đẹp cống hiến và hi sinh máu thịt cho quê hương. Ta bỗng nhận ra, chính chúng ta, mỗi người hãy là một “mùa xuân nho nhỏ” dù chỉ rất nhỏ bé thôi cũng đủ sức góp vào một “mùa xuân lớn” của dân tộc. Đúng như một vĩ nhân từng nói rằng: “Xã hội như một bếp lửa mà ở đó luôn cần mỗi người góp chút củi của mình vào lửa thay vì ngồi đó và sụt sùi bên đống tro tàn”.

Cách nói “tuổi hai mươi, khi tóc bạc” chính là cách nói tượng trưng cho cuộc đời con người từ khi sinh ra và chết đi. Kết hợp với điệp ngữ “dù là”, tác giả đã nhấn mạnh rõ hơn chân lý muôn đời của cuộc sống.

Khép lại bài thơ cũng là khép lại mạch cảm xúc của tác giả:

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

Vẫn là cái mùa xuân ấy, vẫn là đại từ xưng hô “ta”. Cái ta, cái tôi đó đã hòa chung vào nhịp đập của dân tộc, những cảm xúc đó như quây quần lẫn nhau. “Nam ai Nam bình” được nhắc đến như là một niềm tự hào vô bờ bến của tác giả. Hình ảnh nước non hùng vĩ, vang lên vô cùng mặn mà thể hiện tình thủy chung gắn bó mà tác giả chẳng muốn rời xa. Như là một hình ảnh ẩn dụ, đất mẹ đang vỗ về người con của quê hương, một tâm hồn gắn liền với quê hương, yêu quê hương đến vô cùng.

Tác phẩm “Một mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải dường như đã vượt lên trên tất cả những “Mùa xuân” khác có trong thơ ca. Bởi nó đẹp, nó diệu kỳ, nó chan chứa đầy cảm xúc. Không quá cầu kỳ, không quá hoa mỹ, những ngôn từ thực sự mộc mạc và giản gị. Lối thơ như lời tâm sự, tâm tình với các hình ảnh thơ trong sáng khoáng đạt đã khiến cho bài thơ như có một cái hồn đang sống, đang cố níu kéo cái cuộc sống tươi đẹp này chẳng muốn xa rời. Ta có thể hiểu tại sao nhà thơ Thanh Hải có thể viết về một mùa xuân tươi đẹp đến thế. Bởi ông yêu cuộc sống, ông trân trọng từng phút giây cuối cùng của cuộc sống mà ông đang có, không hề có sự oán trách, chỉ có đó một sự cảm nhận diệu kỳ về một “Mùa xuân nho nhỏ”.

Xem thêm:
– Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận
– Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu
– Phân tích tác phẩm truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”