Phân tích nhân vật chị Dậu trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ

Đề bài: Phân tích nhân vật chị Dậu trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ

Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, văn học Việt Nam xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh chế độ bóc lột hà khắc của giai cấp thống trị. Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một tác phẩm như vậy. Tức nước vỡ bờ là một trích đoạn trong tác phẩm, là bản cáo chân thực lên án lên án chế độ thối nát của bọn thực dân phong kiến. Nhưng trên hết vẫn là sự ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân mà đại diện chính là chị Dậu.

Chị là hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những phẩm chất tốt đẹp: yêu thương chồng con sâu sắc và có tinh thần đấu tranh chống lại áp bức và bóc lột.

Phân tích nhân vật chị Dậu trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ
Phân tích nhân vật chị Dậu trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ

Hoàn cảnh chị Dậu thật khốn khổ, là tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân Việt Nam thời phong kiến. Gia đình chị là hạng cùng đinh trong làng. Những ngày sưu thuế chị phải đóng tiền cho chồng và người em đã mất. Chị phải bán cả chó, cả con, chạy vạy đủ nơi mà vẫn không đủ tiền sưu. Đây thật sự là những ngày khốn khổ nhất của chị.

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ kể lại câu chuyện về anh Dậu sau khi bị ngất xỉu ở sân đình. Bọn cai thấy anh Dậu rũ rượi, không còn sức sống, sợ bị vạ lây, liền đem anh Dậu trả về cho gia đình. Chị Dậu cùng bà con hàng xóm ra sức chăm sóc cho anh Dậu. Chị vô cùng đau đớn xót xa, lo lắng cho mạng sống của chồng. Chị ân cần chăm lo từng giấc ngủ, cố gắng trọn vẹn từng bữa ăn cho anh Dậu. Anh Dậu vừa được thả về, chị Dậu được bà cụ hàng xóm cho ít gạo, chị nấu cháo cho anh ăn.

Cháo nguội chị mang đến một bát lớn đến chỗ chồng, dùng những lời lẽ thật dịu dàng động viên anh Dậu: “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp hít cháo cho đỡ xót ruột” rồi cố nán lại xem chồng ăn có ngon miệng hay không. Qua chi tiết này, hình ảnh chị Dậu hiện lên là một người phụ nữ vô cùng tình cảm và yêu chồng, thương con tha thiết.

Tuy vậy, bọn cai ngục không chịu để anh yên. Chúng ập tới đòi tiền sưu một lần nữa. Anh Dậu không còn sức, nhà cũng không có tiền nên chị Dậu bị đối mặt với một tình huống khó khăn. Đặt chị Dậu vào tình huống gay cấn như vậy một lần nữa giúp người đọc hiểu rõ tính cách và tình yêu thương của chị. Bọn cai lệ vô cùng hung hãn, chúng xông vào định bắt trói anh Dậu lôi ra ngoài đình.

Hành động tàn nhẫn và bất nhân đó làm chị Dậu hoàn toàn bị động, chị sững sờ rồi run run cầu xin nài nỉ: “Khốn nạn nhà cháu đã không có, dẫu ông có chửi mắng cũng thế thôi, xin ông trông lại”.

Chị đã hạ mình nhẫn nhục khi xưng hô ông với bọn cai ngục để bảo vệ tính mạng của chồng. Bọn cai ngục để ngoài tai lời nói của chị, hung hăng xông tới. Chúng  giật phắt dậy thừng, đùng đùng chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu.

Đến giờ phút này, trước sự vô lý và thiếu tính người của bọn cai, chị không còn nhẫn nhục được nữa, đúng như hình ảnh tức nước vỡ bờ, chị đã chủ động đấu tranh chống lại kẻ thù. Chị xám mặt lại và cách xưng hô cũng thay đổi. Lần cuối, chị không gọi chúng bằng ông và xưng con, cháu nữa, mà là mày với bà, chị đã tự đặt mình trên kẻ thù và giành thế chủ động: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”.

Hành động của chị quyết liệt thể hiện thái độ mạnh mẽ của chị. Chị giật gậy của bọn cai, túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm. Trước cường quyền, chị không còn nao sợ hãi. Giờ đây mối quan tâm duy nhất của chị là phải bảo vệ được người chồng đang đau ốm của mình.

Câu nói đầy vẻ thách thức cùng với hành động quyết liệt vừa là một câu biểu hiện của lòng thương yêu chồng, vừa cho thấy sự dũng cảm, tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị. Câu nói đầy khí phách của chị Dậu “Thà ngồi tù chứ để cho bọn chúng làm tình làm tội mãi thế tôi không chịu được” biểu hiện mãnh liệt sức phản kháng và lòng căm ghét bọn cường hào vốn chất chứa đã lâu.

Bao nhiêu nỗi tủi nhục bấy lâu chị cam chịu, giờ đây không dằn được nữa, nhất là chúng đã cố tình hành hạ anh Dậu. Chị lấy thân che chở cho chồng mà cũng không yên, cuối cùng chị đã vùng lên đấu tranh chống lại áp bức với một sức mạnh quật khởi của lòng căm thù.

Hành động của chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ chứng minh rằng “ờ đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh”. Khi có sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân vùng lên đấu tranh với tinh thần tự nguyện và quyết tâm cách mạng. Với nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật qua các diễn biến căng thẳng của tinh tiết, Ngô Tất Tố đã xây dựng thành công nhân vật chị Dậu. Đó là hình tượng chân thực, đẹp đẽ về người phụ nữ nông dân trước Cách mạng tháng Tám có lòng thương yêu chồng, có tinh thần đấu tranh dũng cảm chống mọi áp bức, bất công của chế độ cũ.

Để tạo nên bức chân dung đẹp đẽ về nhân cách chị Dậu và kể lại câu chuyện một cách sinh động, Ngô Tất Tố đã vận dụng linh hoạt các yếu tố nghệ thuật khác nhau. Đầu tiên là tạo nên một cốt truyện giàu kịch tính, căng thẳng, phát triển theo tầng bậc từ đó bộc lộ tính cách của chị Dậu.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật được Ngô Tất Tố thể hiện qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật, được khai triển và bộc lộ dần dần, giúp người đọc hiểu rõ và đồng cảm với nhân vật chị Dậu. Lời văn giản dị, mộc mạc, dễ hiểu góp phần thể hiện tâm hồn, tính cách của chị Dậu.

Bằng ngòi bút đậm chất hiện thực, Ngô Tất Tố không chỉ vạch trần bộ mặt bất nhân của giai cấp cầm quyền mà còn cho thấy vẻ đẹp của người nông dân. Nhân vật chị Dậu là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ nông dân Việt Nam: giàu tình yêu thương chồng con và có sức sống đầy mạnh mẽ.

Xem thêm:
– Phân tích tính nhân văn trong truyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao
– Phân tích sự tài ba của Trần Quốc Tuấn qua qua tác phẩm Hịch Tướng Sĩ
– Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên