Phân tích truyện “Tấm Cám” để thấy được vai trò các yếu tố thần kỳ

Đề bài: Hãy phân tích truyện Tấm Cám để thấy được vai trò của các yếu tố thần kì trong đó.

Chắc hẳn khi còn là trẻ con, ai ai cũng say đắm những trang truyện cổ tích, nào là Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Cóc kiện Trời,… Và hẳn thời đó, cũng không ít người thắc mắc tại sao cô Tấm trong truyện Tấm Cám lại có thể bước ra từ quả thị, tại sao lại có bụt hiện ra?

Như bao truyện cổ tích khác, Tấm Cấm được xây dựng lên từ rất nhiều yếu tố, tình tiết thật li kì, và cũng có ý kiến cho rằng đó là những yếu tố đại diện cho khát vọng của con người, những kì vọng lớn mà không thể thực hiện được.

Xem thêm>>> Phân tích quá trình hồi sinh của Tấm trong truyện”Tấm Cám”

Vai trò của các yếu tố thần kỳ trong truyện "Tấm Cám"
Vai trò của các yếu tố thần kỳ trong truyện “Tấm Cám”

Truyện cổ tích là một thể loại tác phẩm dân gian, là những câu chuyện được hun đúc và kết tinh từ trí tưởng tượng của nhân dân. Cổ tích ra đời khi con người bị dồn vào bế tắc trước hiện thực của cuộc sống, họ muốn tìm đến khát vọng lớn lao.

Cũng chính vì thế mà chứa đựng trong những câu chuyện cổ tích là sự phản ánh đấu tranh xã hội, sự phản ánh mâu thuẫn giai cấp, nhất là mâu thuẫn giữa kẻ áp bức và người bị áp bức. Thật đáng buồn là mâu thuẫn ấy chẳng thể giải quyết trong hiện thực mà chỉ có thể gửi gắm trong những mẩu truyện truyền tai nhau và trong đó, mâu thuẫn được giải quyết bằng yếu tố thần kì.

Các yếu tố thần kì đã xuất hiện trong truyện Tấm Cám như một sự tất nhiên không thể nào thiếu bởi sự xung đột hiện rõ với mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Trong truyện này, Tấm là một cô gái hiền lành, siêng năng, chân thật, là người đại diện cho cái thiện và đối lập với Tấm là mẹ con Cám độc ác, đại diện cho cái xấu.

Tấm bị mẹ con Cám hãm hại hết lần này đến lần khác, làm cho xung đột ngày càng được đẩy lên cao. Trong những ngày đầu, mẫu thuẫn chỉ là những xung đột giữa mẹ ghẻ – con chồng hay chị – em kế, những xung đột trong gia đình. Cũng may thay, Tấm không hoàn toàn cô đơn mà mỗi lần bị bắt nạt hay ức hiếp tới mức tủi thân phát khóc, ông Bụt lại hiện lên bù đắp cho Tấm, ban cho Tấm điều mới.

Tấm đã bị cám lừa mất giỏ tép và cái yếm đỏ thì Bụt đã ban cho nàng cá bống để bầu bạn. Không chỉ dừng ở đó, Cám còn giết luôn con cá bống ấy nhưng Tấm lại được Bụt hiện lên, biến những chiếc xương cá thành quần áo, giày dép đẹp để Tấm được đi hội. Chính vì có sự giúp đỡ ấy, Tấm đã có cơ duyên để trở thành hoàng hậu, để thoát khỏi thân phận éo le, nghèo hèn trước đó và có thể hưởng những ngày tháng hạnh phúc bên cạnh vua.

Xem thêm>>> Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong Tấm Cám

Sự xuất hiện của yếu tố thần kì đã góp phần thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân ta bởi trước hiện thực ấy, họ không thể làm được gì, chỉ biết gửi gắm nỗi niềm vào ước mơ. Những thế lực siêu nhiên trong truyện luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết mâu thuẫn giữa con người với con người mà mãi vẫn chưa được giải quyết. Đó chính là khát vọng được thoát khỏi cuộc sống khổ cực bị áp bức bóc lột, ước mơ một cuộc sống hạnh phúc, ấm no và bình đẳng của họ.

Câu chuyện Tấm Cám chưa dừng lại ở đó mà còn được thêm nhiều tình tiết kì lạ nữa. Đó là khi Tấm đã trở thành hoàng hậu, vì ghen tị với sự may mắn của nàng mà Tấm đã bị Cám hãm hại chết đi, nhưng kì lạ thay, nàng đã hóa thân thành chú chim vàng anh xinh đẹp quấn quýt bên nhà vua, rồi cây xoan đào, rồi khung cửi dệt vải và cuối cùng là quả thị.

Bốn lần hóa thân này như là sự phản kháng vươn lên quyết liệt của Tấm, không chịu khuất phục trước cái ác và sự bất công. Tấm đã vươn lên bằng mọi giá và cuối cùng cũng chiến thắng cho dù nàng chiến thắng là nhờ có sự giúp đỡ của Bụt. Bên cạnh đó, sự phản kháng của Tấm còn có thể coi là cuộc đấu tranh giai cấp của người bị áp bức với kẻ áp bức.

Như vậy, các yếu tố thần kì một lần nữa lại góp phần thể hiện khát vọng của nhân dân thời xưa và cũng nhờ nó đưa đến kết thúc có hậu cho câu chuyện, làm cho phù hợp với tâm lý truyền thống nhân đạo xưa nay của dân tộc.

Có thể nói rằng yếu tố kì diệu là một phần không thể thiếu trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam dù cho những sự kiện đó không có thực nhưng đó lại là khát vọng, ước mơ của người dân lao động xưa cho việc giải quyết những vấn đề mà thực thế cuộc sống trong xã hội cũ chưa cho phép giải quyết thỏa đáng.

Xem thêm>>> Đề bài: Phân tích tâm trạng của thúy kiều trong đoạn trích “Trao duyên” trong truyện Kiều

Cũng có ý kiến cho rằng yếu tố thần kì là sản phẩm của đầu óc mê tín nhưng thực ra đó chỉ là phương diện cần thiết cho tác giả dân gian có thể phát triển tình tiết theo nguyện vọng của mình, nhờ vậy là họ có thể gửi gắm nhiều điều trong câu chuyện Tấm Cám. Đó đơn giản chỉ là khát vọng ước mơ, là quan niệm triết lý với luật nhân quả từ nghìn đời tới nay.

Suy nghĩ khác đi, nếu như các yếu tố thần kì không được đưa vào những câu chuyện cổ tích thì sao? Có lẽ truyện cổ tích Việt Nam sẽ thiếu đi sự sáng tạo, trí tưởng tượng của tác giả dân gian và quan trọng hơn hết là họ khó mà có thể bày tỏ khát vọng, ước mơ trong lòng. Nhưng dù sao khi đọc truyện cổ tích mà không rung cảm, quá khô cằn với những chi tiết kì diệu. Sự việc hoang đường ở trong đó thì ta sẽ không thưởng thức hết được ý nghĩa câu chuyện.