Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Đề bài: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Những người lính luôn luôn có một vị trí quan trọng, không thể thiếu trong các cuộc chiến, kháng chiền. Và trong cuộc kháng chiến cứu nước từ năm 1945 đến năm 1954, tầm quan trọng của họ một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ.

Họ không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam mà hơn nữa còn trở thành hình tượng nghệ thuật trung tâm, đặc sắc không thể nào quên trong rất nhiều tác phẩm. Một tượng đài mới về người lính cụ Hồ đã được khắc họa một cách độc đáo hơn ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Đầu tiên, khi nói về vẻ đẹp đầy bi tráng của người lính, Quang Dũng đã dùng ngôn từ của mình tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đầy khó khăn, gian nan, thử thách và không kém phần khốc liệt. Đó cũng chính là nơi đã mang dấu chấn của những người lính Tây Tiến.

Xem thêm>>> Đề văn 12: Đọc hiểu khái niệm FA và Phân tích cảm hứng lãng trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Họ đã từng đi qua đây, đã từng sống ở đây và đã từng chiến đấu tại nơi này. Khung cảnh, cảnh vật nơi đây lại càng trở nên khốc liệt hơn, hung hãn hơn và dữ tợn hơn trong con mắt đầy lãng mạn cũng như giàu trí tưởng tượng của người lính. Mọi vật như mốn đe dọa và vồ lấy những người lính của chúng ta.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời


Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm mường hịch cọp trêu người”

Sự dũng cảm, không hề sợ hãi trước thiên nhiên đầy dữ dội của con người đã càng tôn lên vẻ đẹp không những khỏe đẹp mà còn kì vĩ của họ. Tác giả đã khôn ngoan trong việc sử dụng chính thiên nhiên làm nền cho sự xuất hiện nổi bật của những người lính Tây Tiến. Họ xuất hiện đầy dũng mãnh trên đỉnh núi cheo leo, đầy hiểm trở.

Khung cảnh ấy vừa cho ta thấy được vẻ sừng sững cũng như sự ngang tàn mang đượm màu sắc sáng tạo của tác giả Quang Dũng. Đứng trên đỉnh núi cao vời vợi với độ sâu ngàn mét ấy, những người lính thu tóm trong tầm mắt mình một thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng trong cơn mưa rừng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Xem thêm>>> Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Đoạn thơ trên tuy đã phần nào bộc tả được vẻ đẹp bi tráng của những người lính nhưng vẻ đẹp ấy còn được thể hiện rõ hơn qua đoạn thơ:

“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Đây là một đoàn quân với hình hài không hề bình thường, kỳ dị. Một đoàn quân “không mọc tóc”, nước da thì “xanh màu lá”. Quang Dũng đã lột tả được hình ảnh trần trụi, khốc liệt về người lính thời gian ấy. Họ phải trải qua bao gian khổ, phải sống và chiến đấu nơi nước độc rừng thiêng, phải trải qua bao trận sốt rét liên miên, thiếu thuốc men, phương tiện và thiếu cả ăn.

Sức khỏe của họ đã dần dần bị tàn phá bởi những thứ ấy khiến cho mái tóc của họ rụng trọc, nước da thì xanh xao. Nhưng, nội dung của bài thơ không chỉ dừng ở đó. Dụng ý thật sự của tác giả ở đây là đem những cái bi thương, đau khổ để làm nổi bật, toát lên cái “tráng”.

Hình ảnh của họ không hề chỉ dừng lại ở vẻ kì dị xanh xao mà sâu trong đó là hình ảnh mãnh liệt khí thế bừng bừng “dữ oai hùm” của đoàn binh. Nhà thơ đã rất xuất sắc trong việc tạo sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm để rồi từ đó làm toát lên vẻ đẹp tinh thần của người lính năm xưa.

Những người lính cả đời sống rất anh hùng ấy lúc chết cũng thật anh hùng làm sao. Mặc dù trong bài thơ, cái chết được tác giả Quang Dũng nhắc đến khá nhiều lần nhưng những cái chết ấy không hề đượm bi sầu, đau thương hay bị lụy mà vẫn mang âm hưởng mạnh mẽ, hào hùng. Những cái chết của lớp người ra trận ấy khi chuyền đến tay người đọc vẫn mang tính đầy hào hùng, quả cảm.

Xem thêm>>> Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng P2

Quang Dũng đã tả cái chết của người lính “gục bên súng mũ, bỏ quên đời”. Cách tả ấy khiến cho người đọc thấy sự ra đi của họ thật nhẹ nhàng. Tư thế ấy là tư thế không chịu lùi bước, không chịu khuất phục. Cái chết rất nhẹ nhàng, thanh thản, giống như đi vào một giấc ngủ – “bỏ quên đời”.

Thật vậy, những người lính khi dấn thân vào chốn nguy hiểm ấy, họ biết rõ sự khắc nghiệt, gian nan và ác liệt như thế nào. Đối với họ, những “nấm mồ viễn xứ” nằm rải rác biên cương – những thứ tưởng chừng như vô cùng đáng sợ và ớn lạnh, lại không là gì cả. Những người lính Tây Tiến tham gia trận mạc với quan niệm, lời thề đanh thép:

“chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Đó cũng chính là phương châm sống của những người có trách nhiệm công dân đối với Tổ Quốc.

Rồi, khi các anh ngã xuống, những chiếc “áo bào” được hóa thành từ những bộ quân phục đưa các anh trở về với đất mẹ quê hương. Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng những từ hán việt như “áo bào”, “độc hành” để nói về sự bi thương.

Xem thêm>>> Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

Những từ ấy vừa gợi nên sự cổ kính, trang trọng, trang nghiêm nhưng cũng lại rất đỗi gần gũi, không quá xa cách. Từ “về” đóng vai trò là một nhịp cầu nối tiếp để đưa cách anh nằm vào lòng mẹ tổ quốc thân yêu.

Và rồi, dòng sông Mã – dòng sông gắn liền với niềm vui, nỗi buồn của các anh – đã đau đớn “gầm lên khúc độc hành”. Chỉ với từ miêu tả âm thanh – “gầm”, nhà thơ Quang Dũng đã truyền tải được hết tất cả nỗi đau, sự bi tráng của người chiến sĩ vào trong câu thơ.

Với tâm hồn thơ đầy phong phú cũng như giàu tài năng và sáng tạo, Quang Dũng đã rất xuất sắc và thành công với việc khắc nét được vẻ đẹp bi tráng của người lính thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã đem lại bài học nhân sinh vô cùng quan trọng cho chúng ta.

Đó là bài học về tinh thần quả cảm, không ngại khó, ngại khổ, ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng và tình cảm, cách mạng vô cùng trong sáng của những người lính thủ đô. Qua bài thơ, tác giả Quang Dũng đã khắc họa được rất rõ nét và sâu sắc về hình tượng người lính. Hình tượng đó trở thành một tượng đài bất tử về những người lính vô danh đánh giặc một thời khiến người đời mãi mãi nhớ ơn không thể nào quên.

Xem thêm>>> Phân tích hình tượng Quang Trung qua hồi thứ 14 tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”