Phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

Đề bài: Phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

Khi đọc bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, người đọc thường nhận ra tính chất cung đình, gợi nhớ nỗi buồn man mác qua những lời thơ trang nhã. Ngược lại, đến với thơ của Hồ Xuân Hương, người đọc lại thấy được một phong cách thật mạnh mẽ, rắn rỏi, ý thơ sâu sắc cũng như chất chứa một nỗi niềm phẫn uất, phản ánh xã hội đương thời và “Bánh trôi nước” là một bài thơ nổi bật rõ nhất phong cách thơ của bà.

Phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương
Phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

Tuy sắc sảo trong câu từ hay châm biếm chua cay khi phê phán giai cấp xã hội thời bấy giờ để lên tiếng và đả kích. Hồ Xuân Hương thể hiện sự đồng cảm sâu sắc cùng với thái độ thiết tha khi viết về những người phụ nữ.

“Bánh trôi nước” là bài thơ trữ tình đặc sắc viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa có chung thân phận bé nhỏ, nổi trôi, không thể tự định đoạt cuộc sống. Trong bài thơ này, tác giả đã mượn hình ảnh bánh trôi nước để thể hiện vẻ đẹp cả hình thể lẫn tâm hồn của người con gái có thân phận hẩm hiu, phụ thuộc mà vẫn giữ gìn được phẩm giá của bản thân.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn 

Bảy nổi ba chìm với nước non” 

 Xuyên suốt bài thơ là một hình ảnh nhân hóa tượng trưng. Với tài quan sát và khả năng liên tưởng của mình, Hồ Xuân Hương đã nhìn được những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi nước tầm thường và hình ảnh cuộc đời của người phụ nữ thời phong kiến xưa.

Bánh trôi nước là loại bánh được làm bằng bột gạo nếp có hình dạng tròn trịa cùng màu trắng đặc trưng của gạo qua bàn tay của người nặn. Ngay từ những dòng chữ đầu tiên, nhà thơ đã nhân hóa bánh trôi, gắn liền những chi tiết tả thực mà mang hàm nghĩa tượng trưng. Như vậy, qua hình ảnh trắng, tròn của những chiếc bánh trôi, người đọc nhận ra được vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.

Thoáng qua niềm tự hào về vẻ đẹp bên ngoài là sự than vãn về số phận hẩm hiu. Đó là một vẻ đẹp tràn đầy sức sống nhưng đối ngược với vẻ đẹp tươi mới ấy lại là số phận mịt mờ, tăm tối. Lẽ ra mang mình một vẻ đẹp ấy, người phụ nữ phải có một cuộc đời sung sướng nhưng thực tế nó lại long đong, vất vả, phiêu dạt, chìm nổi: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.

Về ý nghĩa tả thực, ai cũng dễ dàng nhận ra đây là quá trình luộc bánh, bước cuối cùng hoàn thành quy trình làm bánh nhưng đây cũng là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng bởi nó gợi ra số phận đầy thăng trầm, sóng gió của những người phụ nữ.

Những người phụ nữ thời đó từ khi sinh ra đến lúc đến tuổi gả chồng, họ hoàn toàn không được tự mình quyết định bất kể điều gì, dù cho đó là quyết định về tình yêu, đối tượng kết hôn bởi người ta còn quan niệm rằng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hay “xuất giá tòng phu”.

Từ giọng văn than vãn, lời thơ lại chuyển sang một vẻ ngậm ngùi cam chịu nhưng kết thúc thì đột ngột chuyển lại:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Kết cấu đối lập trong bài thơ được tác giả khai thác triệt để, đó là sự đối lập giữa thái độ cam chịu và thái độ quả quyết giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng trong tâm hồn người phụ nữ. Ngoài ra, sự đối lập này còn được thể hiện ở cả ngôn từ “mặc dầu” – “mà em vẫn giữ…” để tăng cường thêm ý nghĩa của sự đối lập, làm chúng trở nên thêm sắc và mạnh.

Nếu như những chiếc bánh trôi tròn, méo, nát vào tay người nặn cẩn trọng thì khi hoàn thành, chiếc bánh sẽ có hình tròn với màu trắng trong và ngược lại, nếu nghệ nhân vô tâm, hời hợt thì chiếc bánh trôi sẽ trở nên méo mó và dễ dàng bị vỡ khi luộc. Điều đó khá tương tự với người con gái trong xã hội phong kiến xưa, nếu gặp được người biết yêu thương, biết trân trọng thì cuộc sống của họ sẽ trở nên hạnh phúc, suôn sẻ.

Còn nếu gặp phải người không ra gì, vũ phu thì cuộc sống lại trở nên đau khổ. Tuy nhiên, dù cho cuộc đời có xô đẩy họ, có bất biến, phù du thì những người con gái ấy vẫn giữ được vẻ đẹp trong tâm hồn mình, một vẻ đẹp trong trắng thủy chung. Đến đây, Hồ Xuân Hương đã hoàn thiện được vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa. Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn đẹp cả tâm hồn, họ là những người đáng được trân trọng.

Bài thơ chỉ vỏn vẹn bốn câu xoay quanh về bánh trôi, tưởng chừng đó chỉ là một món ăn bình thường nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Hồ Xuân Hương. “Bánh trôi nước” lại chứa đựng một luồng ánh sáng ý thức về xã hội không bình đẳng, bất công vùi dập người phụ nữ và ý thức về giá trị của người phụ nữ chân chính có “tấm lòng son” dù ở trong hoàn cảnh nào.

Dẫu có bất hạnh, đau khổ thì vẻ đẹp tâm hồn ấy không những không mất đi mà còn trở nên nổi bật hơn nhờ tia sáng của phẩm chất, đạo đức. Với bài thơ hàm súc đa nghĩa giàu bản sắc, tác giả đã biểu lộ sự cảm thông và niềm tự hào với số phận, thân phận của người phụ nữ Việt Nam bằng tất cả lòng yêu mến, tự hào bản sắc nền văn hóa Việt.

Leave a Comment