Cảm nhận về đất nước qua đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Đề bài: Có ý kiến cho rằng Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận đất nước từ phương diện lịch sử, văn hóa, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian. Qua nửa đầu đoạn trích “Đất nước”, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

từ phương diện lịch sử, văn hóa, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian
từ phương diện lịch sử, văn hóa, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian

Đất Nước Việt Nam đã trải qua ba mươi năm của hai cuộc chiến tranh trường kì gian khổ và trong ba mươi năm đó người Việt Nam phải đội hàng triệu tấn bom để hái mặt trời hồng:

“Cha ông ta đâu bố trí những trận binh đoàn.

 Trên vai đỉnh Trường Sơn dọc bờ Đông Hải.

Tên tổ quốc vang vang ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom để hái mặt trời hồng.”

Để bao quát cả một Đất Nước trong ba mươi năm của hai cuộc chiến tranh trường kì gian khổ cần phải có một thể loại thơ ca tầm cỡ. Như để đáp ứng nhu cầu của lịch sử, thể loại trường ca trong giai đoạn mới xuất hiện. Ta có thể kể đến “Theo chân Bác” của Tố Hữu, “Trường ca chim Ch’rao” của Thu Bồn, “Đất Nước hình tai chớp” của Trần Mạnh Hảo, …

Tiêu biểu hơn cả là “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Ai đã từng đọc tập thơ này cũng đều có những ấn tượng riêng, song chương năm “Đất Nước” có lẽ là ấn tượng khó phai nhất với người đọc.

Thông thường, khi tái hiện lịch sử Đất Nước, các sử gia hay các nhà thơ thường nhìn vào sự tiếp nối các triều đại hoặc liệt kê tên tuổi, công trạng của những anh hùng, những danh nhân văn hóa. Song với Nguyễn Khoa Điềm, lịch sử lâu đời của Đất Nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp các triều đại hay các sự kiện lịch sử.

Nguyễn Khoa Điềm tìm về lịch sử Đất Nước và tái hiện lại lịch sử bằng những chất liệu văn hóa dân gian gắn với những suy nghĩ về nhân dân- những người làm nên ịch sử Đất Nước. Đây cũng chính là đặc điểm mới trong cách tìm về nguồn cội Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết tròng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Qua đoạn thơ mở đầu, lịch sử Đất Nước đã được gợi lại từ những câu chuyện cổ đến ca dao và những phong tục tập quán. Thật vậy, khác với những tác giả đi trước và một số cây bút cùng thời thường tạo ra khoảng cách để chiêm ngưỡng Tổ quốc, thường có độ lùi về thời gian để nhìn ngắm cái bao la, mênh mông, rộng dài, cái thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cách mở đầu rất tự nhiên và hết sức bình dị. Chỉ trong một đoạn thơ ngắn nhưng tác giả đã gợi dậy bao nét văn hóa, bao vẻ đẹp tinh thần, đạo đức của dân tộc và cả những dấu ấn của văn học dân gian quen thuộc.

Đó là những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa…” mà mẹ hay kể, đó là “miếng trầu” mà bà hay ăn và là tình nghĩa “muối gừng” sâu nặng của cha của mẹ. “ngày xửa ngày xưa…” gợi lại cả một kho tang truyện cổ của người Việt mà ai ai cũng nhớ. Đó là câu chuyện cổ tích trầu cau thắm tình an hem, vợ chồng. Đó là những câu chuyện truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc ngoại xâm thể hiện đậm nét lòng yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dan tộc của người Việt.

Bên cạnh đó, một số nét văn hóa, phong tục cũng được gợi lại thật giản dị và gần gũi như tục ăn trầu, tục búi tóc sau đầu, cách đặt tên con bằng những vật dụng thường ngày và những tập quán lao động gắn liền với nền văn minh lúa nước. Không chỉ dừng lại ở đó, những tình cảm, đạo lí truyền thống cũng được tác giả khéo léo thể hiện qua những vần thơ mang bóng dáng của thành ngữ, của ca dao:

“Tay nâng chén muối, đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.”

Thật vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cách thể hiện tự nhiên, bình dị với chất kiệu chủ đạo là văn hóa, văn học dân gian. Tuy nhiên, nhà thơ không chỉ ra một tác phẩm văn học dân gian cụ thể nào mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng qua một vài hình ảnh và từ ngũ tiêu biểu. Nhưng có lẽ chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để nhắc nhớ và thể hiện thành công hình ảnh Đất Nước trong chiều dài lịch sử- một Đất Nước dung dị, đời thường, gần gũi.

Với Nguyễn Khoa Điềm, hay cũng như bao con người khác, Đất Nước  không chỉ dừng lại ở những trang lịch sử đã bám bụi thời gian mà với ông, Đất Nước còn là của hôm nay và mai sau:

“Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuát

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng”

Nhìn vào đoạn thơ, tôi thấy Đất Nước hiện lên vừa hào hùng, thiêng liêng trong quá khứ, vừa giản dị gần gũi trong hiện tại song không kém phần triển vọng tươi sáng trong tương lai. Bên cạnh đó, khi nhìn vào lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm như tưởng tượng ra một cuộc chạy tiếp sức của hàng nghìn người lớp người, thế hệ nối tiếp thế hệ. Cùng với suy nghĩ này, Hoàng Trung Thông cũng đã từng viết:

 “Tôi muốn viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên sẽ viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.”

Có thể thấy, ngay cả khi nói về Đất Nước trong lịch sử với những cảm xúc cung kính, Nguyễn Khoa Điềm cũng không cao giọng. Trái lại, mạch thơ mang giọng tâm tình, chia sẽ, tâm sự giữa “anh” và “em” gắn với những chi tiết, những câu chuyện rất đỗi đời thường.

Với những cảm nhận này về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định: Đất Nước không ở đâu xa mà hóa thân, hiện diện trong cuoccj sống của con người. NHà thơ đã nhìn thấy mỗi con người, mỗi thế hệ như một phần Đất Nước.

Trong mạch cảm xúc về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đáng cố công đi tìm một định nghĩa về Đất Nước, giúp người đọc trả lời được câu hỏi “Đất Nước là gì?” . Và để trả lời cho câu hỏi này, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm về hai yếu tố cấu thành nên khái niệm Đất Nước. Nói cách khác, theo lối triết tự, tác giả đã khai thác cấu tạo từ ghép Đất Nước, để rồi từ đó đi sâu vào từng thành tố để hoàn thiện khái niệm Đất Nước theo cảm nhận riêng.

Nguyễn Khoa Điềm đã tách hai từ Đất và Nước ra rồi hợp lại hành một chỉnh thể thống nhất, hài hòa. Rồi ông cứ thể tách ra rồi hợp lại để hình ảnh Đất Nước hiện ra thật gần gũi, cụ thể, riêng tư, gắn với những không gian vi mô lại vừa cao cả, lớn lao và thiêng liêng gắn với những không gian vĩ mô.

Đất Nước tồn tại gắn với đời sống hàng ngày của mỗi con người, với những không gian gần gũi như “nơi anh đến trường”, “nơi em tắm”. Rồi từ đó, Đất và Nước hòa làm một để anh được gặp em, để hai ta được “hẹn hò”, được “nhớ thầm”, được yêu nhau. Mặt khác, Đất Nước tồn tại còn gắn với không gian sinh tồn của nhân dân qua bao thế hệ:

“Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau”

Trong cách nhìn không gian địa lí của của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm nghiêng nhiều về không gian riêng tư, không gian đời thường. Lâu nay, chúng ta quen nhìn Đất Nước ở tầm vóc lớn lao, kì vĩ mà bỏ quên những không gian rất đỗi bình dị, nhỏ bé quanh mình. Cái nhìn ấy rất dễ tạo ra khoảng cách. Chính vì vậy Nguyễn Khoa Điềm đã có cái nhìn rất khác, ông nhìn Đất Nước ở cự li gần, một không gian hẹp để rồi khẳng định Đất Nước rất đỗi thân quen đối với cá nhân mỗi con người, gắn liền với đời sống của mỗi người.

Nói tóm lại, chỉ với nửa đầu của đoạn trích “Đất nước”, tác giả Nguyễn Khoa Điềm thể hiện được sự cảm nhận rất mới mẻ, rất riêng của ông về nước ta. Và đây, tác giả cũng đã gửi gắm kì vọng và niềm tin của ông vào các thế hệ tương lai sẽ giữ gìn đất nước, tiếp tục xây dựng và phát triển Việt Nam ngày càng bền vững, giàu mạnh.

Xem thêm:
– Phân tích tư tưởng”đất nước của nhân dân” trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
– Phân tích bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận.
– Cảm nhận về chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ở truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”