Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích truyện cười Treo Biển

Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích truyện cười Treo Biển

 

I. Loài người sống lập thành cộng đồng xã hội – Truyện cười Treo biển

Sự tác động lẫn nhau giữa, người với người, giữa người với việc tạo thành đời sống hoạt động với muôn sự việc diễn ra trong ngày. Có sự việc mang tới nỗi buồn. Có sự việc mang tới niềm vui. Dân gian thường dựa vào những con người và sự việc ấy để hư cấu thành truyện theo mục đích của mình, và kể lại cho mọi người cùng nghe.  

Truyện cười dân gian được hình thành theo phương cách đó, thường có dung lượng ngắn, sự việc nhỏ nhằm tạo ra tiếng cười vui, hoặc phê phán những thói hư, tật xấu của con người trong đời sống thường ngày, trong đó có truyện cười Treo biển.

II. Truyện kể về người chủ và bốn khách hàng về tấm biển “đề mấy chữ to tướng”:

“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Chủ cửa hàng treo tấm biển đó trước cửa hàng là để thông báo cho khách qua đường ai có nhu cầu thì ghé lại. Nội dung thông báo ngắn gọn, rõ ràng, và vừa đủ (không thiếu, không thừa). Mấy chữ to tướng kia mang thông tin về nơi chốn (ở đây: tại cửa hàng này), hành vi (có bán), vật dụng (cá tươi). Đọc thông báo ấy, người bình thường hiểu ngay, không thấy có chi tiết nào đáng thắc mắc. Thế nhưng vẫn có bốn khách hàng thắc mắc. Truyện kể lại bốn thắc mắc đó và cách ứng xử của chủ cửa hàng.

Trong bốn ý kiến của khách hàng, ý kiến nào cũng có cái lí của nó. Ý kiến của khách hàng đầu tiên đụng chạm đến uy tín của chủ cửa hàng từ chất lượng của cá. Hôm nay biển có chữ “tươi” dễ làm cho khách hiểu lầm hôm qua và những ngày trước cửa hàng đều “bán cá ươn”, cả đã bốc mùi hôi, chất lượng xấu. Vì thế mà chủ cửa hàng đã bỏ chữ “tươi” đi. Chủ cửa hàng không nghĩ đến giá trị lâu dài do chữ “tươi” mang lại, không nghĩ đên “tươi” là điểm nhấn tạo ấn tượng về chất lượng của cá đối với khách qua đường. Nhỡ tới cửa hàng thấy toàn cá ươn thì sao đây nhỉ? Một tiếng cười bật ra cho suy nghĩ nông cạn của cả người khách lẫn chủ cửa hàng.

Ý kiến của khách hàng thứ hai nhắm vào địa điểm, nơi chốn. Người ấy lí luận rằng:

“- Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải, đề là “ở đây”?”Chủ cửa hàng nghe lời, bỏ hai tiếng “ở đây”. Tấm biển chỉ còn mấy tiếng “có bán cá”, xem ra khá hợp lí bởi bản thân tấm biển đã là thông báo về nơi chốn, “có bán” nhằm xác định hoạt động, “cá” là vật dụng, nhưng lại thiếu “tươi” nhằm xác định chất lượng. Vai trò của hai tiếng “ở đây” là chỉ để nhấn mạnh, không có hai tiếng ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì, nhưng thiếu “tươi” là thiếu độ tin cậy. Và như thế tấm biển đề “CÓ BÁN CÁ TƯƠI” là hợp lí nhất.

Ý kiến của khách hàng thứ ba mới là ý kiến lạ đời. Nhìn tấm biển chỉ ghi có một tiếng “cá” cụt ngủn thì khách hàng chẳng những cười vì tấm biển kì cục mà còn đặt ra nhiều nghi vấn. Cá bán hay để nuôi? Cá khô, cá ươn hay cá tươi?…

Ý kiến của người bạn láng giềng còn lạ đời hơn là biến vai trò của cái mũi thành con mắt trong việc mua cá. “Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh..”. Ý kiến ấy ngầm thủ tiêu tấm biển. Nghe thì cũng có lí, nhưng hàng chục ngôi nhà ở khu phố biết mùi tanh bốc ra từ căn phố nào? Ý kiến vô lí đến như vậy mà chủ cửa hàng cũng nghe theo. “Thế là nhà hàng cất nốt cái biển!”. Người nghe, người đọc bật cười cho cái lười không xương của mấy khách ưa xía vào chuyện của người khác, và cười cả chủ hàng nông cạn cả tin.

III. Thành ngữ có câu “chín người mười ý”, “lắm thầy nhiều ma” là để xác định người đời lắm ý kiến.

Truyện cười Treo biển là để làm rõ thêm đặc tính ấy của con người. Qua những ý kiến gây cười nhẹ nhàng ấy có lẽ dân gian mong muốn khi làm một công việc gì thì cần kiên định. Nếu ai có ý kiến gì về công việc ấy thì cần suy xét kĩ trước khi sửa sai, đừng tự biến mình thành con rối như chủ cửa hàng bán cá.

 * Ghi chú:

– Truyện cười: loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật, xấu trong xã hội.
– Biển là một tấm bằng gỗ hay kim loại mỏng dùng để vẽ hình hay viết chữ. Ở truyện này là tấm bảng nhỏ ghi thông báo món hàng bán trong ngày.
– Truyện có bốn tình huống gây cười có ý phê phán người thiếu tự tin, không suy xét kĩ những ý kiến đóng góp của những người khác về công việc của mình.

Leave a Comment