Đề bài: Phân tích sức sống mãnh liệt của Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.
Trong tập “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, “Vợ chồng A Phủ” là truyện đạt được thành công lớn nhất. Câu chuyện có những nhân vật mang đến những cảm xúc, hình ảnh riêng nhưng Mị lại là nhân vật có hồn hơn cả. Khi đọc qua câu chuyện, ta có thể tưởng như Mị có hai mặt nghĩ đối lập nhưng khi nhìn vào sâu hơn ta có thể thấy chúng rất thống nhất.
Ở mặt thứ nhất, người đọc thấy rằng, Mị là người bị chà đạp nặng nề khiến Mị buồn rầu, phải cam chịu đến nỗi mất cả sức sống. Nhưng, ngay trong hoàn cảnh đó, tình trạng đó. Ở mặt thứ hai, Mị vẫn luôn cố gắng cựa quậy, vẫn hành động dù chỉ nhỏ nhoi với hi vọng, tiềm tàng một sức sống. Rồi từ đó dần dần vươn ra và tự giải thoát chính bản thân mình khỏi cũi, lồng để tìm kiếm lại lẽ sống của mình.
Để gạt nợ nhà thống lí Pá-Tra, Mị đã phải bắt đầu tấn bi kịch lớn nhất và cũng là đau nhất trong cuộc đời bằng việc phải làm con dâu nhà họ. Vào làm dâu nhà giàu đâu có sung sướng gì khi chồng nàng – A Sử chỉ đối xử, coi nàng như một người hầu, người nô lệ. Vì mang trong mình đức tính hi sinh, hiếu thảo và cũng đầy tình thương của người con gái đối với cha nên nàng đã đành ngậm đắng nuốt cay, cam chịu ở lại để trừ nợ cho cha mình.
Xem thêm>>> Cảm nhận về chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ở truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
Phải sống ở trong sự khổ cực, dần dà, Mị cũng đã quen khổ rồi. Mị khổ đến nỗi, chính Mị cũng không nhận biết mình là con người hay không nữa. Mị cứ tưởng rằng mình chỉ là con trâu hay con ngựa. Mà Mị còn khổ hơn con trâu, con ngựa ấy chứ.
Chúng làm còn có giờ có giấc, có lúc làm, có lúc nghỉ, đêm thì còn được đứng gãi chân hay đứng nhai cỏ. Còn đàn bà cái chốn này nào đâu bằng được mấy con vật đấy. Họ phải vùi đầu vào làm việc cả đêm cả ngày, không có lúc nào ngơi tay.
Không chịu khổ được nữa, quá uất ức, nàng đã liều mình chống đối, phản kháng bỏ chạy khỏi nhà Pá-Tra để trở về. Nàng còn định lạy cha rồi tự tử bằng cách ăn lá ngón. Nhưng, đâu phải nàng chết là câu chuyện nợ nần kết thúc, dừng lại ở đó. Nàng chết rồi, gánh nợ vẫn còn đó, vẫn đè nặng lên vai người cha già – người đã nuôi nấng nàng lớn lên, trường thành.
Nên khi nghe cha nói: “Mày về lạy tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Không được con ơi!” nàng chỉ biết khóc, ném nắm lá ngón – cũng như ý định tự tử đi – rồi lại cắn răng trở về nhà Pá-Tra. Mị đã vì cha, vì tình thương cha của mình mà lại bắt đầu trở lại cuộc sống nô lê đau khổ ở nhà thống lí.
Thật ra, luôn có một sức sống mãnh liệt luôn tiềm ẩn sâu trong tâm trí, thậm chí sâu trong bản chất cuộc sống của Mị. Bởi vốn chính ý định tự tử cũng như trong nỗi buồn, suy nghĩ của nàng đã thể hiện ý chí, tinh thần không hề muốn cam chịu, cũng không muốn bị dày xéo hay phải chấp nhận cuộc sống lầm than, khổ cực lúc bấy giờ. Một khi cái sức sống bị đè nén ấy có cơ hội, nó sẽ lập tức bộc phát.
Tâm tình của Mị đã trở nên hỗn loạn hơn khi những đêm tình mùa xuân đến. Nghe thấy tiếng ai đó thổi sáo rủ bạn đi chơi vọng lại, Mị cũng như bao cô gái trẻ khác, cảm xúc, cảm giác tha thiết, bồi hồi ập đến. Nhưng Mị nào đâu có được đi chơi, chỉ dám ở trong nhà, nhẩm bài hát theo tiếng sáo của người đang thổi đấy:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gá
Ta đi tìm người yêu”
Buồn cho thân phận của mình, Mị lén lấy hũ rượu rồi tu từng bát ừng ực. Say trong men rượu rồi, Mị lịm mặt ngồi đấy rồi đắm chìm trong những hồi ức ngày xưa. Ngày xưa, Mị cũng là một người thổi sáo giỏi, nàng thổi lá cũng giỏi không kém gì thổi sáo. Cũng khoảng thời gian này, các năm xưa, cũng là mùa xuân này nhưng là mùa xuân của các năm cũ, khi mà Mị chưa có chồng, Mị cũng uống rượu nhưng còn thổi sáo.
Xem thêm >>> Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Vợ chồng A Phủ
Mị khiến bao người mê mẩn, say đắm, cả ngày đi theo Mị thổi sáo từ núi này sang núi khác. Một lần nữa, sức sống lại trỗi dậy trong lòng Mị. Mùa xuân năm ấy như quay trở lại, trong lòng Mị lại cuộn trào cảm xúc vui sướng, phơi phới. Mị thấy mình vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Tiếng sao vẫn còn văng vẳng đâu đó trong tâm hồn đang phơi phới của Mị. Mị quấn lại tóc, mặc lên mình chiếc váy hoa. Mị chuẩn bị đi chơi. Mị đâu phải là người chỉ cứ lầm lũi trong xó cửa, xó bếp như con rùa.
Nhưng, cái tuổi trẻ ấy, sự phơi phới ấy đã bị tàn phá bởi chính chồng của mình. Sức sống mãnh liệt ấy đang bị đè nén. A Sử tàn bạo đã trói Mị lại, thậm chí còn quấn tóc của nàng lên cột nhà – nơi tưởng chừng là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ. Hắn trói Mị xong thì đóng cửa buồng rồi bỏ đi. Và, Mị vẫn cứ đứng im ở đó, như không hề biết rằng mình đang bị trói. Vẫn đang đắm trong men rượu lúc nãy, tiếng sáo ấy vẫn như đang ngân nga bên tai của Mị và dẫn Mị theo những cuộc chơi.
“Em không yêu, quả pao rơi rồi
Em yêu người nào, em bắt pao nào”
Mị vùng vằng toan định bước đi theo những câu hát ấy nhưng rồi, như được thức dậy sau một giấc mơ đẹp và trở về sự thật phũ phàng, toàn thân Mị đau nhức không thể nào cựa quậy được. Một lần nữa, sức sống tiềm ẩn trong thâm tâm Mị trở nên thật dữ dội.
Và rồi, sức sống ấy đã được bộc phát một cách tột đỉnh ở hành động giải thoát cho A Phủ và cũng như cho chính mình. A Phủ là người vì đánh A Sử nên bị phạt vạ, phải làm người ở để trừ nợ cho nhà thống lí. Vì để hổ ăn mất một con bò khi chăn bò nên A Phủ bị phạt trói. Màn đêm buông xuống, Mị dậy nhóm lửa sưởi, thấy A Phủ mở mắt trừng trừng. Mặc dù biết A Phủ vẫn còn sống nhưng Mị chỉ lạnh lùng bởi Mị khổ quá rồi, Mị không còn tâm trí đâu mà quan tâm lo lắng cho người khác, Mị chỉ ở lại với ngọn lửa.
Có lần, vào buổi đêm, A Sử thấy Mị ở đây đã đập Mị ngã xuống cửa bếp. Nhưng, với một người giàu lòng yêu thương như Mị nào đâu có đành lòng, trái tim nàng lại thổn thức. Nàng lại trở dậy thổi lửa vào buổi đêm, ngọn lửa bùng sáng lên. Đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống tiềm tàng bùng trỗi dậy trong lòng Mị.
Khi nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đứng, nàng như tự thấy bản thân mình trong đó, thấy lại cảnh A Sử trói mình. Cảm nhận được nỗi đau khổ của A Phủ cũng như sự đau khổ của bản thân như được gợi lại, nàng đã khóc.
Dòng nước mắt cứ thế chảy dài xuống hai lõm má đã sạm đen lại. Trong lòng nàng thốt lên tiếng thổn thức “Trời ơi! Nó bắt trói đứng người ta đến chết!”. Nàng đoán rằng, tầm đêm mai là người kia sẽ chết. Nhưng, người kia đâu phải chết như vậy. Nàng cũng nghĩ đến bản thân mình. Nếu nàng cởi trói cho A Phủ trốn thoát thành công, nàng sẽ bị bố con Pá-Tra đổ tội Mị, bắt phải thay vào đó và rồi sẽ phải chết trên cái cọc ấy. Nhưng, Mị lại không thấy sợ. Khoảng cách giữa hành động và tư tưởng nổi loại của Mị chỉ cách nhau có một li.
Mị quyết định cởi trói giúp A Phủ. Khi nàng đã quyết định cắt sợi dây trói đấy thì nàng cũng đã đồng thời cắt bỏ chính sợi dây không tên đã trói nàng với nhà thống lí Pá-Tra. Và rồi, nàng chạy trốn theo A Phủ. Đó là một hành động táo bạo thể hiện sự can đảm liều lĩnh của Mị cũng như mang một ý nghĩa quan trọng quyết định số phận của Mị. Nàng và A Phủ sẽ nương tựa vào nhau, trở thành vợ chồng và bắt đầu một cuộc sống mới.
Hành động ấy được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố tự phát và tự giác nhưng mang đậm tính tự phát hơn. Nó như một kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng, tiềm ẩn của Mị trước đấy, có nguồn gốc từ chính cái buồn, cái đau, cái khổ cũng như cái cách tu rượu ừng ực và cả cái ý định tự sát của nàng.
Ở sâu xa đâu đó trong hành động táo bạo này chính là tình yêu, tình thương người của Mị còn thứ xúc tác trực tiếp chính là những tiếng sáo – thứ tiếng mà đã đánh thức lòng yêu đời cũng như niềm tha thiết với đời sống tự do của nàng.
Ta có thể nói rằng, chính sức sống mãnh liệt của Mị là điểm khiến nhân vật này thu hút nhất trong thời gian Mị ở Hồng Ngài. Tô Hoài đã rất khéo léo trong việc đặt Mị giữa những mối xung đột xã hội gay gắt cũng như những kẻ cầm đầu đầy tàn bạo của xã hội phong kiến thống trị của người H-Mông.
Tưởng như nàng sẽ không còn cách nào khác để thoát khỏi sự thống khổ đó. Nhưng nàng đã được cứu bởi chính sức sống mãnh liệt của mình. Những sự vận động nội tâm dẫn đến quyết định trốn thoát của Mị được Tô Hoài miêu tả rất tinh tế. Quả là một nhà văn tài ba!
Xem thêm>>> Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”