Từ truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, suy nghĩ về vai trò sứ mệnh của “thiên lương” trong cuộc đời
Khổng Tử cho rằng nhân chi sơ tính bản thiện, con người sinh ra vốn dĩ là thiện. Điều đó có nghĩa là cái thiện chào đời cùng lúc với sự xuất hiện của con người. Vậy thì, cái thiện, “thiên lương” trong mỗi con người được trao sứ mệnh gì trước cuộc đời này? Từ truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chúng ta thử đi tìm câu trả lời cho vấn đề đó.
Huấn Cao cho chữ quản ngục trong một tình thế hết sức đặc biệt: ngày mai ông phải lên kinh chịu án chém. Khi cái chết cận kề, những tưởng chúng ta không thế nghĩ gì đến những việc khác, không thể làm điều gì khác bởi cảm giác chờ đợi cái chết khiến chúng ta nghẹt thở vì sợ hãi. Nhưng với Huấn Cao, cái chết là một điều hết sức bình thường. Vậy nên ông vẫn bình tâm cho chữ quản ngục – thực chất là sáng tạo cái đẹp – với mong ước những con chữ nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người có thể lay động, cứu vớt viên quản ngục lên trên vũng bùn đen của xã hội. Huấn Cao không chỉ cho chữ, không chỉ trao tặng người tri âm một thứ quà vô cùng quý giá, cao đẹp là những con chữ mà còn cất những lời nhắn nhủ từ tâm:
– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. […] Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi.
Như vậy, thông qua cảnh cho chữ, thông qua những lời nói cuối cùng của ông Huấn trước khi từ giã cõi đời, chúng ta có thể hiểu rằng “thiên lương” là một điều hết sức quý giá trong cuộc đời mỗi con người. Nó là động lực khiến chúng ta sống cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn để chiến thắng cái nhơ bẩn, cái xấu, cái ác trong cuộc sống. “Thiên lương” là điều không thể thiếu trong cuộc đời để cái đẹp được hoàn thiện hoàn mĩ. “Thiên lương” không bao giờ chấp nhận tồn tại song song với cái xấu, cái ác, với tội lỗi, bùn nhơ. Và chỉ có “thiên lương” trong sáng mới có thể thanh tẩy cái xấu, cái ác ra khỏi thế giới này giống như “thiên lương” của Huấn Cao đã rọi sáng đến tâm hồn quản ngục, cảm hóa, cứu vớt quản ngục ra khỏi vũng bùn đen của xã hội đương thời.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng; để làm gì em biết không; để gió cuốn đi (Trịnh Công Sơn). Nhưng tôi nghĩ rằng những tấm lòng trong thiên hạ như Huấn Cao, như quản ngục sẽ chẳng bao giờ chỉ để gió cuốn đi bởi cuộc đời này vốn dĩ còn rất nhiều những bất công, ngang trái, còn ngự trị bóng tối và muôn vàn cái xấu xa, độc ác cần thanh lọc.
Trường THPT chuyên Tây Ninh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2014