Dàn bài và bài văn mẫu: Giới thiệu về chiếc mâm cơm

Dàn bài và bài văn mẫu: Giới thiệu về chiếc mâm cơm

Dàn bài: Giới thiệu về chiếc mâm cơm

I. Mở bài:

* Giới thiệu chung:
– Chiếc mâm đã xuất hiện từ lâu đời.
– Đây là vật dụng quen thuộc, gắn bó thân thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người dân nước ta.
– Ở mỗi gia đình hầu như đều có một chiếc mâm.

II. Thân bài:

* Tả chiếc mâm:
– Hình dáng và kích cỡ: Mâm hình tròn, đường kính khoảng từ sáu đến bảy tấc.
– Chất liệu: Ngày xưa, mâm làm bằng gỗ, bằng đồng, ngày nay được làm bằng nhôm hoặc inox cho nhẹ và tiện.* Công dụng của chiếc mâm:
– Để bày thức ăn trong bữa cơm gia đình hằng ngày hay trong dịp lễ Tết, cúng giỗ, tiệc tùng…
– Vì mâm có hình tròn nên ngồi ở chỗ nào người ăn cũng có thể gắp thức ăn dễ dàng.
– Mọi người ngồi xung quanh mâm, cùng ăn nên tạo được không khí vui vẻ, thân mật, ấm cúng.

III. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:
– Hình ảnh chiếc mâm cơm gợi khung cảnh sum họp đầm ấm của gia đình.
– Dù cuộc sống có phát triển nhưng chiếc mâm vẫn không thể vắng bóng trong đời sống của chúng ta, nhất là ở nông thôn.

Bài văn mẫu: Giới thiệu về chiếc mâm cơm

Trong mỗi gia đình người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng đều xuất hiện cái mâm cơm. Nó là đồ dùng quen thuộc với nhân dân ta từ xưa tới nay. Hằng ngày chiếc mâm cơm xuất hiện ba lần trong các bữa cơm sáng, trưa, chiều của mỗi gia đình chúng ta.\

Ngày xưa mâm được làm bằng gỗ, thường là gỗ mít, có hình tròn gồm hai phần: lòng mâm và vành mâm. Lòng mâm tròn đều, vành mâm bao quanh và cao hơn lòng mâm một chút. Nhà ai nghèo thì dùng mâm gỗ mộc, nhà khá giả thì dùng mâm sơn màu đỏ, gọi là mâm son.

Sau này nhà giàu thì dùng mâm đúc bằng đồng, trông nó sang trọng hơn rất nhiều. Ngày nay các gia đình dùng mâm nhôm hoặc mâm inox nó vừa nhẹ mà lại tiện lợi hơn. Vì mâm có hình tròn, nên dù ngồi ở chỗ nào người ăn cũng có thể gắp thức ăn dễ dàng. Mọi người ngồi xung quanh mâm, cùng ăn nên tạo được không khí vui vẻ, thân mật, ấm cúng.
Trong bữa cơm của người miền Bắc, bên đĩa rau muống luộc, món canh cua, đĩa đậu ve không thể thiếu được món cà pháo, tuy đạm bạc nhưng ấm lòng người Việt. Còn mâm cơm của người miền Nam thường có mấy món được ưa chuộng như: canh chua cá lóc, dưa giá, thịt kho, rau sống…. Nhưng cho dù khẩu vị của hai miền có khác nhau nhưng chúng đều được đặt trên chiếc mâm cơm ấm cúng đậm, trọn vẹn tình người.
Mâm cơm gia đình có thể hiện diện quanh năm, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ông bà để lại cho bố mẹ, bố mẹ để lại cho con cháu. Trên chiếc mâm cơm mẹ gắp thức ăn cho con, ông bà nhường lại cho cháu miếng ngon nhất. Trong mâm cơm mọi người chuyện trò với nhau vui vẻ. Biết bao chuyện được chia sẻ với nhau trong lúc ăn, chuyện làm ăn, chuyện tâm tình cũng được mang ra bàn bạc sẻ chia. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác năm này qua năm khác chiếc mâm cơm đã chứng kiến biết bao chuyện vui buồn của gia đình.
Còn gì cảm động hơn trong bữa cơm Tất niên, trong sự đoàn viên của gia đình cũng thưởng thức nhưng món ăn quen thuộc, đậm đà hương vị của quê hương mà lòng nghẹn ngào rưng rưng nước mắt. Dường như ông bà, tổ tiên cũng về đoàn viên với các con cháu trong ngày Tết để động viên các cháu hãy vững tin lên, hãy biết yêu thương lẫn nhau hãy biết trân trọng những gì mà mình đang có.
Chiếc mâm cơm giản dị mà quen thuộc đã gắn bó thân thiết với mỗi gia đình chúng ta. Nó là hiện thân của đời sống vật chất và tinh thần của người việt, nó vẫn mãi hiện diện dù cuộc sống của chúng ta có hiện đại đến đâu đi chăng nữa. Hình ảnh chiếc mâm tròn luôn gợi cho ta nhớ về sự sum họp, tình ruột thịt, đến một mái ấm gia đình thiêng liêng, cao cả và luôn đầy ắp tiếng cười.

Leave a Comment