Đề văn lớp 12: Đọc hiểu đoạn trích Hương vị của lòng tốt và phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
1. ĐỌC HIỂU (3,0đ)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
HƯƠNG VỊ CỦA LÒNG TỐT
Tôi đi theo bước chân của một trong những người sáng lập quỹ từ thiện Tình thương (nơi quản lí chuỗi quán cơm 2000 đồng mang tên Nụ cười) xuống quán Nụ cười 4 tại 132 Bến Vân Đồn, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm quán cơm từ thiện như vậy đã được thành lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và thu hút sự chú ý khá lớn của dư luận. Nhiều người cho rằng, mô hình này là không tưởng bởi cơm bún với giá 2000 đồng thì làm sao những người khởi xướng có thể duy trì. Người khác lại phê phán chuỗi quán sẽ phá vỡ quy luật kinh tế học, tạo cơ hội cho người có tiền vào ăn cơm của người nghèo, làm ảnh hưởng tới các quán cơm bình dân khác.
[… ] Khác hoàn toàn với suy nghĩ “duy lí” của nhiều người, chuỗi năm quán cơm vẫn được vận hành suốt từ tháng 10 năm 2012, thời điểm quán cơm số 1 ra đời. Mỗi quán vẫn cung cấp trung bình từ 400 đến 700 suất ăn từ thiện mỗi ngày, mỗi suất ăn có đầy đủ thịt cá, rau, canh và hoa quả như suất ăn 20 000 đồng ở các quán bình thường khác. Có những “đại gia” đã viện trợ “thầm lặng” 1 000 000 000 đồng cho quán, có những nhà hảo tâm thử tới ăn một suất cơm và “trả” 100 000 000. Số người ăn một suất cơm rồi đóng góp 500 000 đồng hay 1 000 000 đồng không đếm hết.
“Người tốt đông như quân Nguyên. Có những người đến lặng lẽ để lại một bao gạo rồi lặng lẽ ra đi. Có hai ông bà già nghèo đã đóng 4000 đồng cho hai suất ăn nhưng lại đóng thêm 8000 đồng nữa giúp những người nghèo khác.” – Người sáng lập chuỗi quán nghẹn ngào kể lại.
[…] Người sáng lập quán cơm cho rằng vẫn có khoảng 10% người lợi dụng, nhưng “Chúng tôi lại coi đó là cách để cho họ hiểu một bài học về lòng nhân ái. Người giàu vào ăn chúng tôi không đuổi ra mà vẫn trân trọng như người nghèo. Chúng tôi không bán cơm mà bán cho họ hương vị của lòng tốt.”
Tôi lại bất ngờ một lần nữa với năm chữ “hương vị của lòng tốt”. Lần này thì không chỉ là bất ngờ mà còn là sự ám ảnh. Sau khi ăn một suất cơm 2000 đồng và trả 500 000 đồng, tôi vẫn nghĩ mình đã trả quá rẻ để thưởng thức thứ “hương vị của lòng tốt” ấy, thứ mà những toan tính thiệt hơn, duy lí đã khiến tôi quên lãng, thậm chí nghĩ rằng nó không còn tồn tại nữa. Tôi đã nhầm và có thể nhiều người khác nữa cũng đã nhầm. “Hương vị của lòng tốt” vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này, dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách này hay cách khác. “Hương vị của lòng tốt” không mất đi đâu cả bởi nó nằm một phần trong bản chất con người, chỉ có niềm tin vào thứ hương vị ấy đã nhạt phai. Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
(Lê Khánh Duy, báo điện tử tamnhin.net, ngày 20-9-2014)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên.
Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
Câu 3. Tại sao quán cơm Nụ cười không miễn phí hoàn toàn mà lại bán mỗi suất cơm 2000 đồng?
Câu 4. Vì sao với những người lợi dụng vào quán ăn cơm, người sáng lập quán cơm Nụ cười lại muốn “bán cho họ hương vị của lòng tốt”?
2. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.