Phân tích tác phẩm truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp nhân vật Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”.

Trường Sơn là nơi ghi dấu bao vết tích lịch sử chiến tranh. Mảnh đất đó đã có biết bao sự hi sinh mất mát, xảy ra bao cuộc chiến tranh của dân tộc ta với đế quốc Mỹ. Không chỉ có những đau thương mất mát, những cuộc chiến ngoan cường mà tại đó còn nổi lên những tâm hồn lạc quan của những chiến sĩ lái xe không kính, hay những cô gái thanh niên xung phong…những tâm hồn đó thật đẹp, thật tự nhiên mặc dù sống trong cảnh bom đạn.

Lê Minh Khuê là một nhà văn gắn bó với những khoảng trời bom đạn đó, và với sự lãng mạn trong tâm hồn của thi sĩ bà đã sáng tạo ra tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Tác phẩm đã khắc họa vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong với tiêu biểu là hình ảnh nhân vật Phương Định. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau phân tích tác phẩm truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”.

Phân tích tác phẩm truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi"
Phân tích tác phẩm truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”

Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” kể về ba cô gái thanh niên xung phong là Thao, Nho, Phương Định. Họ là những cô gái của Trường Sơn, trong giai đoạn cao điểm của chiến tranh, họ sống giữa khói bụi Trường Sơn, nơi đất đỏ trắng lẫn lộn. Nhiệm vụ của ba côi gái là khi có bom nổ thì chạy lên để đo khối lượng lấp đất, đếm bom nếu chưa nổ thì phải phá bom. Một công việc vô cùng nguy hiểm, thần chết luôn luôn bên cạnh. Nhưng ba cô gái ấy vẫn dũng cảm, vẫn luôn chấp nhận hi sinh để làm nhiệm vụ bảo vệ các chiến sĩ Trường Sơn. Sự nhanh nhẹn và quyết đoán của họ đặc biệt là nhân vật Phương Định. Đã vẽ nên hình ảnh một cô gái thanh niên xung phong với phẩm chất cao đẹp.

Xem thêm: Phân tích bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu

Phương Định một cô gái của thủ đô Hà Nội. Mới bước ra khỏi tuổi đời đôi mươi, sự hồn nhiên và vô tư qua nét mặt đáng yêu và trẻ trung “Hai bím tóc dày” “Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, đôi mắt thì có “cái nhìn sao xa xăm”. Phương Định thực sự đẹp, và vẻ đẹp của cô được những con mắt của những anh lái xe Trường Sơn để ý, gửi những bức thư đường dài chào nhau hàng ngày. Nhưng Phương Định khác với những người con gái khác, không vội vã, không vồ vập mà khoanh tay trước mặt nhìn đi nơi khác mỗi khi có một tụi con gái xúm lại với một anh bộ độ giỏi nào đấy. Cái tư thế, cái dáng điệu cử chỉ của Phương Định dường như rất kiêu kỳ nhưng thật đáng yêu của một cô gái thủ đô mới tuổi đời còn rất trẻ.

Tâm hồn cô giữa khoảng trời Trường Sơn thật làm cho người ta thật ngạc nhiên. Cô mê hát, “thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát”, lời cô bịa lộn xộn ngớ, ngẩn ngởn đến không ngờ, đôi lúc nó cũng làm cho cô bò ra mà cười một mình, cô thích “những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận”, cô thích “dân ca quan họ mềm mại dịu dàng” và kể cả “Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô”, “ ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh””. Và Phương Định hát khi có sự im lặng không bình thường, “tiếng máy bay trinh sát rè rè”, cô hát để cổ động viên hai người đồng đội Nho, Thao và cũng là hát để động viên chính bản thân mình.

Chính những lúc mê hát ấy đã làm cô quên đi cái sự buồn chán của cuộc sống Trường Sơn, quên đi mùi khói bom đạn mà cô vẫn tiếp xúc hằng ngày, và đó cũng là bước đà để cô có được một tâm hồn mơ mộng khi cơn mưa đá vừa ập đến. Mang theo tuổi trẻ của mình vào Trường Sơn, Phương Định còn mang theo cả những kỉ niệm đẹp về góc phố Hà Nội của mình, đó là hình ảnh người mẹ, cái cửa sổ, tiếng rao của bà bán xôi có cái mủng đội trên đầu, kể cả những cú sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Cơn mưa đá đi nhanh cũng như lúc nó vừa đến, nhưng lại mang những dòng kí ức tuổi thơ về cho Phương Định, và tất cả như xoáy mạnh trong tâm trí cô. Có lẽ chính những điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô gái, để cô luôn nghĩ rằng, gia đình, bạn thân và cả những kỉ niệm kia sẽ luôn theo cô trong suốt quãng đời ở Trường Sơn.

Tâm hồn yêu đời, yêu ca hát, trong sáng của Phương Định là điều dễ hiểu vì cô còn rất trẻ trung. Nhưng nổi bật lên trên tất cả người ta thấy được ở Phương Định đó là một tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mà cái nhiệm vụ đó đâu hề đơn giản chút nào, sẵn sàng cướp lấy tính mạng của Định bất cứ lúc nào. Những quả bom mà giặc Mỹ ném xuống chưa phát nổ nhưng có thể nổ bất cứ lúc nào. Đối với Phương Định vẫn là một sự bình thản, tuy có nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”. Cái mà Định quan tâm nhất đó là bom có nổ hay không, làm sao châm mìn lần thứ hai, và làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giữa cái sống và cái chết thực sự mong manh. Nhưng người ta thấy được Phương Định thực sự là một cô gái dũng cảm, rất nhạy cảm và tinh tế “một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí!! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành.”, phải là một người bình tĩnh mới có dược những cảm nhận chân thực như vậy. Chính những lúc đó, ta mới thấy được cái sự dũng cảm của cô gái. Công việc không có một chút gì là an toàn, nhưng do “quen rồi”, ngày nào cũng phải phá bom đến năm lần, ngày nào ít thì ba lần, mà Phương Định luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Xem thêm: Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận

Và trong cái sự dũng cảm ấy, ta vẫn thấy Phương Định luôn thường trực một tình cảm đồng chí đồng đội nồng ấm và chân thành. Đó là tấm lòng vị tha với mọi người mà cô quan tâm, cô lo lắng khi Thao lên cao điểm chưa về, cô tận tình, vỗ về chăm sóc Nho khi cô ấy bị thương lúc phá bom. Ngược lại, chính tình cảm đồng chí đồng đội, đã làm cho Phương Định thêm một chút tự tin, ấm lòng khi được sống giữa tình yêu thương của mọi người. Hiểu được công việc của mình là gian khổ, nhưng Phương Định vẫn luôn ngưỡng mộ “những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ” bởi họ là những đẹp nhất, thông mình, can đảm và cao thượng nhất. Những lúc chạy đi phá bom, vẫn mang một chút lo sợ trong người, nhưng nhờ những cái nhìn của những người chiến sĩ, đã dập tan đi nỗi sợ trong cô và chỉ còn một mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, “ cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi mà có thể đàng hoàng mà bước tới”.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”, nhân vật kể chuyện cũng là nhân vật chính. Chính vì thế chúng ta thấy được một sự chân thực trong câu chuyện. Những cảm xúc, thế giới nội tâm của nhân vật chính trong câu chuyện thực sự rõ nét và được thể hiện một cách tự nhiên. Tác giả đã vẽ nên một khoảng trời mộng mơ thật đẹp ngay giữa Trường Sơn bom đạn ác liệt, vẽ nên hình ảnh một cô gái thanh niên xung phong Phương Định thực sự là một biểu tượng sống của những cô gái thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ. Phương Định như là một sự đại diện cho những người con gái Việt Nam trong thời kỳ bom đạn, đại diện cho một thế hệ trẻ luôn sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Những ngôi sao xa xôi” chẳng khác nào những vì sao lấp lánh giữa bầu trời đêm, những ngôi sao sáng đó ví như những tâm hồn cao đẹp của những cô gái thanh niên xung phong.

Xem thêm:
– Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên”của Nguyễn Đình Chiểu
– Phân tích và nói lên cảm nhận về bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
– Phân tích và cảm nhận về bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật