Đề bài: Phân tích ba khổ thơ đầu bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo.
Một chút mơ hồ, một chút viển vông,… Đó có lẽ là cảm giác dễ thấy khi đặt chân tới “miền đất” văn thơ của Thanh Thảo bởi ở đó có nhiều “không gian rỗng” khiến người đọc dễ dàng bị cuốn vào những câu chữ tham gia đồng sáng tạo với nhà thơ. Từ đó, người đọc được mở ra nhiều trường liên tưởng khác nhau, “tự do” trong việc tiếp nhận bài thơ.
Chính vì lý do đó mà thơ Thanh Thảo được chú ý rất nhiều, đặc biệt là bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”. Trong đó, ba đoạn thơ đầu đã để lại giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.
Nhan đề “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một nhan đề giản dị, tự nhiên như sự gắn kết tự nhiên giữa Lor-ca và cây đàn ghi ta. Bên cạnh đó, nhan đề này còn gợi mở và định hướng cho người đọc tìm hiểu về hai đối tượng được nói đến trong bài thơ: Lor-ca và đàn ghi ta hay còn gọi là Tây Ban cầm.
Xem thêm>>> Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
Hình ảnh đàn ghi ta là một niềm tự hào và đồng thời cũng là một biểu tượng của người dân Tây Ban Nha. Hơn thế nữa, khi được đặt trong bài thơ, đàn ghi ta còn là biểu tượng của sinh mệnh, linh hồn, sự nghiệp khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ.
“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” – đó là lời đề từ mà nhà thơ Thanh Thảo đã khéo léo nhấc ra từ bài thơ “Ghi nhớ” của Lor-ca. Đàn ghi ta vốn dĩ là nhạc cụ truyền thống, là niềm tự hào, là biểu tượng của Tây Ban Nha. Khi chết, Lor-ca muốn được chôn cùng cây đàn với ý nguyện muốn mang theo và lưu giữ phần hồn của đất nước.
Mặt khác, với tư cách là một nghệ sĩ cách tân nghệ thuật, Lor-ca từng nghĩ rằng, đến một ngày nào đó, những sáng tạo của ông cũng sẽ án ngữ, cản trở sự sáng tạo của những người đi sau. Vì thế, nhà thơ muốn mang theo cây đàn với dụng ý tự nguyện chôn đi những sáng tạo nghệ thuật của mình để nhắn nhủ với những người đi sau hãy dũng cảm bước qua những cái bóng để làm nên cái mới.
Mở đầu bài thơ, tác giả Thanh Thảo như mở ra một đất nước Tây Ban Nha trực tiếp qua cái tên Tây Ban Nha. Không những thế, Tây Ban Nha còn hiện lên gián tiếp thông qua dòng thơ “li-la li-la li-la” gợi thanh âm của tiếng đàn ghi ta, nét văn hóa đặc trưng của xứ sở nơi đây, thông qua những đóa hoa đinh hương tím ngắt và nổi bật hơn cả có lẽ là “áo choàng đỏ gắt”.
Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” là một hình ảnh ẩn dụ, gợi hình dung về văn hóa đấu trường bò tót ở đó. Mặt khác, hình ảnh “áo choàng đỏ” còn là một ẩn dụ biểu tượng cho một đấu trường chính trị ở Tây Ban Nha đương thời với cuộc chiến giữa một chế độ chính trị độc tài than phát xít với một nền tự do dân chủ mà Lor-ca theo đuổi.
Xem thêm>>> Cảm nhận về đất nước qua đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Không chỉ dừng lại ở hai lớp nghĩa, “áo choàng đỏ” còn mang một nghĩa ẩn dụ cho một đấu trường xã hội, ở đó diễn ra cuộc chiến giữa một nền nghệ thuật già nua với một nên nghệ thuật cách tân mà những nghệ sĩ như Lor-ca đang cố xây dựng. Có thể nói, bức phông nền văn hóa, xã hội, chính trị Tây Ban Nha đã hiện ra với những nét đặc trưng nhất để từ đó tôn lên hình tượng người nghệ sĩ, chiến sĩ Lor-ca.
Trước hết, Lor-ca hiện lên là một kị sĩ trên lưng ngựa, rong ruổi, theo đuổi hành trình thực hiện lí tưởng. Mặt khác, Lor-ca còn hiện lên với dáng vẻ của một nghệ sĩ lãng du, bay bổng với những giai điệu li-la li-la li-la, nuôi khát vọng cách tân nghệ thuật.
Chuỗi hợp âm li-la như gợi âm thanh tiếng đàn ghi ta, gợi cảm nhận về những giai điệu lãng mạn, bay bổng của những khúc du ca đồng thời gợi cảm nhận về khát vọng tự do mà Lor-ca đã theo đuổi, đã tấu lên trên khắp mọi nẻo đường chiến đấu và sáng tạo. Có thể nói, Lor-ca hiện lên thực sự là một nghệ sĩ của tự do, một chiến sĩ trên hành tinh đấu tranh vì nền dân chủ. Hệ thống các từ “lang thang”, “ đơn độc”, chếnh choáng” và “mỏi mòn” đã thể hiện khá đầy đủ những trạng thái, tâm lí cũng như hoàn cảnh của con người này.
Hình ảnh “Những tiếng đàn bọt nước” là hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác chứa đựng những dự cảm về số phận của Lor-ca – một số phận mong manh như bọt nước. Qua đây chúng ta có thể thấy đàn ghi ta là cuộc đời, là sinh mệnh, là tình yêu khắc khoải vô bờ bến của Lor-ca, trở thành linh hồn, số phận của người nghệ sĩ vĩ đại này.
Xem thêm>>> Đề văn 12: Đọc hiểu khái niệm FA và Phân tích cảm hứng lãng trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
Lor-ca, một con người đấu tranh bền bỉ và hết mình cho tự do dân chủ, cho đổi mới nghẹ thuật đã bị chế độ độc tài Frăngcô sát hại. Sự kiện này được Thanh Thảo tái hiện lại một cách đầy hình tượng, đầy tinh thần bi tráng thông qua bút pháp hiện thực trong sáu câu thơ tiếp theo:
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Ở đây, ta dễ thấy hình ảnh đối lập trong đoạn thơ: Hình ảnh người nghệ sĩ -chiến sĩ “hát nghêu ngao”, “như người mộng du” với tinh thần tự do và tràn ngập tình yêu đời trái ngược hoàn toàn với hiện thực tàn khốc, đẫm máu là trường bắn, là máu, cái chết.
Hình ảnh “bê bết đỏ” trước hết là hình ảnh hoán dụ gợi cảnh Lor-ca bị hành hình, sau như thể hiện một hậu quả tất yếu từ một màu đỏ của “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” sẽ trở thành màu máu, màu của cái chết đến bất ngờ.
Mặt khác, khi đọc đoạn thơ, chúng ta thấy nhịp thơ ngắn, đứt gãy như diễn tả nỗi bàng hoàng, đầy bi phẫn. Có thể nói, tất cả những yếu tố nghệ thuật trên đã góp phần tô đậm số phận bi thảm của một người con Tây Ban Nha trong thời đại ấy.
Tiếc thương và đau xót cho một kiếp người tài năng, Thanh Thảo nghẹn ngào mà viết:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Tô đậm nỗi đau thương khi Lor-ca ra đi, Thanh Thảo sử dụng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, đem đến cho người đọc người nghe những cảm giác mới lạ. “Tiếng ghi ta” lặp lại bốn lần gắn với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, gợi những cảm nhận đa chiều về cái chết của Lor-ca.
Và khi Lor-ca mất đi, “tiếng ghi ta” cũng không còn nguyên vẹn mà vỡ ra thành muôn mảnh. “Tiếng ghi ta” mang màu nâu thì thể hiện tình yêu của Lor-ca với đất nước, với nghệ thuật quê hương.
Xem thêm>>> Phân tích bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận.
Màu lá xanh thì gắn với “bầu trời cô gái ấy”, gắn với một tình yêu đẹp mà thuần khiết dành cho một người con gái. Và màu cuối cùng – màu đỏ như khép lại đoạn thơ về một cái chết thương tâm. Qua “tiếng đàn ghi ta” ta cũng như thấy những dự cảm về bọt nước mong manh đã trở thành sự thật, trở thành “tròn bọt nước vỡ tan”.
“Bọt nước” giờ đã “vỡ tan” như việc Lor-ca đã ra đi mãi mãi. Nối tiếp trường cảm xúc đau buồn trước định mệnh “bọt nước” là hình ảnh “ròng ròng”, “máu chảy”.
Có thể thấy đây thực chất chỉ là một câu thơ song nhà thơ Thanh Thảo đã cố tình xé đôi ra làm hai câu thơ độc lập về cấu trúc tạo cảm giác ngập ngừng, nghẹn ngào cho người đọc. Lor-ca, một con người tài năng kiệt xuất, đã phải dừng lại trong cuộc đấu tranh vì tự do, công lý, về một nền nghẹ thuật cách tân.
Song, dù đã ra đi nhưng dường như linh hồn Lor-ca vẫn hóa thân vào tiếng đàn ghi ta gửi lại cuộc đời. Đúng hơn, tiếng ghi ta ấy cũng chính là tiếng lòng của Lor-ca trong phút giây bi phẫn gửi lại cuộc đời, đó là tình yêu, là khát vọng và cũng là nỗi đau, là dự cảm về cái chết.
Cô đọng, súc tích, giàu tính biểu tượng giữa các từ ngữ là những khoảng trắng ngôn từ, tạo những khoảng lặng, những độ sâu, gợi suy ngẫm và liên tưởng. Lô-gíc liên kết từ ngữ đôi khi bị xóa mờ nhưng lại tạo khả năng lạ hóa, dành cảm xúc cho người đọc. Đó có lẽ là những nét độc đáo mà ít bài thơ nào có thể mang lại cho người đọc người nghe.
Và thật sự, “Đàn ghi ta của Lor-ca” đã rất xuất sắc khi đáp ứng được mọi yêu cầu đó. Thật không sai khi nghĩ rằng bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” sẽ mãi trường tồn với thời gian, mãi bất tử với người nghệ sĩ-chiến sĩ và đồng thời là người con yêu quý của Tây Ban Nha: Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca.
Xem thêm>>> Làm rõ về tình yêu qua hai khổ thơ đầu bài thơ “Sóng”của Xuân Quỳnh