Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đề bài: Hãy phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm rõ khoảnh khắc Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân.

Nói Truyện Kiều là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du – một đại thi hào của dân tộc Việt Nam – và cũng là đỉnh cao của văn học Việt Nam bởi tác phẩm mang những giá trị sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật. Cuộc đời của Thúy Kiều đã trải qua không ít gian truân, biến cố, không ít những khoảnh khắc đau lòng, đắng cay mà có lẽ một trong những khoảnh khắc đó chính là lúc trao duyên cho em.

Trao duyên là hành động “trả nghĩa chàng Kim” của nàng Kiều thể hiện nét đẹp trong đạo sống của người xưa, cái “tình” của họ thường đi liền với chữ “nghĩa”. Qua đoạn trích Trao duyên, ta thấy được cái nhìn hiện thực của Nguyễn Du về con người.

Phân tích đoạn trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Phân tích đoạn trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đoạn trích được trích trong phần gia biến và lưu lạc. Sau khi gia đình gặp cơn tai biến, Thúy Kiều đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh để có thể lo cho cha và em thoát nạn. Đêm cuối trước khi phải rời đi cùng Mã Giám Sinh, Kiều đã trò chuyện cùng em mình là Thúy Vân để trao duyên của mình với Kim Trọng cho em.

Xem thêm>>> Làm sáng tỏ nhận định Nguyễn Du là “một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn”

Đã gọi là duyên thì cần đến một cách tự nhiên, đó là duyên phận của mỗi người. Ai cũng hiểu điều đó nên để thuyết phục được em đồng ý thay mình trả nghĩa, Kiều đã nhờ cậy hết sức chân thành:

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Hai câu thơ đã thấy được sự tinh tế, hết sức cẩn trọng để đạt được hiệu quả cao trong việc sự dụng ngôn từ của Thúy Kiều. Nàng cũng rất hiểu cho tình thế của Thúy Vân bởi đây không phải là chuyện có thể dễ dàng chấp nhận mà lại đến rất đột ngột. Kiều đã dùng từ “cậy” chứ không phải bất kì từ ngữ nào khác, cậy gửi gắm sự tin tưởng, sự trông mong thiết tha của nàng với em.

Ngoài ra, từ “cậy” được đặt lên đầu cũng phần nào thể hiện được hoàn cảnh ngặt nghèo, khó thưa, khó gửi của Kiều. “Chịu lời” là nhận làm một việc với thái độ miễn cưỡng, nàng hiểu cho em mình sắp phải nghe những điều mình giãi bày nên nàng còn “lạy” rồi “thưa” với Thúy Vân. Trong lễ giáo phong kiến, làm chị mà sao phải lạy em, phải thưa em gái nhưng trong trường hợp phải cậy nhờ một chuyện khó khăn, Kiều sẵn sàng làm vậy.

Để thuyết phục em, Thúy Kiều bắt đầu giãi bày nỗi lòng mình với lí lẽ về tình thế éo le của bản thân:

“Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”

Nhắc lại chuyện tình của bản thân với Kim Trọng, chắc hẳn lòng Kiều cũng nhói đau với hàng loạt ký ức đẹp về tình yêu đôi lứa: quạt ước – tặng quạt để ngỏ ý hẹn ước trăm năm, chén thề – uống rượu thề nguyền trung thủy.

Cả hai đã có những lời hẹn thề sắt son và tưởng chừng sẽ được hưởng hạnh phúc mãi mãi nhưng nào ngờ biến cố gia đình Kiều đã khiến tình duyên trở nên lỡ dở. Bị đặt giữa mâu thuẫn chuyện gia đình và chuyện tình cảm, nếu nàng chọn chữ hiếu thì phản bội nghĩa tình và lời hẹn thề, nhưng nếu chọn chữ tình thì lại thành kẻ bất hiếu. Và cuối cùng, nàng đau đớn quyết định: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

Xem thêm>>> Đề bài: Phân tích tâm trạng của thúy kiều trong đoạn trích “Trao duyên” trong truyện Kiều

Trong sự dằn vặt, nàng vẫn hết sức bình tĩnh và lấy hết bản lĩnh để đưa ra cách giải quyết thích hợp nhất: “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Keo loan được làm từ máu con chim và ở đây, keo loan dùng để chắp vá cho mối duyên của em và chàng Kim.

Hai chữ “tơ thừa” như đang nhấn mạnh vào nỗi đau của Thúy Kiều cũng như sự tội nghiệp của Thúy Vân. Kiều am hiểu tâm lý và tình thế của em mình nên lại bày tỏ một lời mong mỏi, tha thiết:

“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Cả Vân và Kiều đều đang đến “tuổi cập kê” nhưng nàng lại nhắn nhủ với Thúy Vân “ngày xuân em vẫn còn dài”, có thể gánh tiếp mối duyên giúp chị với chàng Kim, với người mà Kiều đã và đang rất yêu.

Nàng Kiều bao giờ cũng vậy, luôn có dự cảm chẳng lành hay cuộc đời sẽ chẳng bình an trong tương lai của chính mình nên Kiều mong Vân vì tình chị em ruột thị mà còn thể trả nghĩa cho Kim Trọng thay Kiều.

Nếu Vân có thể giúp đỡ thì dù mai này có ra sao, dù có chết thì Kiều vẫn “ngậm cười chím suối” được. Qua đây, người đọc thấy được tấm lòng yêu và sống hết mình của Thúy Kiều.

Sau khi nhờ cậy em, nàng Kiều bắt đầu trao lại kỉ vật cho Thúy Vân và dặn dò vài điều cho chuyện tương lai. Từng kỉ vật ấy đều được Kiều nâng niu, giữ gìn bởi mỗi kỉ vật đều gắn liền với một niềm hạnh phúc mà cả cuộc đời này nàng sẽ không thể nào quên.

Nào là chiếc vành Kim Trọng đã trao, nào là bức tờ mây với những lời yêu thương họ dành cho nhau, rồi họ còn có chung những kỉ niệm “phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa” và giờ đây, Thúy Kiều phải trao lại hết cho em, trao kỉ vật đồng nghĩa với việc trao duyên.

Xem thêm>>> Phân tích và nghị luận bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu

Trao duyên của mình với người mình yêu cho em gái, chắc hẳn Thúy Kiều vẫn có sự mâu thuẫn đang giằng xé giữa lí trí và tình cảm trong lòng. Nàng muốn trao hết cho em theo lí trí nhưng tình cảm vẫn níu kéo với sự nuối tiếc: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Do hoàn cảnh mà nàng phải trao nhưng lại vẫn muốn giữ, giữ lại một chút gì đó dành cho bản thân bởi trong tình yêu, nhu cầu sở hữu là rất cao và đâu có mấy ai đủ dũng cảm để trao duyên.

Vì vậy mà hành động muốn níu kéo một chút của chung để cho mình cũng hoàn toàn hợp lý với quy luật tâm lí và dễ hiểu. Bên cạnh đó, Kiều cũng không quên cầu mong cho họ có một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc và cũng không mong muốn họ quên mình: “Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”. Rõ ràng Thúy Kiều có sự ích kỉ và mềm yếu nhưng đó lại chính là tình cảm nàng dành cho chàng Kim thật sâu nặng và trong giây phút phải trao duyên, nàng đã thực sự rất đau đớn, cảm thấy mất mát và hụt hẫng.

Rót thêm vào khoảnh khắc trao kỉ vật đau đớn, xót xa là sự quặn thắt cho những lời dặn dò chuyện sau này:

“Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này”

Sau này mỗi khi đốt hương, đánh đàn thì linh hồn của nàng sẽ trở về, nàng chỉ mong Thúy Vân hãy “rưới xin giọt nước cho người thác oan”. Có vẻ như cái chết không phải là kết thúc đối với Kiều vì cho dù “thịt nát xương mòn” thì nàng còn mang nặng món nợn lớn đối với đời, với Kim Trọng. Ở bất cứ đâu, Thúy Kiều cũng luôn khao khát được hạnh phúc, sum họp.

Mâu thuẫn của Kiều đã cho thấy sự tiếc nuối đau khổ của nàng và đồng thời cho thấy cả tình cảm trong  lòng Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng những từ sát khí mạnh, cứ như đang cứa vào lòng người đọc một nỗi đau của một trái tim đang vỡ ra nghìn mảnh. Một cô gái yếu đuối với một trái tim yêu chân thành như vậy mà lại lâm vào đường cùng bế tắc như vậy.

Xem thêm>>> Cảm nhận về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn trích “Đất Nước”

Ở những câu thơ cuối cùng, nàng Kiều tiếp tục với thực tại đau đớn, xót xa bởi tình yêu dang dở nay đã tan vỡ, mãi mãi không thể hàn gắn.

“Bây giờ trâm gãy gương tan

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”

Thành ngữ “trâm gãy gương tan” ám chỉ sự tan vỡ trong tình yêu, nhưng trong bài thơ này, nó còn là sự tan nát cõi lòng Thúy Kiều. Nàng cất lên lời oán trách số phận, trách sự khắc nghiệt và vô tình của cuộc đời, than thở cho bản thân rằng cuộc đời sao thật éo le, bạc bẽo:

“Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang, hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

Có lẽ đây sẽ là lần cuối Thúy Kiều có thể gọi Kim Trọng là “Kim Lang” tha thiết như thế, dường như bao nhiêu tình cảm chất chứa đều được thốt lên qua tiếng gọi của nàng. Số phận đưa đẩy Kiều như vậy mà Kiều vẫn tự nhận mình là người phụ bạc, khiến cho nỗi đau ngày càng đau hơn.

Bằng nghệ thuật miêu tả nội tâm thật riêng, đặc sắc cùng với ngôn từ linh hoạt, đoạn trích đã cho thấy bi kịch tình yêu và thân phận của Thúy Kiều – một người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh trong xã hội phong kiến, đồng thời giúp người đọc trân trọng vẻ đẹp của nàng.

Xem thêm>>> Tính tri âm tri kỷ của Huấn Cao và viên quản ngục trong Chữ người tử tù