Đề bài: Phân tích khổ thơ cuối bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu để thấy được khát vọng của nhà thơ
Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu được đánh giá là nhà thơ mới nhất. Ông còn được coi là “ông hoàng của thơ tình Việt Nam” bởi ông luôn gắn bó với đề tài tình yêu đôi lứa. Ngay từ tập thơ đầu tay “Thơ thơ”, ông đã thể hiện được sự mới mẻ và độc đáo của mình và trong đó, “Vội vàng” là một trong những bài thơ xuất sắc thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết. Bên cạnh đó còn là quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa từng thấy ở truyền thống văn học dân tộc.
Xem thêm>>> Tình yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ Xuân Diệu qua bài thơ “Vội vàng”
“Vội vàng”, đây quả là một cái tên mang đậm chất Xuân Diệu!. “Vội vàng” cũng là một triết lí và tâm thế sống của nhà thơ: sống nhanh chóng, khẩn trương, mở rộng lòng mình đế ôm ghì, thâu tóm tất cả. Đây không phải lần đầu tiên ông sống vội vã, hối hả như vậy.
Bài thơ “Vội vàng” đã thể hiện nhân sinh quan mới và phần kết thúc của bài thơ nói lên khát vọng tận hưởng:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bât đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Thời gian cứ lạnh lùng, vội vã ra đi và mang theo cả vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá hay cả tiếng chim trời cũng tuổi trẻ, để lại cho Xuân Diệu lòng tiếc nuối. Trong hai câu thơ đầu, ông như muốn dang tay ra để ôm trọn được mọi thứ. Những câu thơ trước đó đều là câu thơ tám chữ mà đến đây, câu thơ bỗng bị rút gọn lại còn ba từ, làm cho giọng thơ cứ bị đanh lại như một mệnh lên đòi hỏi hiện thực hóa khát vọng của Xuân Diệu.
Điệp ngữ “ta muốn” cho thấy khao khát chiếm lĩnh, tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất. Ông chuyển từ đại từ “tôi” sang “ta”, cũng như chuyển từ cái tôi cá nhân thành cái ta mang ý nghĩa tình cảm chung, có tính phổ quát hơn, hướng đến mọi người.
Xem thêm>>> Phân tích 13 câu thơ đầu bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu
Xuân Diệu có khát vọng được giao cảm với đời, với tất cả các sinh vật, mùi hương. Ông sử dụng mọi giác quan để có thể nắm lấy vẻ đẹp của đất trời. Một loạt các động từ mạnh “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” cũng các từ láy nối tiếp nhau tạo cảm giác như cảm xúc của tác giả ngày càng mãnh liệt, cuồng nhiệt, khao khát lưu giữ cái đẹp của ông ngày càng cháy bỏng.
Cuối cùng, tình yêu của nhà thơ dành cho tuổi trẻ lên đến đỉnh điểm là khi ông bật ra câu cảm thán:
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”
Hết “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, rồi cuối cùng là “cắn”, Xuân Diệu thật biết cách lựa chọn từ ngữ, khiến cho ta không thể tìm được thêm từ nào có thể bộc lộ tình cảm của ông một cách mạnh mẽ hơn. Câu thơ cuối đã nâng cảm xúc lên bậc cao nhất, bài thơ đến đó là hết, không thể viết thêm được nữa.
Dường như một loạt hành động ấy là chưa đủ, nhà thơ còn dùng “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” để biểu thị sự hưởng thụ đến mức tối đa. Ấy vậy mà xem chừng ông vẫn muốn đòi hỏi hơn nữa.
“Xuân hồng” có thể hiểu là mùa xuân tràn đầy sức sống, hoa lá cỏ cây và hương sắc, hay “xuân hồng” cũng là hình ảnh tượng trưng cho tuổi trẻ, tuổi xuân. Động từ “cắn” nghe tưởng như thô mà lại nhiều chất thơ, một động từ chỉ cách nói về sự hưởng thụ đến độ cuồng nhiệt.
Xem thêm>>> Phân tích tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân
Nói tóm lại, bài thơ chứa đựng nhân sinh quan mới, có mang tính tiêu cực. Trong khi những cái tôi lãng mạng khác lại rời bỏ thực tại, đi tìm chốn hư vô thì qua cái nhìn của Xuân Diệu. Trần gian đây mới chính là thiên đường và sống hết mình, thậm chí còn cố gắng níu kéo trong cõi trần gian ấy.
Hãy hướng cuộc đời về một nơi tươi sáng, đừng để thanh xuân trôi đi một cách lãng phí bởi “tuổi xanh chẳng hai lần thắm lại”. Hơn nữa, nếu sống mà chỉ biết tận hưởng một cách vội vàng nhanh chóng mà không biết làm gì để cho sự tận hưởng, khi ấy đó lại mang ý nghĩa tiêu cực.
Phải nói rằng, thái độ sống của Xuân Diệu là thái độ sống tích cực mà mỗi người chúng ta cần học hỏi một phần. Bài thơ “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho cách sống lạc quan của Xuân Diệu. Bài thơ giúp cho người đọc hiểu được giá trị của tuổi trẻ và càng biết trân trọng tuổi trẻ của mình mà phải sống hết mình, nhanh chóng nắm bắt và tận hưởng những điều tươi đẹo trong cuộc sống.
Liên quan >>> Phân tích sức sống mãnh liệt của Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”