Phân tích nhân vật Cai tuần Bưởi trong Con Nhà Nghèo của Hồ Biểu Chánh

Đề bài: Phân tích nhân vật Cai tuần Bưởi trong Con Nhà Nghèo của Hồ Biểu Chánh?

Bài làm:

Mỗi người trong chúng ta đều gắn bó với một quê hương xứ sở. Dấu ấn quê hương in đậm trên từng ánh mắt, nụ cười, dáng đi, từng lời ăn, tiếng nói. Hồ Biểu Chánh cũng vậy. Mảnh đất Nam Bộ với những cánh đồng mướt xanh màu lúa, những tấm lòng mộc mạc, thủy chung đã thổi nguồn cảm hứng  vào ngòi bút của nhà văn, khơi mạch cho dòng tiểu thuyết đậm chất Nam Bộ ra đời. Trong số những tác phẩm đặc sắc ấy, hình ảnh Cai tuần Bưởi trong tiểu thuyết “Con nhà nghèo” hiện lên như một điểm sáng tiêu biểu cho người nông dân miền Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Tiểu thuyết Con nhà nghèo có lối kể chuyện mộc mạc, giản dị, mà hấp dẫn người đọc. Gửi lòng vào trang truyện, độc giả có cảm giác dường như mình đang trực tiếp trông thấy những nông dân chân lấm tay bùn, những câu chuyện của mươi năm về trước diễn ra bên ruộng lúa, gốc dừa, dòng sông mênh mang điệu hò êm dịu… Câu chuyện trong đoạn trích diễn ra xung quanh việc Tư Lựu – em gái Cai tuần Bưởi sinh một đứa con trai. Đứa bé là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa Hai Nghĩa – con bà Cai tổng Hiếu với Tư Lựu. Sự ra đời của đứa bé bị người cha bạc tình bạc nghĩa của nó từ chối bỏ sau lời báo tin hồ hởi của Cai tuần Bưởi. Anh Bưởi trở về với nỗi chán chường thấm thía.

Tính cách Cai tuần Bưởi qu diễn biến đoạn trích mỗi lúc một sáng dần lên. Ta bắt gặp ở người nông dân bình thường ấy hình ảnh một người anh hết lòng thương em, một người lao động cần cù bị áp bức, một người dân quê với tâm hồn chân chất bình dị rất nỗi hiền lành.

Đoạn trích “Con nhà nghèo” mở đầu bằng hình ảnh Cai tuần Bưởi hết lòng lo lắng cho em. Nghe tin Tư Lựu trở dạ, anh liền “biến sắc”, nằm trên võng như “khúc cây”, không thèm để ý đến đám con nghịch gợm vây quanh. Tâm trí anh dồn hết cho cô em lỡ lầm tội nghiệp. Hẳn là anh đang lo lắng sự ra đời của đứa bé có được chấp nhận hay không, cuộc đời em gái anh có thay đổi gì không… Nỗi lo đè nặng lên vầng trán suy tư của người anh tình nghĩa. Thế rồi, hay tin Tư Lựu mẹ tròn con vuông , Cai tuần Bưởi liền sốt sắng đi báo tin cho Hai Nghĩa – cha của đứa bé mới chào đời. Chỉ ba từ “để tôi đi” với hành động cắ[ dù, mặc áo vội vã cũng đủ nói lên sự quan tâm và tình thương của anh dành cho em gái sâu nặng biết nhường nào.

Một con người nặng tình với em như vậy hẳn cũng sống có nghĩa có nhân với bao nhiêu người khác trên quê hương, đồng ruộng của mình.

Phẩm chất đẹp đẽ của Cai tuần Bưởi không phải là một viên ngọc trai too điểm cho một con người quý phái, hoàn hảo. Cai tuần Bưởi chỉ là một anh nông dân câdn cù, chăm chỉ, nhưng phải gánh vác trên đôi vai đầy gánh nặng của sự áp bức, bóc lột dã man. Là một người nông dân cần mẫn, Cai tuần Bưởi quanh năm suốt tháng chí thú làm ăn, lo lắng cho vợ, cho em và đàn con thơ trẻ. Những lời anh tâm sự với Phùng – người ở của gia đình bà Cai tổng Hiếu – bộc lộ rất rõ những nỗi nhọc nhằn anh đã trãi qua: “Tháng giêng, tháng hai, tao mắc đi ghe, rồi mấy tháng nay tao về, tao mắc việc ruộng”.

Công việc đồng áng, cày bừa, gặt hái, việc giăng lưới, thả câu… choán hết tháng ngày của anh nông dân cần mẫn. Bỗng dưng, ta bắt gặp ở Cai tuần Bưởi hình ảnh a Pha trong “Bước đường cùng”, chị Dậu trong “Tắt đèn”, bà cụ nhà quê trong “Một bữa no”. Tất cả trong họ đều là những người nông dân ngày phải một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, trong sình lầy… để kiếm miếng cơm manh áo. Họ cùng tương ngộ trong hoàn cảnh khốn cùng, quẫn bách vì bị bóc lột sức lao động một cách dã man, cùng bị đè nặng dưới cái ách tai quái của bọn điền chủ, bá hộ… ăn trên ngồi trốc. Mẩu đối thoại giữa Cai tuần Bưởi và bà Cai tổng Hiếu chủ đất – phơi bày sự bất công rõ nét giữa người với người.

“- Nè, năm nay đong lúa phải giê cho thiệt sạch chứ đừng làm dơ như năm ngoái nữa đa. Tao nghe mợ Hai mày nói hồi năm ngoái mày đong lúa dơ cảy.

-Dạ bẩm bà, con đâu dám làm dơ”.

Một đằng phách lối, ra lệnh, một đằng khép nép, vâng lời. Cùng là con người như nhau cả, sao lại có sự phân biệt rạch ròi như thế. Vị trí của địa chủ với tá điền cách nhau một trời một vực, xa xôi đến mức lạnh lùng.

“Ừ, phải đấy, mày mà dễ ngươi, tao biểu nó lấy ruộng cho người khác mướn, rồi không còn cơm ăn thì chịu đa”.

Vì nghèo, Cai tuần Bưởi phải mướn đất làm thuê để rồi anh được hưởng những gì ngoài những lời đe dọa tước miếng cơm manh áo của bà chủ cay nghiệt? Thật ra, ruộng lúac thất mùa, Cai tuần Bưởi cũng không dám để cho thiếu lúa, hứng chịu những lời chửi mắng đầy oan ức, anh cũng “không dám trả treo”. Cũng như chị Dậu, anh Pha, Cai tuần Bưởi cô thế và yếu ớt quá. Anh chỉ biết phản ứng lại bằng thái độ cam chịu đến nhẫn nhục và bằng những dằn vặt, suy tư rối bời gan ruột trên con đường về.

Tìm cách báo tin cho Hai Nghĩa xong, Cai tuần Bưởi mới “chưng hửng” trước lời chối từ trắng trợn của cậu công tử bạc tình. Hai tiếng “chưng hửng” như một nét bút tài tình vẽ lên nét mặt ngơ ngác, sửng sốt của người nông dân chất phác. Thế nhưng, Cai tuần Bưởi không gào thét lên sự bất công, không vạch mặt kẻ vô nhân thất đức đó mà anh “ứa nước mắt đi lộn trở về” trong âm thầm nhẫn nhục. Đoạn độc thoại nội tâm trải dài trên những bước đường về nặng nhọc như một tấm gương phản chiếu bản chiếu hiền lành, chất phác đến mức nhẫn nhục, cam chịu của anh Cai. Con đường về nhà càng ngắn lại, anh càng thấm thía bản chất vô nhân của bọn nhà giàu. Tổng kết những oan ức, trái ngang mà bọn chúng gieo vào gia đình cũng như bao gia đình nông dân nghèo khổ khác, Cai tuần Bưởi chua xót cất lên câu hỏi với lòng mình: “Nhân nghĩa của kẻ giàu là như thế hay sao?”. Rồi anh tự lý giải câu hỏi độc thoại của mình bằng những minh chứng thức tế đến nghiệt ngã. Anh nghĩ về cái nhân nghĩa của bà Cai tổng Hiếu “bắt con người ta làm cháy da phỏng trán trót năm, sinh lợi ba phần họ lấy hết hai. Họ sai khiến con người ta dầm mưa dãi nắng để con của họ ở nhà ăn no ngủ ấm”. Đấy là sự bóc lột sức lao động nhẫn tâm đến mức thiếu tình người của lớp địa chủ. Còn lớp con địa chủ thì sao? Cai tuần Bưởi nghĩ về cái “nhân nghĩa” của cậu Hai con bà chủ với sự chua xót đến đau lòng: Hai nghĩa quan hệ với em Cai tuần Bưởi chỉ nhằm mục đích “thỏa cái tình dục của họ rồi làm cho con người ta mang nhơ mang nhục đến trọn đời”. Thấm thía những đòn đau phải chụi đựng, Cai tuần Bưởi nhân ra những kẻ mình phải còng lưng làm thuê chỉ là những kẻ độc ác, bằng hình thức này hay hình thức khác luôn gieo đau thương cho những gia đình tá điền, đói khổ, thiếu thốn mặc ai, ô danh xú tiết cũng mặc ai…

Đấy là nét tính cách chung của người nông dân đầu thế kỷ XX. Họ đã nhận ra bản chất độc ác của bọn cường hào ác bá chưa dám đấu tranh chống đối. Tâm hồn chân chất, hiền hòa, như đất của họ chỉ dằn sóng chịu đưngj chưa nổi lên giông tố trả thù.

Cai tuần Bưởi hiện lên trong tiểu thuyết “Con nhà nghèo” dưới vóc hình một người nông dân thật thà, cần cù, chất phác, rất mực thương em, sống cố nhân có nghĩa. Anh là hình ảnh điển hình của người nông dân Nam Bộ phải oằn lưng gánh chịu bao sự áp bức bất công mà chưa có con đường phản kháng quyết liệt. Với văn phong giản dị, đậm chất Nam Bộ, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Cai tuần Bưởi, dựng lên một nhân vật điển hình có sức sống trên những trang sách đến tận hôm nay.

Hiểu rõ bản chất Cai tuần Bưởi trong tác phẩm Con nhà nghèo”, ta càng thêm cảm thông cho thân phận những con người hiền lành, chất phác bị bao ách áp bức đè nặng trong xã hội thuộc Pháp trước đây.Thông cảm cho Cai tuần Bưởi, ta càng thêm phục bản chất hiền lành, nhân nghĩa sáng đẹp như một bông sen trong chốn đầm lầy.

Tải về máy>>>

Download “Phân tích nhân vật Cai tuần Bưởi trong Con Nhà Nghèo của Hồ Biểu Chánh”

PdaQ8 – Downloaded 681 times –