Đề bài: Phân tích quá trình hồi sinh của Tấm trong truyện “Tấm Cám”
Trong kho tàng truyện cổ tích của dân tộc ta, truyện “Tấm Cám” có lẽ là một trong những câu chuyện đặc sắc, phổ biến và hay nhất. Nhắc tới truyện cổ tích “Tấm Cám”, ta thường hay nhớ đến quá trình hồi sinh của cô Tấm trong truyện.
Truyện kể về nhân vật chính là cô Tấm và Cám. Tấm vô cùng hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ nhưng chỉ vì mẹ mất sớm, bố tiến thêm bước nữa lấy người vợ thứ hai. Không lâu sau, bố cô Tấm cũng mất. Cô phải ở cùng mụ dì ghẻ và con gái của bà ta là con Cám. Tấm luôn bị mẹ con Cám đối xử tàn nhẫn, bất công, phải làm hết mọi việc trong nhà. Tấm làm việc quần quật suốt ngày từ sáng đến đêm không hết việc còn Cám thì ăn trắng mặc trơn.
Xem thêm>>> Phân tích đoạn 1 bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu
Khi Tấm được làm hoàng hậu thì mẹ con Cám vô cùng hằn học, ghen tị với Tấm nên đã luôn tìm cách tiêu diệt, hãm hại Tấm với mọi cách, mọi thủ đoạn để tước đoạt mạng sống của Tấm. Lần này thì Tấm đã đấu tranh lại. Tấm đã hóa thân thành nhiều vật và sự vật. Đến cuối cùng thì Tấm sống và trở lại cuộc sống hạnh phúc bên nhà vua còn mẹ con Cám thì phải trả giá bằng cái chết.
Qua các quá trình hồi sinh của mình, cô Tấm đều gửi gắm linh hồn mình vào những sự vật rất đỗi bình dị, thân thương và giàu ý nghĩa. Mỗi lần hồi sinh là Tấm hóa thân thành một sự vật khác biệt, không hề giống nhau. Mỗi sự vật đó đều mang ý nghĩa riêng cho từng lần hồi sinh của Tấm. Đó là con chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi hay quả thị.
Trong lần hồi sinh đầu tiên, Tấm hóa thân thành chim vàng anh. Trong hình hài của chim vàng anh, Tấm luôn quấn quít bên vua. Tấm bay tới vườn ngự thấy Cám đang giặt áo cho vua liền nhắc nhở, cảnh cáo Cám: “Phơi áo chồng tao, phơi lao, phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.”
Sự hóa thân thành chim vàng anh này của Tấm mang ý nghĩa gợi ra sự hóa thân của một linh hồn trong sáng, hồn hậu và đồng thời cũng báo hiệu một cô Tấm đầy sức phản kháng đã trỗi dậy, đã đứng lên.
Tiếp theo, Tấm hóa thân thành hai cây xoan đào. Cành lá cây sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng là để che bóng mát cho nhà vua. Cho nhà vua mắc võng vào cây như thể hiện đôi tay dịu dàng của cô Tấm muốn chăm sóc, che chở, bảo vệ cho người mà cô yêu thương. Lòng của cây màu hồng như tấm lòng son của cô Tấm. Dù phải trải qua bao thăng trầm, đau khổ như thế nào thì sẽ cũng mãi bền vững, không hề phai nhòa hay mất đi.
Xem thêm>>> Phân tích tác phẩm “Nhàn” của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tấm không chỉ dừng lại ở việc hóa thân thành chim vàng anh hay cây xoan đào. Vì bị Cám phát hiện nên Cám đã chặt cây xoan đào. Tấm lại tiếp tục hiện thân trên khung cửi.
“Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra.”
Lời rủa của Tấm đối với Cám đã thể hiện Tấm đã lên tiếng vạch mặt, tuyên chiến với kẻ thù là Cám quyết liệt hơn. Tấm không chỉ nói lời nhắc nhở hay cảnh cáo giống như lần trước mà Tấm đã rủa Cám. Cám sợ liền bảo mẹ và đốt khung cửi.
Sau khi đốt khung cửi Tấm đã hóa thân thành cây thị, quả thị. Quả thị đã rụng vào bị của bà lão và được bà lão mang về nhà. Quả thị rụng vào bị của bà lão bởi vì bà lão bảo “Bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn.” Chính vì tình yêu thương, sự nâng niu, trân trọng của bà lão mà cô Tấm đã sức mạnh để hồi sinh.
Cô Tấm bước ra khỏi quả thị vừa đẹp, vừa bình dị, vừa tươi mới, vừa rạng rỡ. Cô bước ra dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, têm trầu, giúp đỡ cho bà lão. Vì cô cảm thấy mình xa được mẹ con Cám rồi và cô cảm nhận được tình yêu thương của bà lão dành cho cô nên cô đã bước ra.
Và đã kết thúc một cuộc đời đầy bất hạnh của cô, đồng thời mở ra một cuộc sống mới hạnh phúc, viên mãn cho Tấm. Tấm đã trở lại làm hoàng hậu, sống trong cung hạnh phúc với nhà vua còn mẹ con Cám thì chết.
Từ những sự hóa thân trên của Tấm, ta có thể thấy được sức sống mãnh liệt của cái thiện. Và trong quan niệm của nhân dân thì hiền lành là luôn làm điều thiện, cái thiện sẽ không bao giờ bị khuất phục trước cái xấu.
Qua đây, ta thấy được con đường đi tới hạnh phúc của Tấm không hề dễ dàng. Và như vậy, câu chuyện còn để lại cho chúng ta một triết lý nhân sinh sâu sắc là phải tự mình đấu tranh để có được hạnh phúc thì hạnh phúc mới bền lâu.
Có thể bạn quan tâm:
– Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” trong chùm thơ của Nguyễn Trãi
– Nghị luận “Bình Ngô Đại Cáo” một tác phẩm của Nguyễn Trãi
– Nghị luận xã hội về việc tự học hỏi hiện nay