Quan niệm văn chương của Nam Cao qua truyện ngắn “Trăng sáng”

Đề bài: Quan niệm văn chương của Nam Cao qua truyện ngắn “Trăng sáng.

Bài làm:

Nam cao là một nhà văn có nhiều suy nghĩ về văn chương, luôn trăn trở về đường hướng sáng tác nghệ thuật. Nam cao thường thông qua ý nghĩ của các nhà văn là các nhân vật trong các tác phẩm của mình để gián tiếp bộc lộ quan điểm sáng tác của ông. Trong truyện ngắn “Trăng sáng”, Nam Cao đã gửi gắm một quan niệm văn chương thông qua những suy nghĩ của văn sĩ Điền: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Phải hiểu thái độ phủ định thứ nghệ thuật là ánh trăng lừa dối của Nam Cao trong một hoàn cảnh cụ thể (truyện ngắn Trăng sáng) mới cho chúng ta sự nhận thức về quan niệm văn chương của nhà văn một cách thấu đáo. Nhân một đêm ngồi ngắm trăng cùng vợ con, văn sĩ Điền bỗng nhận thấy hình như dưới ánh trăng, mọi vật đều dường như trở nên đẹp hơn lên rất nhiều. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng trăng làm đẹp đẽ thi vị đến những căn lều rách nát tồi tàn nom bề ngoài cũng thấy đẹp, thế nhưng trăng không thể nào cho thấy cái hiện thực bên trong của những căn lều rách nát ấy: Trong đó biết bao nhiêu con người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp người. Nếu như nhà văn Điền trong cái hoàn cảnh khốn khổ kia lại mơ màng nghĩ đến những trang văn dành cho những thiếu nữ nhàn hạ đọc thì đó chính là Điền đã tự lừa dối chính mình. Những trang văn ấy sẽ chỉ là “ánh trăng lừa dối” mà thôi bởi vì đó là sự trốn tránh hiện thực.

Nam Cao phủ định thứ văn chương như thế, chúng ra chú ý đến cách nói nhấn lại hai lần: “… không cần, … không nên…”, Nam Cao như tự nhũ, tự nhắc chính mình. Nam Cao phủ định chính thời kỳ sáng tác trước năm 1941 của ông. Khi ấy nhà văn với những bút danh Như Nguyệt, Thúy Rư đã sáng tác những tác phẩm lãng mạn mà về sau Nam Cao thấy nó chỉ tả được cái “bề ngoài của xã hội”. Chúng ta thấy Nam Cao thật sự nghiêm khắc với chính mình. Có thể xem “Trăng sáng” là tuyên ngôn nghệ thuật thứ nhất của Nam Cao, nó đánh dấu một bước ngoặc quan trọng của nhà văn, chuyển dứt khoát từ khuynh hướng lãng mạn sang hiện thực.

Nhưng còn có thể hiểu thái độ phủ định của Nam Cao trong hoàn cảnh rộng hơn với những ý nghĩa lớn hơn. Khi đất nước lầm than, nhân dân đói khổ và bản thân các nhà văn, nhà thơ cũng sống cuộc sống khốn cùng, vậy mà họ lại viết những trang văn mơ mộng và quay lưng lại với hiện thực đời sống thì đó là thứ ánh trăng lừa dối, lẩn tránh và thoát li hiện thực và có thể nói như Sóng Hồng: “Đem gấm vóc phủ lên trên xã hội điêu tàn”. Rõ ràng ở đây, Nam Cao đã không chấp nhận thứ nghê thuật vị nghệ thuật. Như thế, từ sự từ bỏ mang tính cá nhân, chúng ta thấy Nam Cao đang lặng lẽ bác bỏ, cả một trào lưu văn chương lãng mạn nặng về thoát li và tô điểm đương thời.

Từ sự phủ định thứ nghệ thuật chỉ là ánh trăng lừa dối nghĩa là thi vị hóa cuộc sống, tô hồng cuộc sống một cách chủ quan, Nam Cao đã khẳng định một quan niệm sáng tác sâu sắc, độc đáo: “Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Với Nam Cao, đối tượng của nghệ thuật không phải tìm đâu xa. Nó chính là cuộc sống thực ở quanh nhà văn lúc ấy: “những tiếng đau khổ, những kiếp lầm than”. Nói như vậy cũng có nghĩa là Nam Cao khẳng định quan niệm sáng tác hiện thực; nói theo ngôn từ đương thời, Nam Cao đã đứng về trường phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” dù ông không trực tiếp sử dụng khái niệm này. Nhưng Nam Cao thấy nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực, mà đó là một hiện thực có nội dung cụ thể “tiếng đau khổ, kiếp lầm than” chứ không phải là cuộc sống chung chung. Nam Cao những muốn nhà văn phải có quan điểm nhân đạo trong việc thể hiện hiện thực. Nói cách khác, nhà văn phải có sự đồng cảm và xót thương với cuộc sống của những kiếp lầm than chứ không phải miêu tả hiện thực với tư thế từ trên cao nhìn xuống.

Trong thực tế mối quann hệ giữa nghệ thuật và hiện thực đời sống là mối quan hệ hai chiều có ảnh hưởng qua lại.  Một mặt hiện thực đời sống là đối tượng nhận thức khám ohas của nghệ thuật, là nơi cung cấp đề tài, chất liệu, nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghê thuật. Mặt khác hiện thực đời sống lại là đối tượng chịu tác động của nghệ thuật. Ảnh hưởng của nghệ thuật với đời sống là vô cùng to lớn, sâu rộng. Chỉ có nền văn học chân chính tái hiện chân thực hiện thực đời sống mới có tác động đến đời sống. Do vậy, nghệ thuật luôn bắt nguồn từ hiện thực đời sống và phản ánh bản chất đời sống, nó không thể thoát li hoặc xuyên tạc hiện thực.

Ý kiến của Nam Cao trên cả hai bình diện phủ định và khẳng định cho thấy một quan niệm văn chương tiến bộ và có thể nói là khá toàn diện. Một quan niệm về văn chương như thế đã được thể hiện thông qua những suy tư, day dứt của nhân vật Điền cho thấy Nam Cao hết sức tâm huyết với định hướng nghệ thuật của ông. Quan niệm văn chương của Nam Cao khá toàn diện bởi ông đã khẳng định quan điểm hiện thực và quan điểm nhân đạo trong sự thể hiện đời sống xã hội. Định hướng nghệ thuật của Nam Cao mang ý nghĩa tuyên ngôn cho một khuynh hướng văn học tiến bộ lúc bấy giờ.

Trong truyện ngắn “Trăng sáng” có chi tiết mang nhiều ý nghĩa: “Sáng hôn sau, Điền ngồi viết giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo séo đòi nợ, tiếng chửi bới của những người láng giềng đêm qua mất gà”. Điền không còn trốn tránh hiện thực nữa mà đón nhận những tiếng đau khổ của đời và thể hiện chúng trên trang viết. Thực tiễn sáng tác của Nam Cao đã chứng tỏ Nam Cao cũng giống như văn sĩ Điền kia đã hướng tới cuộc sống để có những trang văn “xúc động lòng người”. Văn chương Nam Cao thể hiện rõ nỗi khổ đau của con người và tính nhân đạo sâu sắc. Ông nói đến nỗi khổ của Chí Phèo, Lão Hạc với sự cảm thông vô bờ bến; chỉ những câu văn “thế thì có khổ hắn không” hay “Trời ơi! Một người như Lão Hạc mà phải theo Binh Tư để có miếng ăn ư? Cuộc đời quả mỗi lúc một thêm đáng buồn”, đã cho thấy tình thương của Nam Cao trước những số phận, những kiếp người như Chí Phèo, Lão Hạc. Bên cạnh đó, Nam Cao còn thể hiện bi kịch sống mòn của người trí thức như Thứ, Hộ… và vạch trần bộ mặt xấu xa của tầng lớp thống trị với những điển hình tiêu biểu như Bác Kiến.

Ý kiến của Nam Cao đặt trong thời điểm 1930 – 1945 mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nhưng nếu nhìn rộng ra thì cần phải có những cách hiểu cho toàn diện hơn.

Nghệ thuật đúng là “không cần phải là ánh trăng lừa dối”, nhưng khi cuộc sống đã tốt đẹp thì nghệ thuật có thể là ảnh trăng hướng tới bao vẻ đẹp của đời để làm cho “lòng người đẹp thêm lên”.

Nghệ thuật không nhất thiết lúc nào cũng phải là “Những tiếng đau khổ”. Cần phải thấy nghệ thuật có lúc là tiếng háy, tiếng reo ca thể hiện nỗi niềm của con người. Văn học Việt Nam hiện đại có không ít những câu thơ của Tố Hữu, của Huy Cận, Chế Lan Viên… cho thấy đó là những tiếng reo ca, tiếng hát. Chính vì vậy, ngày nay quan điểm nghệ thuật của Nam Cao cần được hiểu toàn diện hơn.

Ý kiến của Nam Cao với bao khía cạnh đúng đắn, sâu sắc xuất hiện trong thời kỳ 1930 – 1945 càng có thêm nhiều ý nghĩa hơn, vì khi viết những dòng trong “Trăng sáng”, Nam Cao chưa phải là một nhà văn cách mạng. Vậy mà ông đã có những nét gặp gỡ với tư tưởng của nhà thơ cách mạng Sóng Hồng. Có thể nói thêm rằng một định hướng nghệ thuật như Nam Cao đã trình bày “Nghệ thuật… tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” là sự kế thừa và phát huy của Nguyễn Văn Siêu – danh nhân văn hóa cuối thể kỷ 19. Nam Cao sẽ còn tiếp tục thể hiện những suy ngẫm của mình về sáng tác nghệ thuật qua nhiều truyện ngắn xuất sắc của ông như “Đời thừa”, “Đôi mắt”…

Tải về máy>>>

Download “Quan niệm văn chương của Nam Cao qua truyện ngắn "Trăng sáng"”

xtjZo – Downloaded 684 times –