Soạn bài sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh
I. Về tác giả
Xuân Quỳnh (1942 – 1988), quê ở thôn La Khê, xã Văn Khê, Hà Đông (Tỉnh Hà Tây), nay thuộc Hà Nội, Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa của đoàn văn công nhân dân Trung ương. Từ năm 1963, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo, rồi làm biên tập sách ở Nhà Xuất bản Tác phẩm mới, được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam khóa III. Từ khi còn là diễn viên múa, Xuân Quỳnh đã thích làm thơ. Ngay từ tập thơ đầu tay, hồn thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện được sự phong phú, hồn nhiên, tươi mới, sôi nổi và đầy khát vọng.
Những tác phẩm chính: các tập thơ Tơ tằm – Chồi biếc (In chung với Cẩm Lai, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Tự hát (1984), Sân ga chiều em đi (1984), Hoa cỏ may (1989)
Năm 2001, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
II. Về tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ Sóng cùng với Thuyền và biền được coi là “hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ hiện đại Việt Nam nói chung” (Lưu Khánh Thơ). Bài thơ ra đời năm 1967, sau được in trong tập Hoa dọc chiến hào.
2. Nội dung
a. Có thể nói hình tượng sóng là một sáng tác độc đáo của Xuân Quỳnh trong tác phẩm này. Trong bài, sóng và em hợp thành cặp hình ảnh song hành, quấn quýt. Sóng là đối tượng để chia sẻ, giải bày, để cảm nhận. Đặc điểm của sóng, trong sự cảm nhận của nhân vật trữ tình, rất giống với các cung bậc của tình yêu.
Nối tiếp mạch cảm xúc ở hai khổ thơ đầu, từ khổ thơ thứ ba, hình tượng sóng trở thành đối tượng để ngẫm nghĩ, để suy tư, để truy nguyên gọn nguồn của tình yêu và những cung bậc đầy màu sắc của nó.
Trong ba khổ thơ cuối, từ chỗ là đối tượng của sự suy tư, song trở thành khát vọng. Sóng và em song trùng từ đầu bài thơ, đến đây em hòa tan vào sóng để đẩy con sóng tới chn chứa yêu thương.
b. Bài thơ đúng là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Có thể hình dung rất rõ điều đó qua các cung bậc tình cảm của nhân vật trữ tình được biểu hiện trực tiếp bằng hình tượng sóng.
Bài thơ mở đầu bằng việc khám phá các cung bậc của sóng (Dữ dội và dịu êm – Ồn ào và lặng lẽ) giúp người đọc hình dung về hình ảnh một người con gái đang yêu tự bộc bạch tình yêu một cách táo bạo và đáng yêu. Từ chuyện của sóng, câu thơ chuyển tự nhiên sang chuyện tình yêu, từ chỗ là đối tượng để cảm nhận, sóng giờ đây trở thành đối tượng để người con gái đang yêu giãi bày và suy tư. Dòng suy tư bắt đầu bằng nỗi băn khoăn, trăn trở, khát khao tìm đến ngọn nguồn của tình yêu. Nhưng thiên nhiên bí ẩn đôi khi còn có thể cắt nghĩa được, còn tình yêu thì “làm sao cắt nghĩa được”.
Không tìm được ngọn nguồn, không cắt nghĩa được tình yêu, người thơ tìm về để vừa trăn trở, vừa say sưa với những cung bậc tình yêu muôn thửa, đó là nỗi nhớ, là sự thủy chung. Phần hai cả bài thơ đã diễn tả thật sâu sắc và tinh tế tình yêu trong trái tim người phụ nữ. Ở đó, có đầy đủ sự đam mê, khao khát – nhưng đẹp nhất là sự dâng hiến – vẻ đẹp đẹp thánh thiện của người phụ nữ trong tình yêu.
c. Bốn câu thơ:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Nói về một quy luật rất tự nhiên: cuộc sống tuy “dài”. “rộng”, nhưng thời gian không ngừng trôi. Đời người hữu hạn, mỗi người phải ý thức được sự hữu hạn và sự nhàm nhạt của cuộc đời. Thế nhưng đó là cuộc sống, là vẫn đề của cuộc sống. Còn tình yêu đích thực thì trong hoàn cảnh nào, nó cũng vượt qua mọi trở ngại để đi đến đích: “Như biển kia dẫu rộng – Mây vẫn bay về xa”.
3. Nghệ thuật
Sóng được viết theo thể thơ năm chữ nhưng cắt khổ không đều nhau, nhịp thơ cũng khá đa dạng và linh hoạt, nhờ thế mà bài thơ có những nét hồn nhiên. Tuy vậy, giọng điệu chủ đạo của bài thơ là giọng điệu tha thiết, chân thành, có ít nhiều sự phấp phỏng, lo âu. Bài thơ là nhịp trái tim hồn hậu, giàu yêu thương, giàu khát vọng của Xuân Quỳnh.
4. Chủ đề
Sóng là một bfi thơ tình đặc sắc. Bài thơ là sự khám phá những khát vọng tình yêu của một trái tim phụ nữ mãnh liệt mà chân thành, giàu khao khát nhưng cũng rất tự nhiên.
Tải về máy>>>
Download “Soạn bài sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh”