Từ các truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân) suy nghĩ về sức mạnh của tình yêu thương
Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa. Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ. Ngày mãi mong chờ ngày sẽ thiên thu… Giai điệu thân thương trong một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là lời nhắc nhở ân tình nhất dành cho mỗi chúng ta. Còn lí do gì để không yêu khi Người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu)? Còn lí do gì để không yêu khi tình yêu mang một sức mạnh diệu kì, như Tô Hoài và Kim Lân đã khám phá và thể nghiệm trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt?
Yêu thương là một thứ tình cảm quá gần gũi đối với chúng ta. Có ai chưa từng được sống trong tình yêu? Khi nhỏ ta đón nhận tình yêu của bà, của mẹ. Lớn khôn, ta được nhận thêm tình yêu từ bè bạn, từ thầy cô. Lớn hơn chút nữa, ta hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa… Yêu thương là một tình cảm mênh mông, không giới hạn. Và đặc biệt, nó tiềm ẩn một sức mạnh tuyệt vời.
Trong Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận tình yêu thương từ một người con gái đẹp như hoa ban của núi rừng Tây Bắc – Mị. Mị là một cô gái ngoan, hiếu thảo. Bởi hiếu thảo nên dẫu trong lòng không hề mong muốn, cô vẫn chấp thuận làm dâu nhà thống lí Pá Tra, để trả món nợ truyền kiếp từ cha mẹ mình, sống trong nhà thống lí, bên cạnh người chồng không hề yêu thương, Mị tê liệt dần sức sống, tình cảm. Chỉ có một điều duy nhất khiến Mị nhẫn nại sống lầm lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa, đó là cha cô. Nếu Mị ăn nắm lá ngón mà cô từng nắm trong tay thì biết khi nào món nợ của cha mẹ cô mới được trả cho hết? Hiếu thuận với mẹ cha – đó là một đóa hoa đẹp được nở từ cây yêu thương.
Còn một đóa hoa yêu thương khác, đẹp không kém mà Tô Hoài đã cài giắt trong tác phẩm của mình, đó chính là hành động Mị cởi trói cho A Phủ. A Phủ làm mất bò và bị trói đứng giữa trời giá buốt. Chứng kiến cảnh tượng một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại ở A Phủ, Mị đã động lòng nhớ lại đêm năm trước cô cũng bị A Sử trói đứng, nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Từ sự đồng cảm từ lòng xót thương tự đáy lòng, Mị đã cắt dây mây, giải thoát cho A Phủ, Lòng yêu thương trong một người con gái có sức sống tiềm tàng mãnh liệt đã đưa đến một hành động táo bạo vô cùng.
Viết Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân lại gửi gắm thông điệp yêu thương nơi những người lao động nghèo ở xóm ngụ cư. Anh cu Tràng, một gã trai nghèo, là dân ngụ cư lại có phần “dở hơi” một ngày kia lại “nhặt” được một cô vợ. Ở khía cạnh nào đó, phải nói rằng đó là vận may của anh bởi nếu không có cái nạn đói khủng khiếp thì chắc gì đã có người đàn bà theo không anh cu Tràng về nhà. Nhưng, nhìn ở khía cạnh khác, chúng ta thấy sự kiện Tràng “nhặt” được vợ lại lấp lánh một ý vị nhân văn. Trong hoàn cảnh đói kém bấy giờ, khi người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn, khi xung quanh chỉ rặt những người chết đói nằm la liệt thì việc “rước” về nhà một cô vợ thực là một hành động mạo hiểm. Nhưng mạo hiểm mà lại rất hào hiệp bởi Tràng không nghĩ nhiều đến gánh nặng áo cơm mà mình sẽ phải gánh vác. Rất nhanh, chỉ một cái chậc lưỡi, anh đồng ý đãi người đàn bà bốn bát bánh đúc, “gạ lãng” sắm cho thị một cái thúng con. Tất cả với Tràng thật đơn giản, nhanh gọn bởi trong anh có sẵn một sự hồn nhiên, một tình yêu thương hết sức nguyên thủy.
Trong truyện, lòng yêu thương được tác giả đậm tô hơn cả ở diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trước tình huống con trai “nhặt” được vợ. Đọc Vợ nhặt, gần như lần nào tôi cũng bị cuốn vào nỗi lòng thương cảm của bà cụ Tứ – người mẹ rất mực yêu con nhưng vì quá nghèo khổ mà không thể lo cho con một đám cưới tươm tất. Sau hồi băn khoăn, ngơ ngác không biết chuyện gì đang diễn ra trong căn nhà lụp xụp của mình, cuối cùng bà cụ Tứ cũng hiểu cơ sự. Lời đầu tiên người mẹ nghèo khổ ấy cất lên không phải là những lời cật vấn, chì chiết mà là một câu nói đầy ngậm ngùi: “Ừ, thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”.
Mừng lòng bao hàm cả bằng lòng và vui lòng. Và sau đó còn là bao xúc cảm nghẹn ngào mà bà cụ không thể nói nên lời: nỗi lòng vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con trai mình; nỗi niềm tủi thân, tủi phận; sự lo lắng cho tương lai các con và một thoáng thanh thản bởi cuối cùng thằng con ngốc nghếch của bà cụ cũng có được vợ. Chỉ một câu nói ấy thôi đủ nói lên tấm lòng hiền từ, nhân hậu của một người mẹ, một người đàn bà. Câu nói của bà cụ Tứ không chỉ bộc lộ tình yêu thương dành cho con mà còn ẩn chứa sự thấu hiểu, đồng cảm với cảnh ngộ éo le của cô con dâu. Tình yêu thương đã được thắp sáng giữa không khí u ám của những ngày đói kém, khơi bùng lên ngọn lửa nhân ái, vị tha trong con người.
Đọc Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, độc giả còn được cảm nhận một tình yêu thương cháy bỏng, mãnh liệt khác, đó là tình cảm nồng hậu dành cho những con người nhỏ bé trong xã hội cũ của chính các nhà văn. Tấm lòng nhân đạo của người cầm bút chính là bếp lửa sưởi ấm biết bao người, nâng biết bao cuộc đời lên trên số phận nghiệt ngã.
Từ hai truyện ngắn của Tô Hoài và Kim Lân, có thể thấy yêu thương là nguồn sức mạnh đưa con người đến với con người, giúp các nhân vật trong truyện cùng nhau bước lên trên cuộc đời, sô phận khổ đau bất hạnh.
Trong thực tế cuộc sống, ai trong chúng ta cũng cảm nhận được rằng yêu thương là một tình cảm đẹp của con người, được biểu hiện ở sự quan tâm, chia sẻ, vị tha… giữa người với người. Yêu thương là thứ tình cảm có sức mạnh đặc biệt, có thể xoa dịu mọi khổ đau bất hạnh, làm liền các vết thương lòng, gắn kết người với người, đưa con người bước lên trên mọi khó khăn, bất hạnh trong cuộc đời. Lòng yêu thương có thể nối liền mọi khoảng cách không gian, co giãn mọi nhịp thời gian, để mỗi chúng ta hôm nay có thể đồng cảm với nỗi đau mất nước của cha ông, với nỗi đau da cam của đồng bào miền Nam, có thể chia sẻ với nhân dân miền Trung lũ lụt, có thể góp một chút gọi là đế các em nhỏ có được trái tim khỏe mạnh, có được nụ cười sáng trong…
Con người sống cần được yêu thương hơn bất cứ sinh vật nào trong thế giới này. Vậy nên, bản thân mỗi người hãy trao đi yêu thương và trao nhiều hơn mỗi ngày để chúng ta có một thế giới yêu thương trọn vẹn:
Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều, ngày tháng tiêu điều.
Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2013