Ngữ Văn 12, Bài 3. Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
– Nắm vững tri thức nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
+ Đối tượng nghị luận: một đoạn thơ, một bài thơ, hình tượng thơ…
+ Với kiểu bài này cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp diệu, cấu tứ… của đoạn thơ, bài thơ đó.
– Rèn luyện cách làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ. Bài viết thường có các nội dung sau:
+ Giới thiệu khái quát về bài thơ, đoạn thơ.
+ Bàn về những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.
+ Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.
BÀI TẬP: Phương pháp chung làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ có hai công đoạn.
a. Công đoạn 1: Phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
– Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm gồm:
+ Hoàn cảnh lớn: hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội mà nhà văn sống, tác phẩm ra đời.
+ Hoàn cảnh nhỏ: nhà văn, nhà thơ chịu sự chi phối của hoàn cảnh lớn, phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của mình.
+ Hoàn cảnh cảm hứng: hoàn cảnh trực tiếp tạo nên chất men, chất xúc tác để tác phẩm ra đời.
– Khi phân tích phải đặt ba hoàn cảnh ấy trong mối quan hệ mật thiết với nhau để đúng tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình.
b. Công đoạn 2: Phân tích trực tiếp tác phẩm.
Gồm 3 thao tác:
– Thao tác “tổng” (cảm nhận cái chung, ấn tượng chung về linh hồn tác phẩm, về nội dung và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm).
+ Nêu lên cái âm hưởng, thần thái chung toát ra từ tổng thể tác phẩm. Nó được nhận biết cảm thụ bằng cả lí trí lẫn tâm hồn của người đọc.
– Bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh là sức xuân phơi phới, trải khắp đất trời, trăng, nước, sông, thuyền.
– Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là khát vọng về một tình yêu đẹp, sôi nổi, chân thành, chung thủy của tuổi trẻ.
– Thao tác “phân” (phân tích từng chi tiết, từng phương diện của tác phẩm về cả hai mặt nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật dưới ánh sáng của sự cảm nhận chung).
+ Phân tích nội dung nghị luận về một bài thơ là việc khám phá tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm được thể hiện qua các phương diện nội dung như đề tài. Chủ đề, cảm hứng… và các yếu tố hình thức như kết cấu, hình tượng, ngôn ngữ…
+ Phân tích nội dung phải đi từ phân tích các phương diện nghệ thuật để khám phá nội dung. Phân tích các phương tiện, cách thức biểu hiện để khám phá sự phong phú của hình tượng, phân tích ý nghĩa khái quát, ý nghĩa tượng trưng của hình tượng để thấy hết tư tưởng của tác phẩm.
+ Phân tích nghệ thuật là khám phá các giá trị biểu hiện nội dung của các yếu tố hình thức. Phân tích nghệ thuật là giải mã các kí hiệu, các phương diện, phương tiện, các yếu tố hình thức để khám phá ra tính nội dung của hình thức nghệ thuật ấy.
+ Phân tích nội dung hay nghệ thuật, bao giờ cũng phải tôn trọng tính chỉnh thể của tác phẩm, phân tích nghệ thuật của một nội dung, phân tích nội dung được thể hiện qua một hình thức cụ thể.
– Thao tác “hợp”: tổng hợp một cách sâu sắc trên cơ sở đã phân tích kĩ các chi tiết của tác phẩm để đưa ra những kết luận, nhận định, đánh giá chung về tác phẩm.