Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy

Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này… Khi vui cũng như khi buồn,  người đều nồng nàn, tha thiết

Qua một số đoạn thơ của Xuân Diệu, em hãy làm sáng tỏ nhận xét của tác giả Thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này… Khi vui cũng như khi buồn,  người đều nồng nàn, tha thiết”. 

BÀI LÀM

Sống trong vui khổ cõi người
Anh như trái lựu nụ cười thiết tha
Huyền hồ bóng dáng thịt da
Uống xong lại khát là ta với đời…

(Vũ Quần Phương)

Năm 1942 – trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã trân trọng giới thiệu Xuân Diệu với làng văn như một hiện tượng lạ. Thơ ông mới quá! Lạ quá! Men thơ như “điều kỳ diệu của Mùa Xuân” làm chuếnh choáng lòng người!

Và từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đến năm 1985, khi nhà thơ vĩnh viễn chia tay cùng bạn đọc, dường như cảm giác nồng nàn ngây ngất ấy vẫn còn thoảng mãi trên môi.

Nửa thế kỷ – cho một sự nghiệp không lẫn với ai. Nửa thế kỷ – tha thiết yêu đời và đầy đam mê sáng tạo… Để có Xuân Diệu – như ta có hôm nay…

Lật lại những trang thơ bát ngát màu nắng kia, để tâm linh nhập vào từng thanh âm cháy bỏng, ta thấm thìa hơn lời nhận xét của Hoài Thanh, Hoài Chân:

“Thơ Xuân Diệu còn là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này… Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết”.
(Thi nhân Việt Nam – 1942)

Xuân Diệu rạo rực yêu đời lắm! Nên thơ ông luôn thấm đẫm một niềm khát khao được cựa quậy, thoát ra khỏi “ao đời bằng phẳng” kia, để xáo động mặt nước, để khẳng định cái “tôi”, để dâng cho đời, cho người “một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy”.

Thế nên khi Thế Lữ chỉ chực đưa ta “phiêu diêu trên chín tầng mây” thì thơ Xuân Diệu lại kéo ta về cõi thực, về chính thế giới của con người. Thế giới ấy trong mắt nhìn Xuân Diệu chẳng hề mơ mơ thực thực, lặng lẽ với “sương thu lạnh, khói thu xây thành” (Tản Đà) mà rạo rực màu sắc, náo nức thanh âm. Dù “khi vui cũng như khi buồn”, chàng thi sĩ với “mái tóc mây vướng trên đài trán ngây thơ” kia vẫn cảm nhận rõ rệt ẩn trong từng ngọn cỏ nhánh cây một nguồn sông tiềm tàng không ngừng cựa quậy.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mong manh.
(Dây mùa thu tới) 

Có nồng nàn, có tha thiết với đời mới có được quan sát tinh vi, nhận ra “sắc đỏ” lấn dần “màu xanh” từng tí, từng tí một ấy. Tâm hồn Xuân Diệu chưa bao giờ chịu đựng nổi sự nhợt nhạt mơ hồ, triền miên lặng lẽ. Đọc thơ ông, ta thường bắt gặp những gam màu nóng, tương phản trong bức tranh sơn dầu. Cũng một mùa thu nhưng ta không thấy được sắc vàng mông lung, sắc xanh huyền ảo của:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
(Nguyễn Du)
Ở đây chỉ có những gam màu đối chọi, đau đáu nhìn nhau. Không hẳn là vui nhưng dường như nó khiến thơ Xuân Diệu có sức sống hơn, có hồn hơn, nó khiến “ao đời bằng phẳng” phải xao động, phải “sống” chứ không chỉ “tồn tại”.

Thơ Xuân Diệu nồng nàn, tha thiết lắm. Tha thiết với cảnh, tha thiết cả với người. Nó rộn ràng thúc giục, dào dạt yêu thương, quấn quýt bên người trong vòng xoay náo nức:

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Mãnh liệt quá! Táo bạo quá! Cảm xúc trào dâng như không kìm nén nổi. Soi vào những dòng thơ say sưa và hôi hổi, tình yêu tha thiết với cuộc đời, ta cũng như “chuếnh choáng” với men say. Những điệp ngữ “Ta muốn” luyến đi láy lại và hàng loạt động từ tràn trề sức sống bày ra. Là “ôm”. Là “riết”. Là “say”. Là “thâu”. Và một cách bộc lộ tình yêu, một cách cảm nhận mùa xuân chưa từng có trong thơ Việt Nam: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.

Từng chữ từng câu toát lên một “nguồn sống dào dạt”, làm lung lay những khuôn khổ cổ xưa, làm xáo trộn “nước non lặng lẽ”. Từng nhịp thơ như nhịp tim dồn dập, trẻ trung, cáng tràn nhựa sống. Nó khiến ta ngất ngây trước sự sống “mơn mởn”, non tơ. “Ánh sáng”, “mùi thơm” như len lỏi ngấm vào thịt da, huyết mạch, khiến ta cũng muốn xoay tròn theo nhịp thơ ông. Một “nguồn sống dào dạt” tuyệt vời của thơ Xuân Diệu?

Cảm xúc của ông, có lúc bộc lộ rất cháy bỏng:
Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn.
Làm dây da quấn quýt cả mình xuân. 
Cũng có lúc rất đỗi dịu dàng:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
(Thơ duyên)
Kể cả lúc hơi thơ đằm thắm nhất, ta vẫn thầm nhận ra bao nhiêu thiết tha ẩn đằng sau đấy. Tấm lòng thi sĩ dành cho đời, cho người say đắm quá. Cảnh tĩnh mà không buồn. Cảnh lặng mà không chết. Hơi thở của đời vẫn nồng nàn trong tiếng “ríu rít” của đôi chim, trong sắc “xanh ngọc” nõn nà của lá. vần “uyên” ở cuối những câu thơ ngân nga đan cài vào nhau để toát lên cái duyên thơ, cái cảm xúc nhè nhẹ, lâng lâng và trong trẻo của một chàng trai với một cái gì từa tựa như “tình yêu” đang he hé nở trong lòng.
Xuân Diệu có lúc buồn. Nhưng dường như cả trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, ưu tư, đơn côi ấy, nhà thơ vẫn “giãy giụa”, vẫn sục sạo kiếm tìm một nguồn sống, vẫn bộc lộ niềm tha thiết yêu đời.
Trăng sáng càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
(Nguyệt cầm)
Ánh sáng, âm thanh trộn lẫn vào nhau. Và trục giao thoa cho sự hòa hợp đó chính là cái “tôi” của tác giả. Giữa tĩnh mịch rợn người của “bốn bề ánh nhạc”, tiếng lòng tác giả bật lên, đầy sợ hãi: “Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!”. Để tâm linh nhập vào ý thức, ta cảm nhận được một tình yêu tha thiết của thi nhân với cuộc đời. Bởi có yêu đời lắm tác giả mới có nỗi sợ ám ảnh trước sự đơn côi ấy.
Trong thơ Xuân Diệu, cảnh dù tĩnh đến đâu, tác giả cũng gói gắm được vào đấy một sự sống. Cũng một bến đò, cũng một con đò nhưng khác với “Dã kính hoang lương hành khách thiểu” trong thơ Nguyễn Trãi, bến đò của Xuân Diệu hình như “sống” hơn. Bởi bên cạnh khung cảnh “Đã vắng người sang những chuyến đò” còn có bóng dáng:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói.
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
(Đây mùa thu tới)

Nỗi buồn lãng mạn ẩn trong ánh mắt xa xăm như một nét chấm phá làm cảnh có hồn hơn? Sống hơn? 

Điểm qua vài đoạn thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, ta phần nào hiểu rõ hơn về người và thơ Xuân Diệu. Đúng như lời Hoài Thanh, Hoài Chân nhận xét: thơ ông là “một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này… Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết..” Những bài thơ cháy bỏng niềm đam mê, khát khao sự sống ấy đã tạo một nét riêng cho thơ Xuân Diệu. Đọc thơ ông để yêu đời hơn, yêu người hơn, để nâng niu cuộc sống trong tay, nhìn vạn vật bằng đôi mắt “xanh non” tươi trẻ. Nhớ đến ông như nhớ đến men say của tình yêu, nhớ đến cảm xúc rạo rực trước người, trước cảnh. Chất trẻ trung tươi tắn của thơ Xuân Diệu đã làm chênh chao mặt “ao đời bằng phẳng”, khiến con người “sống” thật tình hết lòng hơn. Đó là tình yêu nồng nàn tha thiết của Xuân Diệu dâng tặng cuộc đời.
Xin cảm ơn người về “nguồn sống dạt dào” ấy!
… Sống trong vui khổ cõi người
Anh như trái lựu nụ cười thiết tha
Huyền hồ bóng dáng thịt da
Uống xong lại khát là ta với đời…
Nửa thế kỷ – để có Xuân Diệu – như ta có hôm nay…
 
Phạm Thị Kim Nhường
Trường THPT Nguyễn Trãi, Kiên Giang
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2013

Leave a Comment