Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

Phân tích truyện ngụ ngôn: Thầy bói xem voi

I. Trong cuộc sống thường ngày, không thiếu người đưa ra những phán xét phiến diện, lấy sự hiểu biết không rõ ràng về một chi tiết, một bộ phận rồi quyết đoán bộ phận ấy chi tiết ấy là cái toàn thể đã tạo nên những mâu thuẫn, bất hoà không đáng có. Nhưng để giúp những người này nhận ra sự sai lầm của họ cũng không dễ dàng gì. Khi không thể nói thẳng về sự sai lầm ấy vì ngại chạm tự ái, người đời thường kể lại truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi để giúp họ tự nhận ra sai lầm và tự sửa sai.

II. Phần đầu truyện, người kể giới thiệu nhân vật và sự việc. Nhân vật là “năm ông thầy bói”. Sự việc ấy là cùng xem voi. Thầy bói là ai? Ấy là người thường bị mù chuyên đoán những việc lành, dữ sẽ xảy đến cho khách tìm đến xem. Thầy có thể nói về chuyện thuộc về tâm linh (đúng hay sai khó xác định được), nhưng để “xem voi” có hình dạng ra sao thì điều kiện cần là đôi mắt sáng. Các thầy đã không có được điều kiện này.

Phần thứ hai của truyện mô tả lại cảnh các thầy xem voi. “Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi”. Chỉ tưởng tượng ra cảnh các thầy dùng hai bàn tay mò mẫm, sờ nắn năm bộ phận của con voi thì người đọc cũng đã không ngăn được tiếng cười. Xem sự vật bằng tay, điều ấy có thể được. Nhưng khó có thể nhận ra hình dạng toàn diện của một sự vật lớn như con voi một cách chính xác được.
Giả sử một người mù nào đó tự nhận ra mình đang chịu cảnh đêm dài một đời (suốt đời chỉ thấy bóng tối), và nhờ anh quản tượng cho sờ và giải thích toàn thể các bộ phận cũng khó có thể hình dung được hình dạng của con voi ra sao, huống gì mỗi thầy chỉ sờ được một phần nhỏ. Bởi vậy, cứ như lời phán của năm thầy thì con voi có năm hình dạng khác nhau. Thầy thì cho rằng voi có hình dạng “sun sun như con đỉa”. Thầy thì thấy voi “chần chẫn như cái đòn càn”. Thầy thì bảo “Nó bè bè như cái quạt thóc”. Thầy thì xác định “Nó sừng sững như cái cột đình”. Còn thầy khác thì khẳng định “Nó tun tủn như cái chổi sể cùn”.

Cứ tưởng tượng theo cách mô tả của truyện, hay truyện được dựng thành kịch trên sân khấu thì người xem chắc chắn sẽ có những tràng cười giòn giã.

Ngay khi xem voi xong, “năm thầy ngồi bàn tán với nhau” để xem voi có hình dạng như thế nào thì các thầy cũng đã bài bác nhau bằng các từ phủ định như “Không phải – Đâu có – Ai bảo!…”. Thói thường bài bác thì dễ sinh va chạm tự ái, dễ sinh ra cãi cọ, đôi co bới các thầy có chung một: Tất cả đều mù nhưng ai cũng tự cho mình sáng. Chính điểm chung này khiến các thầy chẳng ai chịu nhường nhịn ai dẫn đến cảnh “xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu”.

III. Nội dung truyện khá giản dị, cách tạo dựng các tình huống thật sinh động, ngôn ngữ miêu tả rõ ràng, nhưng đủ sức gây cười khiến Thầy bói xem voi dễ nhớ, dễ gây ấn tượng mạnh ở người xem.

Ý nghĩa sâu xa của truyện ngụ ngôn này là khuyên mỗi người hãy quan sát, tìm hiểu sự vật và sự việc một cách cụ thể, kỹ càng trước khi phán xét. Mù mà cứ tưởng mình sáng; chưa thấy cụ thể mà đã phán xét như đinh đóng cột thì chẳng khác gì “thầy bói xem voi”.

* Ghi chú:

– Năm thầy bói đều sờ và nói về một bộ phận của con voi thật, nhưng một bộ phận chưa phải là voi nên xảy ra cảnh đánh nhau.
– Ý nghĩa nội dung: Muốn hiểu biết sự vật, sự việc thì phải được nhìn, và xem xét chúng một cách toàn diện.

Leave a Comment