Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích truyền thuyết Thánh Gióng

Phân tích truyền thuyết: Thánh Gióng

 

I. Truyền thuyết có vị trí đặc biệt trong kho tàng văn chương Việt Nam. Nhờ chúng mà người đời sau biết được nguồn gốc nòi giống. Nhờ chúng mà người đời sau biết được công lao dựng nước, tạo nên phong tục tập quán, bước đầu xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Và cũng nhờ chúng mà người đời sau thấy rõ tinh thần yêu nước của tổ tiên mà truyền thuyết Thánh Gióng là truyện tiêu biểu.

II. Truyền thuyết này kể lại về nhân vật Gióng sống vào đời vua Hùng Vương thứ sáu. Sự ra đời của nhân vật cũng là điều kì lạ. Cũng có cha và mẹ là người sống phúc hậu, chăm chỉ làm ăn và mong ước có con trai nối dõi tông đường như mọi người bình thường. Nhưng việc bà mẹ mang thai và sinh nở cậu Gióng thì lại hoàn toàn khác.

Truyền thuyết kể lại: “Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm.

Nhưng lạ thay, đứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy”. Không chỉ được mang thai và sinh nở khác thường mà cả đến sự phát triển về đi đứng và nói năng cũng lạ. Cậu chẳng biết gì ngoại trừ cứ đặt đâu thì nằm đấy như là trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.

Tại sao thế? Người đọc, người nghe chắc chắn sẽ hỏi như thế và họ đọc tiếp để tìm lời giải thích. Một điều kì lạ khác giải thích cho sự kì lạ trên. Cậu bé lại buột miệng nói khi sứ giả “rao tìm người tài giỏi cứu nước”, mà là câu cậu cậy nhờ: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Một cậu bé lại mời sứ giả của vua trong lúc nước nhà bị xâm lược.
Thật đáng ngạc nhiên! Càng ngạc nhiên khi người đọc, người nghe biết được lời câu nói với sứ giả rằng: “Ông về tâu với mua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Không mở lời đòi ăn như lũ trẻ lên ba khác, lại chỉ đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và khẳng định là sẽ phá tan lũ giặc. Ngựa sắt, ai có thể điều khiển được cách đây mấy ngàn năm, khi máy nổ chưa được sáng chế? Như thế chỉ là thiên tướng chứ không thể là tướng tài như chúng ta thường nghe.

Sau đó thì cậu bé ăn nhiều, lớn nhanh như thổi. Gạo, cà, trong nhà không đủ khiến thôn làng chung góp lại nuôi cậu…Giặc Ân đã đến chân núi Trâu, đe dọa kinh đô, cũng là lúc sứ giả mang ngựa, áo giáp và roi sắt đến. Rất nhiều chi tiết thần kì trong đoạn văn này. Về vóc dáng thì cậu bé “vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ”. Cái “vỗ vào mông ngựa” của cậu Gióng cứ như là phép lạ: “Ngựa hí dài… Ngựa phun lửa… Ngựa phi thẳng đến nơi có giặc”. Thế thì những chi tiết thần kì ấy có ý nghĩa gì?

Tất nhiên chúng do óc tưởng tượng mà có. Nhưng để có óc tưởng tượng phong phú ấy thì người kể dựa vào một hiện thực nào đó để lồng vào ước mơ của mình. Hiện thực có tính lịch sử đầu tiên ấy là sự đe dọa thường trực của giặc ngoại xâm phương Bắc. Hiện thực thứ hai là dân Việt thời bấy giờ đoàn kết thương yêu, cùng lòng chung sức. Và như thế thì ngựa sắt, giáp sắt, và kể cả ngựa phun ra lửa là kết tinh của những hiện thực ấy, tượng trưng cho vũ khí và tinh thần quyết chiến quyết thắng của người dân Việt thời bấy giờ, kể cả việc “Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ”. Đuổi giặc đến tận chân núi Sóc (Sóc Sơn), “một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời”. Đó cũng là một điều lạ.
Khi xong việc, Gióng lặng lẽ trả lại tất cả những gì mà nhà vua cung cấp rồi trở về với thiên giới “Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà” là cách ứng xử của vua với người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Cũng ở phần cuối này, truyền thuyết giải thích những dấu tích còn lại cho tới nay.

III. Cũng có nhiều chi tiết thần kì, truyền thuyết Thánh Gióng không chỉ ca ngợi công lao của một người mà còn gợi lại cho đời sau ý thức chống giặc ngoại xâm, sức mạnh của tinh thần trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Hình ảnh đẹp này đã làm xúc động hồn thơ khiến Tố Hữu cất lời:

Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng
Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân
Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa
Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân!

* Ghi chú:

+ Truyện kể lại:
– Sự việc Gióng ra đời
– Nguyên nhân và sự đổi thay của Gióng
– Gióng ra trận
– Gióng về trời và được phong là Phù Đổng Thiên Vương
– Truyện có những chi tiết thần kì
– Giải thích các dấu tích địa lí đặc biệt, cây tre màu vàng,…

Leave a Comment