Câu 1 đề thi môn văn – Đại học quốc gia Hà Nội (khối D) năm học 1999 – 2000

Đề thi môn văn đại học quốc gia Hà Nội (khối D) năm học 1999 – 2000

Câu 1:

“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (Mùa Lạc, Nguyễn Khải, trích theo sách giáo khoa Văn 12, phần văn học Việt Nam).

Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến đó qua hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc của Nguyễn Khải?

Hướng dẫn làm bài:

I. GIẢI THÍCH CÂU VĂN

1. Chủ đề tác phẩm và xuất xứ câu văn

– Năm 1958, Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng lên nông trường Điện Biên. Sau chuyến đi đó, Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết Bốn năm sau, Nguyễn Tuân viết tùy bút Sông Đà và Nguyễn Khải viết tập truyện ngắn Mùa Lạc. Trong khi một số tác giả tập trung miêu tả chuyện gỡ hàng rào dây thép gai, gỡ mìn, tổ chức các tổ sản xuất ở nông trường Điện Biên, thì Nguyễn Khải có một hướng khai thách riêng: tập trung chú ý vào vào sự biến đổi của số phận con người, sự hình thành những quan hệ đạo đức mới giữa con người và con người, khẳng định lối sống và những giá trị nhân đạo trong quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa của nông trường Điện Biên. Chính vì thế mà chuyện ngắn Mùa Lạc đứng được với thời gian sau khi những sự kiện thời sự đã qua đi.

– Nguyễn Khải cũng như Nam Cao là những phong cách hiện thực tỉnh táo trong văn xuôi. Trong truyện ngắn của hai nhà văn này, thỉnh thoảng lại có những đoạn triết lí về đạo đức, nhân sinh, góp phần nâng cao ý nghĩa khái quát của tác phẩm. Câu văn trên đây nằm ở gần cuối truyện ngắn Mùa Lạc. Câu văn gần như thâu tóm được chủ đề của tác phẩm. Chính nới chiến tranh đã xảy ra ác liệt giờ đây cuộc sống hồi sinh mãnh liệt, nơi đây những người lao động bình thường như chị Đào đã thay đổi số phận, đã tìm được hạnh phúc.

2. Giải thích câu văn

– Với tinh thần lạc quan, tin yêu con người và cuộc sống. Nguyễn Khải đã khằng định: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới”. Nói đến “con đường cùng” là nói đến sự bế tắc, tuyệt vọng, nói đền “ranh giới” là nói đến khó khăn , trở ngại mà con người cần có ý chí vượt qua để đi tới tương lai. Câu triết lí này mang một ý nghĩa tích cực, nó giúp cho con người có đủ niềm tin và nghị lực tiến về phía trước, không buông xuôi cuộc đời của mình cho “số phận”.

– Câu nói của Nguyễn Khải được khái quát từ thực tế cuộc sống của nhân dânta từ sau cách mạng tháng Tám. Trọng xã hội mới, những cuộc đời “ba chìm bảy nổi chính lênh đênh” như cuộc đời của Đào trong xã hội cũ sẽ không bị dồn đến “con đường cùng” như trước đây. Tuy nhiên cuộc sống vẫn còn nhiều gian lao, thử thách, con người cần phải vượt qua những gian lao ấy để đi đến “con đường sáng”, đi tới hạnh phúc tương lai.

II. PHÂN TÍCH NHÂN VẬT CHỊ ĐÀO ĐỂ LÀM SÁNG TỎ Ý KIẾN CỦA NGUYỄN KHẢI

1. Tính cách và số phận của chị Đào trước khi lên Điện Biên

– Chị Đào là người phụ nữ nghèo khổ, sớm phải chịu đựng nhiều đau thương mất mát, chồng chết, con chết, phải cô đơn, vất cả kiếm sống. Cuộc đời của chị lúc ấy rơi vào cái cảnh “đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

– Cuộc sống vất vả khổ đau đã làm cho nhan sắc của chị nhanh chóng tàn phai: “mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má cao, tàn hương nổi càng nhiều”.

– Hoàn cảnh éo le cay cực khiến cho chị có lúc “muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống”; tính cách của chị là tính cách của một con người tái tạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình.

– Chị Đào phải đối mặt với những ranh giới không dễ vượt qua. Nêu trong xã hội cũ có thể chị sẽ bước tới “con đường cùng”.

2. Tính cách và số phận của chị Đào từ khi lên Điện Biên

– Chị Đào lên nông trường Điện Biên với tâm lí của một người quá mệt mỏi trước cuộc đời lam lũ và mặc cảm về số phận hẩm hiu của mình. Chị đến nơi đây là “muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa nới quen thuộc để quyên đi cuộc đời đã qua”.

– Môi trường lao động tập thể ở nông trường Điện Biên là hoàn cảnh thuận lợi để chị Đào phát huy bản chất tốt đep của mình và tìm lại hạnh phúc mà chị đã mất. Được lao động trong tập thể say mê sôi nổi, được tiếp xúc với những con người trẻ trung tràn đầy sức sống và rất yêu đời, chị Đào bắt đầu cảm thấy “một cái gì chưa đến rõ nét lắm nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đi qua cứ lấp lóe ở phía trước”.

– Niềm tin, niềm hi vọng và tình yêu đã giúp chị Đào có thêm sức mạnh để vượt qua những ranh giới. Tình bạn bè chân tình của Huân, của Duệ, tình yêu của anh Dịu cùng với sự phấn đấu nỗ lực của bản thân đã giúp Đào tìm thấy hạnh phúc, tìm lại con người thực của mình: sắc sảo, thông minh, yêu đời, say mê lao động. Giàu lòng vị tha.