Đề bài: Phân tích ngắn gọn vẻ đẹp người lao động qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
Trong dịp đi thực tế tạo Quảng Ninh, Huy Cận đã cho ra bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” nhờ hai nguồn cảm hứng:. Cảm hứng ngập tràn niềm vui trong cuộc sống lao động và cảm hứng về thiên nhiên nơi đây. Sự kết hợp nhuần nhuyễn hai nguồn cảm hứng ấy đã tạo nên sự hùng vĩ của ngư dân lao động trên khung cảnh lung linh, tráng lệ của bức tranh sơn mài.
Trên nền không gian bao la, bát ngát. Hình ảnh người lao động xuất hiện với một tư thế hiên ngang làm chủ thiên nhiên sóng nước:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”
Điều đặc biệt ở đây là với phép liên tưởng tưởng tượng, hình ảnh con thuyền đã được miêu tả rất lãng mạn:. Đoàn thuyền có gió làm bánh lái, có trăng làm buồn đang lướt gió đi phơi phới. Vì thế mà con thuyền như đang bay ở trên giữa khoảng “mây cao với biển bằng”. Trong khung cảnh đó, con người hiện ra với tầm vóc ngang tầm vũ trụ và chan hòa với khung cảnh trời nước bao la. Họ “ra đậu dặm xa dò bụng biển, dàn đan thế trận lưới vây giăng”.
Xem thêm>>> Phân tích cảnh ra khơi ở khổ thơ đầu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
Những người ngư dân rất hiểu quy luật của sóng nước. Công việc đánh cá với họ đã trở thành một trận đánh mà mỗi người thủy thủ là người chiến sĩ, con thuyền, mái chiều và ngư cụ đều trở thành vũ khí của họ. Thiên nhiên lúc này cũng trở thành một người bạn cùng họ hang say lao động, chia sẻ niềm vui, vẻ đẹp thơ mộng đến say lòng.
Cùng với tư thế hiên ngang ấy là một tư thế lao động thật khẩn trương, náo nức. Những người ngư dân hát vang bài ca gọi cá vào, niềm vui phơi phới ngập tràn trong từng cử chỉ của họ:
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Tiếng hát ấy được cất vang từ thời điểm ra khơi thì giờ đây lại ngân nga thúc đẩy lòng người đam mê công việc. Hòa nhịp với bài ca lao động ấy đã có trăng, sao gọi thuyền. Vầng trăng soi xuống mặt biển muôn vàn ánh sáng lấp lánh loang loáng. Trăng tan ra theo sóng nước, vỗ vào mạn thuyền theo từng nhịp.
Xem thêm>>> Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận
Đẹp quá! Thơ mộng quá! Và cũng thật phù hợp với tâm trạng rạo rực ngập tràn niềm vui của con người để rồi tự đáy lòng họ rút ra lời cảm tạ thiết tha, chân tình:. “Biển cho ta cá như lòng mẹ, nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. So sánh “biển” với “lòng mẹ”, nhà thơ đã nói lên được sự giàu có của biển cả, cũng như niềm tự hào của người dân đối với quê hương. Giọng thơ ở đoạn này thật ấm áp, chứa chan nghĩa tình.
Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động hào hứng, hăng say:
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.’
Trên bầu trời sao đã mờ, những người ngư dân đang khẩn trương miệt mài “kéo lưới kịp trời sáng”. Hình ảnh họ hiện ra lúc này thật gân go, tràn đầy sức sống. Cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng: những cánh tay kéo lưới với cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Đây là hình ảnh động tác kéo lưới rất căng, rất khéo, đẹp và liên tục của những người ngư dân. Chùm cá nặng là hình ảnh ẩn dụ gợi tả kết quả lao động.
Xem thêm>>> Phân tích bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận.
Đó là con thuyền đầy ấp cá với những màu sắc rực rỡ: màu bạc của vẩy cá, màu vàng của đuôi cá đã làm “lóe rạng đông”. Tất cả đã tạo nên một bức tranh lung linh huyền ảo, trên đó hình ảnh những con người lao động đã hiện ra với tư thế hiên ngang giữa thiên nhiên kì vĩ.
Với cảm hứng lãng mạn bay bổng, Huy Cận đã thành công trong việc tạo nên hình ảnh người lạo động tràn đầy niềm vui phấn khởi của họ trong cuộc sống mới. Có thể nói rằng bài thơ này là một bản tráng ca anh hùng lao động tuyệt vời, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động.
Xem thêm>>> Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc