Phân tích sự tài ba của Trần Quốc Tuấn qua qua tác phẩm Hịch Tướng Sĩ

Đề bài: Phân tích sự tài ba của Trần Quốc Tuấn qua tác phẩm Hịch Tướng Sĩ

Trong những mốc vàng son của lịch sử Việt Nam, ta không thể không kể đến triều đại thời nhà Trần – thời đại mà không chỉ có những vị vua anh minh mà con có những vị tướng giỏi giang, xuất chúng đóng góp không ít công lao vào những trận đánh đầy thắng lợi. Ông Trần Quốc Tuấn – vị tướng xuất chúng trong trận đánh Mông – Nguyên – cũng là một trong những vị tướng giỏi giang ấy. Không những giỏi về chiến lược quân sự, ông Trần Quốc Tuấn còn rất tài ba trong văn chương. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau Phân tích sự tài ba của Trần Quốc Tuấn qua tác phẩm Hịch Tướng Sĩ

Phân tích sự tài ba của Trần Quốc Tuấn qua tác phẩm Hịch Tướng Sĩ
phan-tich-su-tai-ba-cua-tran-quoc-tuan-qua-tac-pham-hich-tuong-si

Bài “Hịch tướng sĩ” được sáng tác trước sự xuất hiện của cuộc chiến chống Mông – Nguyên xâm lược lần thứ hai. Bài Hịch đã góp một phần không hề nhỏ trong việc khích lệ, cổ vũ tinh thần cho các tướng sĩ, quân lính cùng nhau đánh giặc, và hơn nữa là chú ý đọc tới “Binh thư yếu lược”.

Bài Hịch được bắt đầu với những tấm gương sáng trong lịch sử: “Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc.” Ông Trần Quốc Tuấn nêu lên những tấm gương không chỉ qua các vị tướng mà có cả những người làm quan nhỏ nhưng họ đều có một điểm chung là sẵn lòng hi sinh bản thân, mặc kệ mọi nguy hiểm để hoàn tất xuất sắc nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình vì vua, vì nước.

Tác giả đã nêu ra lòng căm ghét kẻ thù cũng như nỗi lòng của bản thân sau khi nêu những tấm gương về các tướng, các quan công yêu nước. Ông miêu tả những tội ác của giặc qua những câu từ như: “Đi lại nghênh ngang” “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình” “đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”, “đòi ngọc lụa, thu bạc vàng, vét của kho”.

Ông đã sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh một cách tài tình cùng với giọng văn thể hiện rõ sự mỉa mai, châm biếm và nhịp văn dồn dập liên tiếp khiến người đọc thấy rõ sự căm phẫn của ông cũng như thấy rõ được sự ngang ngược, tham lam, tàn bạo của kẻ thù. Rồi sau đó, ông bày tỏ nỗi niềm của mình rõ hơn nữa qua những câu văn mà người Việt Nam không ai không thể không biết như: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.” Ta có thể thấy rõ được sự căm tức, căm phẫn với kẻ thù cũng như nỗi lo lắng, đau xót cho đất nước của tác giả.

Sau khi bày tỏ sự căm tức với giặc xâm lược bên ngoài, tác giả cũng bày tỏ sự không hài lòng với những quan lại, tướng sĩ có hành động sai trái, từ đó rút được kinh nghiệm việc gì nên làm, việc gì không. Những hành động tầm thường, thiếu trách nhiệm của tướng sĩ được thể hiện qua những lời như: “Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm”. Ta có thể dễ dàng thấy rằng, những hành động sai trái của những quan lại, tướng sĩ này khả năng cao sẽ dẫn đến hậu quả là mất nước. Với giọng điệu mỉa mai và có phần nào khiển trách, Trần Quốc Tuấn đã rất thành công trong việc phê phán lối sống cầu an hưởng lạc, thờ ơ vô trách nhiệm của các tướng sĩ và quan lại.

Đối lập với hình ảnh trên, tác giả đã đưa ra giải thiết qua việc đọc “Binh thư yếu lược” do chính tác giả soạn ra. Ông đề xuất những hành động như: “ Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên” hay tích cực trau dồi binh thư, rèn luyện chăm chỉ,…Như vậy, đất nước mới có thể vững vàng, tướng sĩ cũng giữ được danh tiếng truyền đời mãi về sau, nhờ vậy mà gia đình cũng mới hạnh phúc được. Cách sử dụng hai hình ảnh đối lập của tác giả Trần Quốc Tuấn đã rất xuất sắc thể hiện được sự coi trọng tinh thần ý chí tự giác, chăm chỉ luyện tập, luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh bản thân cho đất nước.

Bài “Hịch tướng sĩ” của Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn đã khiến cho người đọc phải nể phục và quý trọng ông bởi ông không chỉ là một vị tướng giỏi mà còn là một người rất tinh tế khi biết yêu quý, lo lắng và quan tâm tới tướng sĩ thứ bậc thấp hơn và hơn nữa ta cũng thấy được sự lo lắng cũng như tình yêu lớn lao của ông đối với đất nước.

Xem thêm:
– Phân tích tác phẩm truyện ngắn “Cô bé bán diêm” của An Đéc Xen
– Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên
– Phân tích và cảm nhận về bài thơ “Ngắm Trăng” của Hồ Chí Minh