Bài văn mẫu đề bài: Thuyết minh về một văn bản: Thể thơ lục bát.

Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và bài văn mẫu đề bài: Thuyết minh về một văn bản: Thể thơ lục bát.

Dàn bài: Thuyết minh về một văn bản: Thể thơ lục bát

I. Mở bài:

Thơ Việt Nam có rất nhiều thể loại: ngụ ngôn, lục bát, song thất lục bát, Đường luật, thơ tự do…
Thơ lục bát đã đi sâu vào tâm hồn người Việt Nam và trở thành máu thịt.

II. Thân bài:

Thơ lục bát có những đặc điểm:
– Về thời gian: thơ lục bát đã có từ rất lâu.
– Về số tiếng, số dòng:
+ Mỗi cặp gồm hai câu: câu 6 tiếng và câu 8 tiếng, khi trình bày câu lục thụt vào một ít so với câu bát.
+ Số dòng trong thơ lục bát không bị hạn định.– Về gieo vần: Thể thơ lục bát vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng, tiếng cuối cùng của câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng thứ tám câu bát gieo với tiếng cuối câu lục tiếp theo.– Về luật bằng trắc:
o b o t o b
o b o t o b o b

– Về ngắt nhịp: thông thường là ngắt nhịp chẵn, mỗi nhịp hai tiếng hoặc bốn tiếng (câu bát). Tuy vậy có thể gặp lối ngắt nhịp lẻ mỗi nhịp ba tiếng khi trong câu có tiểu đối.

III. Kết bài:

Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ lục bát vẫn chiếm vị trí quan trọng, được nhiều nhà thơ sử dụng và quần chúng yêu thích.

Bài văn mẫu: Thuyết minh về một văn bản: Thể thơ lục bát

Thơ Việt Nam có rất nhiều thể loại: ngụ ngôn, lục bát, song thất lục bát, Đường luật, thơ tự do… Trong đó, thơ lục bát đã đi sâu vào tâm hồn người Việt Nam và trở thành máu thịt gắn liền với cuộc sống lao động của người nông dân xưa.

Thể thơ Lục Bát có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử văn học nhân loại. Có nhiều ý kiến cho rằng thơ lục bát xuất hiện từ cuối thế kỉ XV; là bắt nguồn từ các câu ca dao; tục ngữ; đồng dao của người nông dân; người lao động để xua tan mệt mỏi; hứng thú hăng say lao động. Trải qua hàng nghìn năm phát triển thơ lục bát cũng ngày càng hoàn thiện hơn; khuôn mẫu hơn và có những biến chuyển cho phù hợp với tiêu chí thơ ca, trở thành nét đặc sắc rất riêng của người Việt Nam.

Về cấu tạo, thơ lục bát gồm một cặp câu 6 tiếng và 8 tiếng, khi trình bày câu lục (câu 6 tiếng) thụt vào một ít so với câu bát (câu tám tiếng). Số dòng trong thơ lục bát không bị hạn định. Thể thơ lục bát vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng, tiếng cuối cùng của câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng thứ tám câu bát gieo với tiếng cuối câu lục tiếp theo.

   Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè
   Nhớ cờ thượng mã đua xe
Nhớ bát nước chè nhớ tổ đường non
   Nhớ khi cá trích y con
Thịt heo y khổ lòng còn ước mơ
   Nhớ khi rau muống đầy bờ
Nhớ nải chuối chát nhờ hồ rau răm
   Nhớ khi lễ, Tết, mùng năm
Đạp xe ra phố mua dăm bánh mì
   Trầu hương lại với cau chì
Thịt heo ở giữa bánh tét thì hai bên

Luật bằng – trắc trong thơ lục bát là:
– Câu lục: tiếng (2 – 4 – 6): bằng – trắc – bằng
– Câu bát: tiếng (2 – 4 – 6 – 8): bằng – trắc – bằng – bằng

Nhịp trong thơ lục bát thông thường là ngắt nhịp chẵn, mỗi nhịp hai tiếng hoặc bốn tiếng. Tuy vậy có thể gặp lối ngắt nhịp lẻ mỗi nhịp ba tiếng khi trong câu có tiểu đối.

   Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muốn nhớ cà dầm tương
   Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Hay

   Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Thơ lục bát là thể thơ được sử dụng khá nhiều trong cả văn nói lẫn văn viết bởi khả năng sử dụng linh hoạt; ý nghĩa câu từ phong phú; đơn giản; không kén người đọc; người nghe; người sáng tác. Thơ lục bát xuất hiện nhiều chiều trong cuộc sống từ sinh hoạt đến vui chơi; giải trí; lao động. Thơ lục bát là tiếng nói hạnh phúc; ngọt ngào của tình yêu đôi lứa:

   Đưa tay em ngắt cọng ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ

Và đó còn là những giọt tâm sự sâu cay của người phụ nữ trong xã hội bạc bẽo:

   Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước hạt ra ruộng cày

Hay

   Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Hay

   Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Thơ lục bát là tiếng nói trữ tình của người dân Việt Nam; thể hiện biết bao ước mơ về một cuộc sống ấm no; bình đẳng. Những tác phẩm thơ lục bát nổi tiếng vẫn còn nguyên giá trị có thể kể đến như: Truyện Lục Vân Tiên; Truyện Kiều hay những câu ca dao, hát ru chan chứa nghĩa tình.

Ngày nay, trong thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ lục bát vẫn chiếm vị trí quan trọng, được nhiều nhà thơ sử dụng và quần chúng yêu thích bởi tính dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.

Leave a Comment