Bàn luận về ý kiến: Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có trị lịch sử to lớn…

Đề bài: Có ý kiến đánh giá: “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có trị lịch sử to lớn, một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích với lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”. Hãy bàn luận về ý kiến trên.

Dân tộc Việt Nam ta qua bao năm gian lao, luôn phải vượt qua, đối mặt với những kẻ thù vô cùng nguy hiểm trong cuộc đấu tranh giành độc lập nhưng không hề có một giây phút nản chí mà luôn kiên cường chiến đấu tạo nên những vang dội lịch sử. Nhân Cách mạng tháng Tám thành công, về hoàn cảnh rộng và hẹp cũng rất thuận lợi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình – lịch sử.

Bản Tuyên ngôn đó như một lời tuyên bố mở ra một thời kì mới cho dân tộc Việt Nam. Có người cho rằng: “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có trị lịch sử to lớn, một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích với lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”. 

Xem thêm>>> Phân tích tinh thần dân tộc Việt Nam qua những chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam

Tuyên ngôn chính là sự kết tinh của trí tuệ thời đại
Tuyên ngôn chính là sự kết tinh của trí tuệ thời đại

Thật vậy, bản Tuyên ngôn chính là sự kết tinh của trí tuệ thời đại, đó cũng chính là những hi vọng, cố gắng và những sự tin tưởng của dân tộc Việt Nam.

  Vào ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội từ Việt Bắc. Người soạn thảo bản Tuyên ngôn tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội rồi sau đó, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước 50 vạn đồng bào. Như một mốc son chói lọi, sự kiện đầy trọng đại ấy đã đặt một dấu ấn sâu sắc vào lịch sử Việt Nam. Song, ta không thể cảm nhận và hiểu được hết tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tác phẩm Tuyên ngôn nếu không nhớ lại sự căng thẳng, nghiêm trọng của chính trị cách đây hơn nửa thế kỉ.

Vì vậy, bản Tuyên ngôn còn đóng một vai trò hoàn tất một sứ mệnh lịch sử. Chính sự ra đời kịp thời của bản Tuyên ngôn Độc lập đã ngăn chặn âm mưu trở lại xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp cũng như chặn được những ý đồ muốn nhúng tay, can thiệp vào Việt Nam của các đế quốc khác. Bản Tuyên ngôn chính là sự mở đầu, là phát súng đầu tiên cho làn sóng giải phóng thuộc địa ở châu Á, khẳng định chủ quyền, nâng tầm địa vị của dân tộc ta lên một bước mới trên trường quốc tế.

Xem thêm>>> Phân tích quá trình hồi sinh của Tấm trong truyện “Tấm Cám”

Bản Tuyên ngôn cũng chính là dấu chấm hết 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, năm năm cướp bóc, giày xéo của phát xít Nhật và nghìn năm của chế độ phong kiến. Mang ý nghĩa to lớn như vậy, Tuyên ngôn Độc lập đã thực sự khai sinh ra một nước Việt Nam mới, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do không xiềng xích cho dân tộc ta.

   Không những mang trong mình những giá trị to lớn như đã được nhắc đến ở trên, bản Tuyên ngôn về mặt văn học còn là một bản văn chính luận tiêu biểu và rất xuất sắc. Nó chính là thành quả của niềm khao khát tự do, độc lập cháy bỏng của dân tộc Việt Nam đã được tích tụ qua hàng ngàn năm. Vậy nên, áng hùng văn – tác phẩm được coi là tiến nói chân lí của thời đại – được kết tinh bởi trí tuệ và tâm huyến của Hồ Chí Minh này đã mạnh mẽ chinh phục được người đọc.

Đây cũng chính là vẻ đẹp đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập được tạo bởi những phẩm chất tiêu biểu ấy. Hiếm khi có tác phẩm chính luận nào trong văn học từ xưa tới nay vừa có bố cục ngắn gọn vừa súc tích được như vậy. Bản Tuyên ngôn chừng như chỉ tập trung vào hai vấn đề lớn. Đó là hoàn toàn phủ nhận quyền của thực dân Pháp tới Việt Nam và khẳng định quyền độc lập cũng như sự quyết tâm bảo vệ quyền độc lập ấy. Với mục tiêu rõ ràng ấy, các ý tưởng, kiểu câu hỗ trợ, củng cố cho hai ý chính đó đều tuân theo nguyên tắc rất mạch lạc, ngắn gọn và sáng sủa.

   Vốn văn kiện lịch sử này không chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn là trước thế giới. Đó cũng chính là thái độ của chúng ta trước kẻ thù nên ở phần mở đầu. Người đã đem dẫn chứng là hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của hai cường quốc Pháp và Mĩ rồi từ đó suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc cũng như quyền con người, quyền công dân – bằng cách sử dụng lí lẽ đó, không ai có thể chối cãi được.

Xem thêm>>> Nghị luận xã hội về ước mơ và tham vọng của con người

Vậy nhưng, trong khoảng thời gian hơn 80 năm, thực dân Pháp nào đâu có đếm xỉa tới lẽ phải ấy. Chúng còn lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta. Hành động giả tạo của chúng chính là sự chà đạp, đi ngược lại với chân lí, đạo lí và chính nghĩa của những lời tuyên ngôn mà chính Cách mạng Pháp đã nêu ra.

Không chỉ dừng lại ở việc tố cáo những tội ác của thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh còn vạch trần bộ mặt thật – bộ mặt phản bội của chúng và khẳng định một cách dứt khoát, rõ ràng quyền tự do, độc lập đáng có của dân tộc Việt Nam.

   Những lí lẽ và bằng chứng đưa ra đều được sắp xếp theo một cấu trúc có hệ thống với lập luận rất chặt chẽ, không hề mềm dẻo mà đanh thép. Những lí lẽ ấy chống lại những ngụy biện của bọn thực dân cũng như những mưu đồ xâm lược của các lực lượng đế quốc. Và những lí lẽ để chống lại giặc ngoài ấy nhằm để giữ vững chính quyền – chính là vấn đề tối quan trọng đối với vận mạng của dân tộc ta thời bấy giờ.

Bản Tuyên ngôn không được mở đầu bằng những truyền thống chống ngoại xâm từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê,… mà bắt đầu bằng chính những nguyên tắc của các nước tư bản, đặc biệt là các nước thuộc phe Đồng minh. Với cách lập luận đó, Người không những bày tỏ sự tôn trọng thành quả văn hóa của nhân loại mà còn ngầm nhắc nhở các cường quốc ấy phải tự ngẫm lại bản thân và thừa nhận quyền độc lập của Việt Nam.

Và để dập tắt ý định quay trở lại thống trị đất nước ta đang nhen nhóm của thực dân Pháp, tác giả đã một lần nữa rõ ràng vạch ra: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương đế mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực đân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. “(…) Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. (…) Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.”

   Bằng bút viết mạnh mẽ xuất phát từ một trí óc siêu việt, bằng sự thấu đáo tình trạng chính trị sâu sắc, bằng những chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, chân thật, bản Tuyên ngôn đã trở thành một bản cáo trạng đanh thép, mạnh mẽ lên án hành động sai trái, ác độc của thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn đầy thuyết phục như vậy còn nhờ vào sự chính xác và giàu sức biểu cảm của hệ thống ngôn từ.

Điều đó thể hiện ngay ở việc tác giả không chỉ dừng lại sau khi dẫn chứng hai bản Tuyên ngôn của hai cường quốc mà còn suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc và khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Khi nói đến những hành động tàn nhẫn, ác độc của thực dân Pháp, Người viết: “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, “chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu…”, “chúng ràng buộc (…), chúng bóc lột (…), chúng cướp (…), chúng giữ độc quyền (…), chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị…”.

Xem thêm>>> Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Và rồi, khi tuyên bố thoát ly hẳn khỏi thực dân Pháp, những từ được sử dụng trong bản Tuyên ngôn vừa chính xác, vừa có tính chọn lọc: “xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về (chứ không phải với) nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam…”. Hơn nữa, cách sử dụng rất nhiều nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ đã nhấn mạng và gợi được xúc cảm, từ đó tác động đến nhân tâm, thúc đẩy người nghe hiểu ra và công nhận những chân lí được nêu ra.

Với cách sử dụng văn từ rất chuyên nghiệp, sắc sảo như vậy, tác giả đã khẳng định được trình độ nghệ thuật xuất sắc của mình và đồng thời nâng tầm bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một áng văn mẫu mực của thể văn chính luận.

Mặc dù thời gian trôi qua đã hơn nửa thế kỉ nhưng điều đó không hề phủ lớp bụi thời gian lên bản Tuyên ngôn Độc lập. Bản Tuyên ngôn vẫn luôn là một văn kiện có ý nghĩa, giá trị lịch sử rất lớn lao và là một tác phẩm mẫu mực về chính luận. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình – đó là mở đầu kỉ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Download “Bàn luận về ý kiến: Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có trị lịch sử to lớn”

open – Downloaded 887 times –

Xem thêm>>> Phân tích bức tranh mùa thu qua bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến