Đề bài: Hãy phân tích cảnh vật, cảnh người trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Trong nền văn xuôi nước ta, Thạch Lam được coi là một cây bút xuất sắc biết khai thác chất thơ trong cuộc sống bình dị hàng ngày. Như nhà văn Nguyễn Tuân nhận định: “Văn Thạch Lam đã đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu”.
Thật vậy, những tác phẩm của Thạch Lam phần nào làm cho tâm hồn con người thêm phong phú hơn, trong sạch hơn. Một trong những bằng chứng xác thực nhất đó chính là tác phẩm Hai đứa trẻ.
Gia đình Liên và An từng ở Hà Nội nhưng rồi phải chuyển tới sống tai một khu phố huyện nghèo bởi cha bị mất việc. Như bao ngày khác, Liên và An được mẹ giao cho trông coi cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình. Và cũng như bao ngày khác, Liên và An luôn chứng kiến cuộc sống vất vả nghèo khó của mẹ con chị Tí, của gia đính bác Xẩm, của bà cụ Thi và bác phở Siêu,… Nghèo khổ, lam lũ như vậy nên Liên và An, và bao người khác nơi phố huyện lụp xụp vẫn luôn hàng ngày chờ chuyến tàu từ Hà Nội về.
Xem thêm>>> Phân tích nhân vận Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân
Tàu ngày đông ngày vắng song không ai không đợi. Dù không có ai trên chuyến tàu mua hàng hay cho tiền, con người nơi phố huyện chỉ thật sự đi ngủ khi đã được thấy chuyến tàu đi qua. Bởi lẽ, đợi tàu đã là một thói quen, là một “ niềm đam mê” của họ. Khung cảnh phố huyện sau khi tàu đi lại trở về với sự tĩnh mịch, u buồn vốn có của nó.
Tác phẩm Hai đứa trẻ vừa là truyện ngắn về hiện thực phố huyện nghèo, vừa là một bài thơ trữ tình trầm buồn. Khung cảnh nơi phố huyện nghèo hiện lên là buổi hoàng hôn của một phiên chợ đã tàn:
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước ngõ đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi, một buổi chiều êm ả như ru …”
Màu sắc phố huyện buổi hoàng hôn như sẫm lại qua tông màu đỏ, hồng rồi tới đen. Không chỉ miêu tả qua màu sắc, Thạch Lam còn chú trọng tới cách sử dụng những tính từ “sắp tàn”, “êm ả” cũng như cụm so sánh “đỏ rực như lửa cháy”. Đỉnh cao của Thạch Lam là không dùng nhiều từ mà chỉ chú ý cắt gọt, mài giũa câu từ để đạt tới trình độ sắc bén, tinh tế.
Ông không tô điểm làm duyên một cách cầu kỳ kiểu cách mà vẫn đảm bảo tính giàu hình ảnh, nhạc điệu, lại vừa uyển chuyển tinh tế đúng như Vũ Ngọc Phan đã nói. Tông màu “tối dần” của Thạch Lam như tạo ra một bóng tối nhấn chìm khung cảnh nơi phố huyện xơ xác này lại càng xơ xác hơn. Thật tài tình làm sao! Chỉ là màu sắc, chỉ là vài tính từ thôi mà chúng ta như đã cảm nhận thấy một phố huyện khi tàn.
Cảnh ngày tàn, cảnh chợ tàn thì không thể không nói tới những kiếp người tàn tạ. Cảnh vật hiện ra đã tiêu điều nay con người xuất hiện cũng éo le làm sao. Liên và An với cửa hàng nhỏ xíu, “dán nhật trình”, “ế ẩm”. Không chỉ vậy, ta còn chứng kiến chi tiết Liên lấy bàn tính ra tính tiền hàng bán cả ngày rồi lại lãng lẽ cất đi mà nói: “Thôi để mai tính một thể”.
Xem thêm>>> Phân tích bài thơ “Hầu Trời” để thấy được cái tôi của nhà thơ Tản Đà
Đúng với phong cách của Thạch Lam, chính nhờ chi tiết đó, chúng ta như lại càng thấu hiểu hơn con người nơi nghèo khó. Không phải vì Liên không biết tính mà vì Liên cảm thấy tính không bõ. Cả ngày bán được có hai bánh xà phòng đã là ít, mà thực tế lại chỉ có một bánh rưỡi! Nó ít ỏi, dang dở như ước mơ con người nơi phố huyện này vậy. Chị Tí và con thì chỉ có một cái hàng nước mà lại còn “sơ sài”.
Mang tiếng là vất vả, một ngày làm đến hai việc mà cũng chả khấm khá là bao. Bác Siêu thì có gánh phở, nghe có vẻ sang nhưng khốn nỗi lại ở nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thì biết bán cho ai. “Manh chiếu rách” cùng “thau rỗng” lại chính là nơi mà cả gia đình bác Xẩm kiếm sống qua ngày. Nghĩ kiếp ăn mày, ngồi yên mộ chỗ là sướng thì hãy nhìn gia đình bác Xẩm.
Nói trớ trêu ở đây thì là “Ăn mày nhầm chỗ”! Liệu, một nơi mà xơ xác như cái phố huyện kia thì có ai đủ tiền để mà hào phóng ngồi nghe hát xẩm, để rồi rút tiền đi cho một cách dễ dàng như vậy chứ. Đến trẻ con là tuổi ăn tuổi chơi mà nay nơi phố huyện này, chúng chỉ là những người đi nhặt rác. Không có công cũng chẳng có lương, mong tìm được “thanh nứa” “thanh tre” để khuây khỏa cho qua những ngày nhàm chán.
Cụ Thi – người duy nhất nở được một nụ cười xuyên suốt cả truyện nhưng đáng buồn thay, cụ bị điên… Cái hy vọng duy nhất trong cái phiên chợ tàn kia lại xuất phát tự một người điên, và kết thúc… cũng vẫn là của người điên! Than ôi! Những kiếp người nghèo khó biết nhường nào! Một lần nữa, không phóng khoáng về số lượng từ song Thạch Lam đã nhào nặn nên những con người rất đỗi nghèo khổ, nặng lo cơm áo mong một ngày mai đổi thay.
Thật vậy, Thạch Lam không nói: “Họ rất nghèo khổ” mà ông chỉ lẳng lặng miêu tả cách kiếm sống của từng người. Qua đây, Thạch Lam cũng ngầm thể hiện một niềm xót thương da diết với cảnh người tàn tạ: Họ có thể đang sống đấy, nhưng đâu biết số phận ngày mai sẽ ra sao. Không vòng vo, không quá trau truốt, đó mới chính là Thạch Lam.
Xem thêm>>> Phân tích bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu
Vốn là một truyện ngắn trữ tình, lại là một nhà văn tài giỏi trong “Tự lực văn đoàn”, Thạch Lam nào có thể chỉ là đơn thuần miêu tả một bức tranh phố huyện nghèo khó. Thật vậy, xuyên suốt tác phẩm là tâm trạng của Liên – cô gái nhỏ dịu dàng, mơ mộng với nỗi buồn mênh mông và niềm khao khát cuộc sống hạnh phúc, sáng tươi.
“Đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”
Tác phẩm khép lại trong sự tĩnh mịch và đầy bóng tôi, để lại nhiều dư âm, để lại nhiều cảm xúc. Kết thúc tác phẩm mà người đọc người nghe vẫn còn cảm thấy nuối tiếc, vẫn còn muốn “thêm”. Bởi lẽ nói là truyện mà nội dung lại không có chuyện, lại không có tình huống, chỉ như một cái ao phẳng lặng, chỉ có đôi chút gợn sóng.
Tuy vậy, tác phẩm Hai đứa trẻ lại là một trong những truyện ngắn để đời nhất. Viết về những cái đẹp ấy, những trang văn của ông đã thực sự làm cho làm người thêm phong phú và trong sạch hơn.