Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu

Đề bài: Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu một nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam. Những tác phẩm văn chương của ông được đón nhận bởi đông đảo độc giả. Với những tác phẩm đã trở thành kiệt tác của nền văn học. Văn thơ của ông không hề cầu kỳ, chau chuốt. Thay vào đó là những ngôn từ mộc mạc giản dị. Thế nhưng những vần thơ ông viết nên lại đem lại sự gần gũi, thân quen.

Những tác phẩm của ông đã trở thành một phần đời sống của những người dân Nam Bộ. Và một trong những tác phẩm nổi tiếng để đời của ông là “Lục Vân Tiên”. Hôm nay chúng ta hãy phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm này của ông.

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu
Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu

“Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một đoạn trích kể về hành động nhân nghĩa. Chống lại kẻ xấu giúp đỡ người bị nạn một cách vô tư không hề e sợ của Lục Vân Tiên. Phẩm chất của Lục Vân Tiên được thể hiện trong đoạn trích cực kỳ cao đẹp. Một hành động nghĩa hiệp giúp người mà không hề tính toán đến chuyện báo ân nghĩa.

Đoạn trích cũng xây dựng được hình ảnh nhân vật Kiều Nguyệt Nga vô cùng đặc sắc. Là một tiểu thư khuê các hiền thục, một người con có hiếu, trọng ân nghĩa.

Mở đầu đoạn trích là hình ảnh của một Lục Vân Tiên. Với những hành động ra tay trừ bạo, đánh lại kẻ hung đồ gây hại cho người dân lương thiện. Chuyện bất bình xảy ra, Lục Vân Tiên nhanh chóng bẻ cây làm gậy xông vào. Đây là một hành động đẹp của một anh hùng trượng nghĩa, có một tấm lòng cao cả đáng trân trọng.

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ”

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Câu thơ miêu tả cảnh Lục Vân Tiên gặp lũ cướp hung đồ đang đang cướp bóc người dân. Không cần suy nghĩ nhiều bẻ cây làm gậy thành vũ khí Lục Vân Tiên xông tả hữu đột quyết liều thân mình để bảo vệ người bị hại. Mọi việc diễn ra nhanh chóng tức thì, không hề suy nghĩ tính toán.

Hành động “bẻ cây làm gậy” đánh lại kẻ thù là một hành động chỉ có thể có được ở một người trượng nghĩa như Lục Vân Tiên. Không phải giáo mác gươm đao mà là gậy để chống lại những kẻ cướp đang dùng dao kiếm có thể gây hại đến tính mạng của Lục Vân Tiên bất cứ lúc nào.

Câu nói của Lục Vân Tiên nhắm thẳng vào kẻ hung ác, chẳng khác nào lời đe dọa. Sự dũng cảm, hiệp nghĩa quyết bảo vệ cuộc sống người dân lành của Lục Vân Tiên đã được thể hiện rõ nét. Không chỉ có lòng thương người, mà Lục Vân Tiên thực sự là con người của chính nghĩa, hào hiệp. Và những câu tiếp theo thể hiện Lục Vân Tiên là một anh hùng đích thực, rất tài giỏi.

“Vân Tiên tả đột hữu xông

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang

Lâu la bốn phía vỡ tan

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay

Phong Lai trở chẳng kịp tay

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”

Hình ảnh Lục Vân Tiên xông tả hữu đột được Nguyễn Đình Chiểu miêu tả sánh ngang hình tượng người anh hùng Triệu Tử Long phá vòng Đương Dang. Trước sức mạnh của Lục Vân Tiên, lũ cướp bị đánh tan tác ” lâu la bốn phía vỡ tan”. Chúng sợ hãi đến nỗi chạy bỏ gươm ở lại. Tên cướp cầm đầu Phong Lai bị Lục Vân Tiên cho một gậy chí tử “thân vong”. Rõ ràng hành động của Lục Vân Tiên là hành động của một anh hùng, rất quyết liệt và không hề khoan nhượng với kẻ ác. Nhưng đối với người bị nạn, Lục Vân tiên lại rất ân cần hỏi han, phải phép.

“Dẹp rồi lũ kiến chòm ong

Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này”

Không chỉ ra tay cứu giúp người bị nạn mà chàng còn hết lòng quan tâm đến họ. Thể hiện ngay qua lời hỏi thăm ân cần, và động viên, giúp người bị nạn trấn tĩnh lại tinh thần sau cơn hoảng loạn bằng việc thông báo cho họ biết tình hình bên ngoài. Rằng những lũ “kiến chòm ong” đã bị tiêu diệt, cũng tức không còn bất cứ sự nguy hiểm nào có thể đe dọa nữa.

Và phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên cũng tiếp tục được bộc lộ khi chàng có cuộc đối thoại với người bị hại, cũng tức Kiều Nguyệt Nga. Khi Kiều Nguyệt Nga có ý định bước ra khỏi kiệu để cúi lậy Lục Vân Tiên vì công cứu mạng thì chàng nhất quyết không chịu nhận:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai”

Câu nói thể hiện sự trọng đạo lý, lễ giáo của Lục Vân Tiên trong xã hội xưa. Lục Vân Tiên hiểu được trong kiệu kia là một tiểu thư đài các. Không thể nào bỏ qua lễ giáo để cúi lạy mình, vì sẽ ảnh hưởng tới nhân phẩm của nàng. Đây cũng là quan niệm của lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”. Giữa người con gái và người con trai không được tùy tiện phải có khoảng cách nhất định.

Lời nói của Lục Vân Tiên cũng thể hiện chàng là một con người có học thức. Còn đặt lời nói ấy trong xã hội ngày nay thì ta lại thấy có cái gì đấy đáng yêu ở chàng trai này. Nhưng mục đích của Lục Vân Tiên không chỉ vì lễ tiết mà chàng cũng không muốn nhận sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga. Bởi hành động cứu giúp của chàng là xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì mục đích vụ lợi gì. “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, câu nói của chàng với Kiều Nguyệt Nga càng làm cho con người chàng trở nên đáng trân trọng hơn.

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Trong quan niệm của Lục Vân Tiên thì những việc nhân nghĩa là tất yếu. Và nếu làm ơn mà trông ngóng việc trả ơn thì không phải người anh hùng “Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong bài thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Chúng ta thấy được hình ảnh một Lục Vân Tiên đầy khí chất của một người anh hùng chân chính, hiệp nghĩa. Một người quyết xả thân mình chống lại cường bạo một cách mạnh mẽ không khoan nhượng. Nhưng lại là một con người ân cần chu đáo có học thức, biết giữ lễ nghi phép tắc.

Xem thêm:
– Phân tích câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
– Phân tích câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”
– Phân tích và nói lên những cảm nhận về bài thơ “Viếng Lăng Bác”