Đề bài: Phân tích bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận.
Huy Cận là một nhà thơ chứa đựng rất nhiều nỗi niềm, những nỗi băn khoăn về nhân sinh thế. Những tác phẩm của Huy Cận thường nói về số phận của con người, với những nôi âu lo trăn trở. Một lần Huy Cận Đến với chùa Tây Phương, đứng trước các vị La Hán trong chùa Huy Cận đã thể hiện nỗi lòng của mình qua một bài thơ. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau phân tích bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận.
Mở đầu bài thơ như là một lời chào, rồi lại như một lời từ biệt. Trong lòng của tác giả khi cất bước ra về vẫn còn những vấn vương trong lòng.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Mặc dù nhà thơ Huy Cận đặt chân lên đất phật thanh tịnh. Nhưng trong tâm hồn của nhà thơ chẳng có chút nào là thanh thản. Tâm trạng đó được bộ lộ rõ rệt, khi đọc lên hai câu thơ sau. Vẻ mặt đau thương được gợi lên từ các bức tượng vị La Hán.
Há chẳng phải đây là xứ Phật?
Mà sao ai nấy mặt đau thương,
Mặc dù không phải là một nghệ nhân điêu khắc. Thế nhưng những lời thơ của Huy Cận dường như đã khắc họa được hình ảnh của những bức tượng La Hán, chân thực và sống động như dưới chính bàn tay nghệ nhân. Đường nét của những bức tượng thực tỉ mỉ, đường nét từ gương mặt đến vóc dáng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những bức tượng đó vẫn thể hiện những sự đau khổ, khắc khoải của con người trần thế, của cõi đời và trầm luân của kiếp chúng sinh. Tác giả đi đi vào miêu tả chi tiết từng pho tượng một.
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Bức tượng đầu tiên được khắc họa bằng một dáng hình tiều tụy gầy gò, khổ hạnh tựa như một cái xác ướp khô. Tay chân phơi ra trần trụi khô héo, gầy đến nỗi tưởng như không cần một mồi lửa nào cũng tự mình bốc cháy được. Thế nhưng trong tấm thân gày gò ấy lại chở một nỗi đau quá lớn, quá nặng. Tâm hồn không thanh thản được nên đôi mắt cũng quầng sâu. Và bức tượng ấy cứ ngồi từ bấy cho đến giờ tĩnh lặng, bất động, vĩnh viễn giữa không gian, thời gian. Với thế ngồi như thế đã cho thấy bức tượng đang đắm chìm vào những suy tưởng miên man, khổ đau. Những suy tưởng ấy hành hạ ông, dày vò ông, làm cho ông mất đi sự thanh thản trong tâm hồn và vẻ tự nhiên trên nét mặt.
Xem thêm: Nghị luận về bài thơ “Khuyên thanh niên” của Hồ Chí Minh
Khác với bức tượng thứ nhất, bức tượng thứ hai được miêu tả bằng sự vận động đến vất vả như muôn thoát ra khỏi không khí tù đọng, ngột ngạt bế tắc của xã hội cũ.
Có vị mắt giương mày nhíu xệch Trán như nổi sóng biển luân hổi Môi cong chua chát tâm hồn héo Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Pho tượng đang chuyển động một cách dữ dội. Tác giả đã sử dụng một loạt từ ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm để diễn tả sự bức bối, quằn quại khổ đau của pho tượng. Vị La Hán này mắt thì giương to nhìn trừng trừng vào khoảng không gian vô tận. Trán thì nổi gân như sóng biển luân hồi. Môi thì cong lên chua chát. Tay thì nắm chặt làm cho những đường gân như muôn bật ra ngoài, làm cho mạch máu sôi lên sùng sục. Tất cả những điều ấy như chứa đựng một khát khao mạnh mẽ, sôi sục. Đó là sự trở mình để tìm một con đường, một lôi thoát nhưng không tìm được. Sự bế tắc ấy làm cho tâm hồn bế tắc tuyệt vọng, làm cho cơ thể biến dạng một cách khắc khổ, gớm ghiếc.
Pho tượng thứ ba được tác giả viết nên với sắc thái khác biệt, riêng biệt rất độc đáo.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.
Vị La Hán này đang lắng nghe cái sự đời, lắng nghe một cách thụ động, và dường như đang dấu mình trước cuộc đời bể dâu. Vị La Hán cuộn tròn lại muốn được che chở, bao bọc để đầu thai vào kiếp khác. Phải chăng cái kiếp khác đó sẽ có những điều thi vị, làm được nhiều điều ý nghĩa hơn cái kiếp đời dang dở đầy khổ cực này. Vậy nhưng cái xã hội đó, thời cuộc đó ông muôn yên ổn cũng không xong, khi mà bên tai ông luôn vẳng lại những chuyện buồn vui của thế gian. Tác giả đã rất tài tình khi khắc họa đôi tai to lớn, rộng dài khác thường của vị La Hán này – của con người muôn trốn khỏi cuộc đời nhưng không trốn nổi vì trong mình đã trót mang lấy cái khổ lụy của trần gian. Ông không thể làm ngơ trước tiếng kêu thương ai oán của chúng sinh.
Xem thêm: Phân tích hình ảnh nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao
Cả ba bức tượng gợi lên vẻ riêng của ba con người luôn đau nỗi đau đời, nỗi đau nhân tình thế thái. Nhưng đến đoạn sau, không còn riêng bức tượng nào mà là rất nhiều các vị.
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Lúc này nhà thơ miêu tả một quần thể các pho tượng chung. Một bức tranh đen tối của cuộc sống trăm bề khổ, bế tắc, đầy cách trở đến nỗi ngột ngạt dữ dội. Cuộc đời đó hiện lên không phải là một điều gì đó bằng phẳng, mà là đầy sự cách trở, chẳng khác nào một vực thẳm kinh hoàngđầy bóng tối, gió đen và giông bão bao phủ cả bốn phía. Ngọn gió như được lùa về từ chốn âm ty dịa ngục mang nhiều hơi hám độc địa. Đó là ngọn gió của tử khí như muôn nhấn chìm nhân loại xuống vực thẳm. Ngọn gió ấy rung lên giận dữ phản ánh một thời kì đen tối này biến động của đất nước ta trong thời dại cũ. Thời đại ấy làm cho con người đi đâu là mang đau khổ tới đấy, làm cho những bức tượng dù không khóc cũng phải đổ mồ hôi. Đau thương chảy tràn cả trời đất.
Mỗi người một vẻ mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Không khí của thời đại dội vào chùa Tây Phương khiến cho các vị La Hán không thể ngồi yên mà tu hành được nữa. Những pho tượng vô tri vô giác bỗng trở thành những con người mang nặng nỗi đau đời, và chùa Tây Phương biến thành bể khổ trầm luân của nhân loại. Mỗi gương mặt cháy lên một ngọn lửa dữ dội chở đầy đau thương, căm hờn và có cả ngọn lửa của khát vọng được giải thoát. Đó là cuộc họp mặt của những tâm hồn không siêu thoát được nên suốt đời cứ phải vật vã, đớn đau, dày vò, suốt đời không yên ổn được. Cả một thế giới tượng chao đảo, ngả nghiêng quay trở đủ mọi hướng để tìm lối thoát giữa những tâm trạng đầy bi kịch.
Mặt cúi mặt nghiêng mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp.
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Nỗi đau bế tắc, tuyệt vọng càng được khắc họa sâu sắc hơn khi mà các vị đã quay mọi hướng để tìm lời giải đáp cho cuộc đời nhưng không tìm ra. Hỏi đời đời không trả lời, đành phải hỏi trời trời cũng không thấu.
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp.
Câu thơ đột ngột tách ra thành hai dòng tạo nên thế đối lập giữa khát vọng vươn tới sự giải thoát và hiện thực bế tắc, cùng quẫn. Cái bất lực ấy hiện rõ lên trên từng nét mặt đã bao đời khắc khổ, hanh hao, gầy mòn. Và cho đến tận bây giờ gương mặt ấy vẫn không thể thanh thản được, vẫn không thôi trăn trở, nhức nhối suy tư về cuộc đời, về thời đại, về nỗi đau trần thế chưa có gì giải thoát được. Nỗi đau ấy đã run lên trong những bức tượng gỗ có linh hồn.
Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quàn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng sinh.
Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, siêu thoát các bức tượng còn ngoái đầu lại nhìn chúng sinh trong lần chót đầy bi thương, thế rồi trong giây phút ấy họ đã không biến thành Phật được vì tâm hồn còn nặng nợ với cuộc đời, với nỗi đau vạn kiếp. Họ đã luôn đứng ngồi không yên trong mấy thế kỉ qua. Những bức tượng vô tri mà cũng biết đau khiến cho tác giả băn khoăn đi tìm lời giải đáp. Phải chăng đây không phải là chuyện Phật? Phải chăng những bức tượng cũng chính là sự hiện thân bằng xương, bằng thịt của cha ông trong nỗi đau bất lực.
… Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Họ đã khổ đau vì nghịch cảnh giữa hiện thực cuộc sông và khát vọng của họ. Họ biết được “những điều trông thấy” những bể khổ của cuộc đời mà chỉ để “đau đớn lòng” thôi chứ không cứu vớt được nên dẫn đến một tâm trạng bế tắc, tuyệt vọng.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tăm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đau.
Vì đau dời không cứu được đời nên gương mặt của các vị lúc nào cũng cau có, dãn dúm, khắc khổ và trong lòng diễn ra biết bao bi kịch. Cuộc đời quá nặng mà sức lực của các cụ thì có hạn nên đã làm cho hình dáng các cụ gầy còm, tiều tụy, thảm hại và tâm trí các cụ như muôn vỡ tung trước những dằn vặt, suy tư và khát vọng. Những ước muôn hoài bão luôn thôi thúc họ làm một điều gì đó nghĩa lí cho cuộc sông nhưng khốn nỗi cuộc sống cứ trì trệ, tối tăm dậm chân tại chỗ nên họ trở nên héo hon, mòn mỏi. Bao nhiêu hi vọng giờ chỉ còn lại là sự tuyệt vọng. Cái tuyệt vọng ấy hắt lên gương mặt họ một màu ảm đạm, đen tối, nhẫm màu.
Hoàng hôn thế kỷ phủ hao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Hình ảnh hoàng hôn có sức gợi rất lớn. Đã biết bao thế kỷ trải qua, đã có biết bao lớp người phải vẫy vùng trong xã hội phong kiến đầy tội lỗi đau thương mà vẫn không tìm được lối ra, không tìm được ánh sáng của cuộc đời, không tìm được hạnh phúc cho con người? Xã hội ẩy nhìn vào đâu cũng chỉ thấy những điều bất công phi lí. Các vị La Hán muốn tìm lối thoát cho cuộc đời nhưng không phải dễ, Cuộc hành trình mò mẫm của các vị những đường nét nửa như hi vọng, nửa như tuyệt vọng, bế tắc. Và cuối cùng các vị đã đi vào giữa một bi kịch lớn của cuộc đời – bi kịch của nỗi đau đời mà không cứu được đời. Nỗi đau đời ấy đã thực sự được cứu vớt, được soi rọi bằng ánh sáng chói lòa của cuộc Cách mạng tháng Tám. Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận lại quan tâm đến cuộc sông tâm linh của những bức tượng xưa kia, mà nói tượng cũng chính là để nói lòng mình, nói về những bế tắc, tuyệt vọng của Huy Cận ở thời kỳ trước cách mạng. Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn đau thương. Sự gặp gỡ ấy trở nên đồng cảm tri âm.
Xem thêm: Phân tích và nghị luận bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu
Xưa và nay đã khác nhau rất nhiều. Huv Cận được may mắn chứng kiên cuộc giải phóng dân tộc, Phá bỏ mọi xiềng xích nô lệ, quét sạch những tang tóc đau thương, ông không quên gửi lời nhắn nhủ ân tình với các pho tượng về một xã hội đã đổi mới.
Các vị La. Hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Cha ông yểu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương hồng hóa gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây tươi vạn dặm đường xuân.
Trong lòng mang bao gánh nặng ưu phiền, thế nên ngắm nhìn những bức tượng nơi đất phật cũng cảm thấy một bầu trời buồn bã. Nhưng khi có một sự đổi thay về xã hội, nhà thơ Huy Cận cảm thấy dường như mình đang được sống lại. Những nét mặt đau thương, khoắc khoải kia dường như cũng đã trở nên rạng rỡ hơn, tươi hơn. Chỉ có làm chủ, chủ có tự do, chỉ có độc lập chủ quyền, chỉ có cách mạng tất cả mới có thể xóa đi những nếp nhăn đau thương trên khuôn mặt tượng. Giọng thơ ở đây trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, không còn đau buồn nặng trĩu như xưa kia nữa. Những câu thơ cuối không giấu nổi một niềm tự hào trước sự đổi thay của xã hội, của cuộc sông. Tâm hồn u uất của tác giả bỗng trở nên phơi phới, dạt dào cảm xúc.
Bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy cận không phải là một tác phẩm bàn về phật giáo. Mà nó là một sự cảm nhận và suy ngẫm về con người, về dân tộc Việt Nam trong xã hội cũ được biểu lộ qua hình ảnh những pho tượng La Hán. Bài thơ là một tiếng thở dài, những nỗi niềm đau khổ của xã hội khi sống trong cảnh áp bức, bóc lột bế tắc không tìm được lối ra. Bài thơ còn là nỗi niềm hân hoan khi thời đại mới đã đến, đất nước được tự do, khi đó tác giả đã thể hiện niềm vui sướng đến tột cùng.
Xem thêm:
– Cảm nhận của anh chị về đoạn trích Tây Tiến sau
– Cảm nhận về một đoạn thơ đặc biệt nhất trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
– Nghị luận “Vợ nhặt” của Kim Lân để thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc