Đề bài: Làm rõ tình yêu chân thành của người con gái trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ của bà mang tình cảm tha thiết và đầy chân thành trong tình yêu. Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ mang những cảm xúc của tình yêu, nhẹ nhàng và dạt dào như sóng. Thể hiện lòng yêu của người con gái Việt Nam cất lên giữa cuộc kháng chiến ác liệt.
Xem thêm>>> Phân tích tác động giọt nước mắt của A Phủ đến sự thức tỉnh của Mị
Nhan đề “Sóng” chính là một hình ảnh ẩn dụ. Nhân vật trữ tình trong tác phẩm đã mượn sóng nước để nói về sóng lòng khi yêu. Sóng còn có những lúc hóa thân vào cô gái để nói về tình yêu và khát vọng. Mở đầu bài thơ, tác giả đã nói về hình tượng sóng hay cũng chính là tâm hồn người con gái khi yêu.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.”
Trong bốn câu thơ trên, nhà thơ đã sử dụng những cặp từ trái ngược nhau “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ” để miêu tả về trạng thái khác thường khi người ta yêu. Tuy trái ngược nhau là vậy nhưng nối giữa chúng lại là từ “và”.
Điều đó cho ta thấy khi yêu, ta thường có những xúc cảm khác nhau, chúng không tách rời mà lại song song tồn tại. Xuân Quỳnh đã mượn quy luật của song để nói về quy luật tình cảm với những nét đối lập nhưng lại thống nhất. Đó cũng chính là sự sôi nổi mãnh liệt nhưng lại đầy dịu dàng và e ấp của tình yêu.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ với sóng lòng chan chưa, dạt dào rung động cũng không thể hiểu nổi bản thân. Cô khao khát và mong muốn tìm hiểu chính bản thân mình cũng giống như sóng tìm ra tận bể để lý giải thứ tình cảm lớn lao và mới lạ.
Và tiếp ngay sau đó, Xuân Quỳnh đã miêu tả về khát vọng cháy bỏng về một tình yêu vĩnh hằng của nhân vật trữ tình
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.”
Nhân vật trữ tình mong muốn tình yêu của mình bắt đầu từ “ngày xưa” và vẫn có thể tiếp tục cho đến tận “ngày sau”. Đó là tấm lòng thủy chung trước sau như một. Nối liền khát vọng từ quá khứ đến tương lai cũng giống như sóng muôn đời dào dạt, thì tình yêu của cô cũng sẽ là tình yêu mãi mãi.
Xem thêm>>> Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
Thứ tình cảm ấy khát vọng và cháy bỏng, rạo rực và bồi hồi bới nó gắn với thanh xuân với tuổi trẻ. Nó gắn với những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời mỗi người.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Những trăn trở của sóng hay cũng là của tình yêu khi em nghĩ về anh, nghĩ về biển lớn. Đó là tâm trạng của một người con gái sâu sắc và có một tình yêu không vị kỉ, cô nghĩ cho người yêu trước tiên rồi mới đến bản thân mình và cuối cùng là nghĩ tới cuộc đời rộng lớn. Cô tự đặt ra cho bản thân câu hỏi “Từ nơi nào sóng lên?” cũng giống như đang thắc mắc về nơi bắt đầu của tình yêu cô. Đó là nhu cầu tìm hiểu và lý giải tình yêu.
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.”
Cô muốn mượn quy luật tự nhiên để lý giải về tình yêu nhưng bất thành. Sóng bắt đầu từ gió nhưng gió bắt đầu từ đâu? Đó là những câu hỏi mà không ai có thể lý giải được. Tình yêu cũng như vậy, không ai có thể trả lời chính xác thời điểm họ yêu, không ai có thể trả lời họ yêu đối phương vì lẽ gì.
Bởi tình yêu là thứ gì đó thật bí ẩn và cũng thật đẹp bởi sự bí ẩn đó. Tình yêu là thứ ta nuôi dưỡng từ những điều thật nhỏ bé trong cuộc sống. Từng chút từng chút một và để rồi một ngày ta nhận ra à thì ra ta đã yêu, yêu rất nhiều. Tình yêu luôn hiện hữu ở đó, bền lâu và trường tồn giống như những con sóng ngoài khơi, không điểm đầu cũng chẳng có điểm cuối.
Xem thêm>>> Cảm nhận về đất nước qua đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Và rồi nhân vật trữ tình cũng hiểu được rằng tình yêu là thứ không thể lý giải. “Em cũng không biết nữa” giống như lời làm nũng nữ tính và đầy chân thành. Nhân vật trữ tình đầy yêu thương, sâu sắc, nhạy cảm nhưng cũng có những suy nghĩ rộng mở. Đó là một tình yêu không bản năng, không ích kỷ.
Trong những khổ thơ tiếp theo, nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói về nỗi nhớ niềm tin của tình yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.”
Tác giả sử dụng hình ảnh con sóng để miêu tả về các giai đoạn tình yêu. Khi còn yêu thầm nhau thì là con sóng dưới lòng sâu. Và sau khi bày tỏ lại chính là con sóng trên mặt nước. Không chỉ như vậy, khi ta đã yêu nhau thì lòng luôn hướng về nhau, luôn nhớ đến nhau cũng giống như con sóng nhớ bờ.
Nỗi nhớ là thứ luôn gắn liền với tình yêu và cũng chính là thước đo trong tình yêu. Yêu nhiều thì nhớ nhiều, yêu ít nhớ ít và hết yêu thì cũng hết nhớ. Nỗi nhớ ấy vô cùng tha thiết, sâu sắc chất chứa trong ý thức và len lỏi cả vào trong tiềm thức. Nỗi nhớ ấy được so sánh như sóng đêm vẫn luôn “thức” trong những rung động không yên.
Bên cạnh đó, tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ đầy thành công với sóng là em còn bờ là anh. Sóng luôn nhớ bờ giống như em luôn nhớ về anh. Nhớ đến da diết cồn cào ngay cả trong mơ.
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương.”
Nếu như ở những khổ thơ trước, tình cảm của cô gái gắn liền với thời gian vĩnh cửu thì ở đây, tác giả lại nhấn mạnh tình yêu trong không gian rộng lớn. Nỗi nhứ ấy luôn thường trực cả khi thức, lúc ngủ, bao trùm cả lên đa chiều không gian, thời gian.
Xem thêm>>> Nghị luận về tình mẫu tử thiêng liêng trong cuộc đời mỗi con người
Qua đây, dường như Xuân Quỳnh muốn khẳng định bản chất tình yêu là độc quyền và duy nhất. Trong tình yêu ta chỉ có hình bóng nhau, tình yêu là không thể san sẻ và sẽ mãi giữ vị trí quang trọng trong lòng đối phương.
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.”
Tình yêu là gắn liền với niềm tin và hy vọng. Tuy đại dương có to lớn rộng khắp thì nhưng con sóng nhỏ đó vẫn luôn tiến tới bờ. Cũng giống như em, cho dù gặp khó khăn ở cuộc đời vẫn có thể vượt qua được để đến và giữ lấy tình yêu thủy chung.
Và trong hai khổ thơ cuối cùng, nhà thơ đã nói lên khát vọng hiến dâng cho tình yêu vĩnh hằng:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”
Người phụ nữ khi đang yêu dường như luôn ý thức được về sự trôi chảy của thời gian. Hai hình ảnh đối lập nhau nhưng lại đồng nhất, cuộc đời thì dài nhưng thời gian thì cứ mãi trôi qua. Liệu tình yêu có còn tồn tại mãi mãi? Người con gái ấy đặt ra cho mình những thắc mắc và cũng chính từ đó cô lại quyết đêm tất cả để giữ lại tình yêu mãi mãi ấy.
“Làm sao được tan ra
Thành tram con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Dù thời gian có trôi bao lâu nhưng sóng thì vẫn vậy, con sóng vẫn vỗ về bờ mặc cho biển có rộng bao nhiêu. Mây thì vẫn luôn bay với gió để đi xa hơn, mọi thứ, vạn vật đều gắn bó với nhau như thế cớ sao con người lại không thể như vậy?
Con người hoàn toàn có thể gắn bó bên nhau, yêu thương nhau dù phải trải qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời hay thời gian. Khổ thơ cuối này là mong muốn tình yêu được trường tồn mãi mãi. Cô gái ấy ước bản thân mình được tan ra thành tram con sóng nhỏ để nhân lên xúc cảm tình yêu gấp ngàn lần.
Cô như tan hòa trong hạnh phúc của những người đang yêu và quên mình trong niềm tin nỗi nhớ. Cô ao ước, khát khao hóa thân bất tử trường tồn cùng tháng năm mãi về sau. Đó là một ao ước tuyệt đẹp mong tình yêu mãi mãi được như ban đầu.
Với âm hưởng nhẹ nhàng, dào dạt gợi ra những nhịp sóng liền tiếp lúc sôi nổi, lúc sâu lắng đã tạo nên bài thơ “Sóng” về một lòng yêu sôi nổi và chân thành của người phụ nữ muốn trao cho người mình yêu. Đó là một thứ tình yêu vị tha, hồn nhiên, trong sáng và đầy chân thành.
Xem thêm>>> Phân tích đoạn 2 của tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo”