Ngữ văn 12: Lịch sử đặc điểm loại hình và các phong cách ngôn ngữ

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 10. Tổng kết phẩn tiếng việt: Lịch sử đặc điểm loại hình và các phong cách ngôn ngữ

1. Nguồn gốc lịch sử

– Tiếng Việt thuộc nhánh ngôn ngữ Việt – Mường, dòng ngôn ngữ Môn-Khơ-me trong họ Nam Á.
– Lịch sử phát triển của tiếng Việt chia thành 5 thời kì sau:
+ Thời kì dựng nước
+ Thời kì bắc thuộc
+ Thời kì độc lập tự chủ
+ Thời kì Pháp thuộc
+ Thời kì sau Cách mạng tháng Tám

2. Đặc điểm loại hình: Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập có tính phân tiết với những đặc điểm chủ yếu sau:

– Ranh giới giữa âm tiết – tiếng – từ đơn là trùng nhau.
– Tất cả các từ đều không biến đổi hình thái. Chẳng hạn, một từ khi thay đổi ý nghĩa từ vựng, ngữ pháp vẫn giữ nguyên hình thức ngữ âm.
VD: Từ của khi là quan hệ từ (sách của tôi) và khi là danh từ (Lão nhà giàu mất của) hình thức ngữ âm vẫn không thay đổi.
– Phương thức ngữ pháp chủ yếu để biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp trong tiếng Việt là trật tự từ (thay đổi trật tự từ thì ý nghĩa thay đổi) và hư từ (sử dụng các hư từ khác nhau thì ý nghĩa khác nhau). Ngoài ra còn sư dụng ngữ điệu.
VD: Đạp xe khác xe đạp; cửa trước khác trước cửa; quân dân khác dân quân.

3. Các phong cách ngôn ngữ:

PCNN sinh hoạtPCNN nghệ thuậtPCNN chính luậnPCNN báo chíPCNN khoa họcPCNN hành chính
Các loại văn bản tiêu biểu– Ngôn ngữ nói trong giao tiếp hàng ngày.
– Dạng viết: thư từ, nhật kí, tin nhắn…
– Thơ ca, hò vè…
– Truyện, tiểu thuyết, kí…
– Kịch bản
– Cương lĩnh, tuyên ngôn, bình luận, xã luận…– Bản tin, phóng sự, tiểu phẩm, phỏng vấn…– Chuyên luận, luận án, luận văn…
– Giáo trình, sách giáo khoa…
– Sách báo khoa học thường thức…
– Quyết định, báo cáo, biên bản, chỉ thị, nghị quyết…
– Các loại văn bằng chứng chỉ…
– Đơn từ biên nhận, hợp đồng…
Đặc trưng cơ bản– Tính cụ thể
– Tính cảm xúc
– Tính cá thể
– Tính hình tượng
– Tính truyền cảm
– Tính cá thể hóa
– Tính công khai về quan điểm chính trị
– Tính chặt chẽ trong diễn đạt
– Tính truyền cảm, thuyết phục
– Tính thông tin thời sự
– Tính ngắn gọn
– Tính sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn
– Tính trừu tượng khái quát
– Tính lí trí, logic
– Tính phi cá thể
– Tính khuôn mẫu
– Tính minh xác
– Tính công vụ

*. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Vì sao lại có sự hình thành các phong cách ngôn ngữ khác nhau trong giao tiếp ngôn ngữ?
Sở dĩ có sự hình thành các phong cách khác nhau trong giao tiếp ngôn ngữ là do nhu cầu sử dụng ngôn ngữ trong những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau đã hình thành các “vùng” ngôn ngữ khác nhau. Việc lựa chọn những biến thể ngôn ngữ trong từng “vùng” ngày một đa dạng, ổn định và hình thành các dấu hiệu đặc trưng trong cách diễn đạt ngôn ngữ ứng với các chức năng khác nhau trong việc sử dụng ngôn ngữ. Các dấu hiệu ngôn ngữ đặc trưng trong các môi trường giao tiếp khác nhau và ứng với các chức năng giao tiếp khác nhau gọi là phong cách chức năng ngôn ngữ.
“Phong cách chức năng là toàn bộ những biến thế sử dụng các phương tiện ngôn ngữ do chức năng xã hội khác nhau, có tính hệ thống và ổn định trong những môi trường giao tiếp khác nhau, được hình thành trong quá trình phát triển của ngôn ngữ dân tộc” (Nguyễn Thái Hoà – Giáo trình phong cách học tiếng Việt – NXBĐHSP – 2006-tr22)

2. Giao tiếp trong đối thoại khác giao tiếp bằng văn bản như thế nào?

Giao tiếp trong đối thoại khác giao tiếp bằng văn bản ở chỗ:

Giao tiếp trong đối thoạiGiao tiếp bằng văn bản
– Phương tiện giao tiếp thường là ngôn ngữ ở dạng âm thanh
– Sử dụng các từ ngữ đưa đẩy, chêm xen
– Sử dụng lớp từ khẩu ngữ một cách phổ biến
– Thường có sự hồi đáp trực tiếp của người nghe một cách kịp thời
– Nội dung cuộc đối thoại có thể thuộc một đề tài hoặc cũng có khi là nhiều đề tài, đề tài có thể chuyển hướng liên tục.
– Có thể sử dụng các yếu tố phụ trợ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt…
– Phương tiện giao tiếp thường là ngôn ngữ ở dạng chữ viết
– Sử dụng các từ ngữ được trau chuốt, gọt giũa không sử dụng từ ngữ đưa đẩy, chêm xen
– Sử dụng thuật ngữ chuyên ngành và những từ trung hòa về sắc thái biểu cảm và đa phong cách
– Người nghe thường không hồi đáp lại người nói một cách trực tiếp và ngay lập tức
– Đề tài giao tiếp thường tập trung vào một chủ đề chính
– Có thể sử dụng các biện pháp tu từ văn tự như sử dụng các kiểu chữ khác nhau, các dấu hiệu đi kèm như gạch chân, in đậm, viết hoa…

3. Những điểm khác biệt giữa phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với các phong cách khoa học về phương diện sử dụng ngôn ngữ?

Điểm khác biệt giữa phong cách sinh hoạt với các phong cách khoa học, chính luận, hành chính về phương diện sử dụng ngôn ngữ là:
– Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt có những đặc điểm về phương diện ngôn ngữ như sau:
+ Phương tiện ngữ âm: thể hiện rõ nhất những biến thể phát âm mang tính vùng miền, tính cá nhân, những dấu hiệu thể hiện ngữ điệu như: nhấn giọng, lên giọng, xuống giọng, kéo dài giọng…
+ Phương tiện từ ngữ: Sử dụng nhiều tổ hợp mang tính bền vững kiểu như: sợ xanh mắt, nhiều vó thiên lủng, ngon dễ sợ, vui kinh khủng…
Sử dụng nhiều từ láy, đặc biệt trường hợp láy từ: đủng đà đủng đỉnh, õng à õng ẹo,… hoặc trường hợp “iếc hoá” như: sách siếc, học hiếc, túi tiếc,…
Phong cách sinh hoạt cũng cho phép nói tắt trong nhiều trường hợp. Cây (cây số), xuất (xuất ăn)… hoặc sử dụng một lớp từ khẩu ngữ: thước (mét) cân, (kilôgam), mẫu (hecta), cây số (kilômet)…
Sử dụng cách diễn đạt hình ảnh thông qua các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, phóng đại. đồng nghĩa,…
+ Phương diện cú pháp: Câu dùng trong ngôn ngữ sinh hoạt có thể là các phát ngôn chỉ gồm một từ, một cụm từ (- Đã ăn cơm chưa? – Chưa) hoặc là các phát ngôn gồm nhiều mệnh đề lược chủ ngữ.
Sử dụng nhiều từ ngữ chêm xen, đưa đẩy: nói bác bỏ quá, nó khi không phải, nói vô phép, chết nỗi, chết cái….
Phong cách sinh hoạt có 3 đặc trưng là tính cụ thể, tính cá thể, tính cảm xúc.
– Phong cách ngôn ngữ khoa học có những đặc điểm về phương diện ngôn ngữ như sau:
+ Phương diện từ vựng – ngữ nghĩa: Sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, từ ngữ một nghĩa, không mang sắc thái biểu cảm. Các quan hệ từ được dùng nhiều khi trình bày lập luận trong các văn bản khoa học.
+ Phương diện cú pháp: Đề mục trong các văn bản khoa học thường là các cụm từ. Câu trong văn bản khoa học tương đương với một mệnh đề lôgic nên thường không thể tinh lược chủ ngữ, bổ ngữ. Câu văn mang tính chuẩn mực, lí trí nên không sử dụng các biện pháp tu từ cú pháp.
Phong cách khoa học có 3 đặc trưng là: tính trừu tượng, khái quát: tính lôgic, lí trí; tính phi cá thể.

4. Những điểm khác biệt giữa phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với các phong cách khoa học, hành chính?

Điểm khác biệt giữa phong cách nghệ thuật với các phong cách khoa học, hành chính về phương diện sử dụng ngôn ngữ là:
+ Phương diện ngữ âm: Phong cách nghệ thuật sử dụng các phương tiện tu từ ngữ âm như một phương tiện biểu đạt hình tượng và cảm xúc (Ví dụ: điệp âm, điệp vần, điệp thanh điệu, hài thanh, ngắt nhịp trong thơ). Phong cách khoa học và phong cách hành chính không sử dụng các phương tiện và biện pháp tu từ với mục đích đó.
+ Phương diện từ vựng – ngữ nghĩa: Phong cách nghệ thuật sử dụng các từ ngữ như một phương tiện biểu đạt nội dung với nhiều tầng nghĩa, mang tính hình tượng, biểu cảm cao. Trong khi đó, phong cách khoa học và phong cách hành chính thường sử dụng các từ ngữ đơn nghĩa, trung hoà về sắc thái biểu cảm, mang tính chính xác, lôgic, thiên về những biểu đạt mang tính lí trí.
+ Phương diện cú pháp: Câu trong văn bản nghệ thuật được diễn đạt khá tự do, phóng khoáng, có thể sử dụng nhiều kiểu cấu trúc đặc biệt. Phong cách nghệ thuật chấp nhận nhiều “cách tân” trong diễn đạt cũng như sử dụng từ ngữ. Còn văn bản khoa học, văn bản hành chính đòi hỏi sử dụng những câu văn chuẩn mực như một mệnh đề (phong cách khoa học) hoặc những kiểu cấu trúc mang tính khuôn mẫu (phong cách hành chính).

5. Vì sao phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách nghệ thuật lại mang tính cá thể?
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách nghệ thuật mang tính cá thể vì: Ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt không bị khống chế bởi tính khuôn mẫu như ngôn ngữ hành chính. Ngôn ngữ nghệ thuật mang tính hình tượng và truyền cảm, để thể hiện điều đó mỗi người có một cách riêng, mang dáng vẻ riêng, thể hiện tài năng và sự sáng tạo của riêng mình.

6. Điểm chung giữa phong cách nghệ thuật, phong cách báo chí, phong cách chính luận là gì?
Điểm chung giữa phong cách chính luận, phong cách báo chí, phong cách nghệ thuật là tất cả đều có tính truyền cảm, hấp dẫn lôi cuốn người đọc.

Leave a Comment