Ngữ văn lớp 6: Phân tích truyện cổ tích Cây Bút Thần

Phân tích Truyện cổ tích: Cây Bút Thần

I. Truyện cổ tích có khá nhiều truyện thần kì kể về những nhân vật bất hạnh. Có hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, đau khổ… như những trẻ mồ côi, mẹ ghẻ con chồng, người đầy tớ, người em út, người có hình dạng xấu xí như các truyện: Tấm – Cám, Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc… của Việt Nam, và Cây bút thần của Trung Quốc cũng thuộc loại truyện cổ này. Truyện giới thiệu hoàn cảnh và cuộc đời của cậu bé Mã Lương giàu đam mê, nhân hậu…

II. Phần đầu của truyện giới thiệu hoàn cảnh và tính cách đặc biệt của nhân vật Mã Lương. Hoàn cảnh ấy là: “Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày”. Tính cách đặc biệt ấy là “rất thông minh”, và “thích học vẽ từ nhỏ”. Như thế rõ ràng Mã Lương là đứa trẻ bất hạnh, tự bươn chải nuôi sống bản thân mình. Nhưng cái quý là Mã Lương vẫn nuôi ngọn lửa đam mê học vẽ của mình, điều mà không phải ai cũng làm được. Không có tiền mua bút, thì em vẽ bằng cây que củi vạch xuống đất, lấy ngón tay nhúng nước vẽ lên đá… Cậu vẽ bất cứ ở đâu, bất cứ ở lúc nào rảnh rỗi…, vẽ cho tới lúc “vẽ chin, cá giống như hệt, người ta tưởng như sắp được nghe chim hót, được trông thấy cá bơi lội”. Vẽ tới mức độ như thế nhưng Mã Lương không sắm nổi một cây bút vẽ. “Em chỉ mong sao có được một chiếc”. Chi tiết này là nút thắt đầu tiên của truyện.

Nút thắt ấy được mở bằng giấc mơ. Nhân vật thần kì xuất liệm: cụ già râu tóc bạc phơ. Thường thì như thế, nếu người ấy không là Bụt thì là Tiên. Và vật các vị ấy ban tặng là vật mà Mã Lương, nhân vật bất hạnh ước mong. Truyện này cũng vậy, cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra, trao cho em cây bút và bảo: “Đây là cây bút thần, nó sẽ giúp con nhiều”.

Nút thắt mới xuất hiện ở tình huống này là chi tiết “nó sẽ ai giúp con nhiều”. Nó sẽ giúp những gì đây? Trả lời câu hỏi chính là mở dần cái nút ấy bằng cách phân tích việc dùng cây bút thần của Mã Lương.

Trước hết, Mã Lương “vẽ cho tất cả người nghèo trong làng”. Nhà nào không có thứ gì về dụng cụ sản xuất, đồ dùng cần thiết như cày, cuốc… đèn để họ có mà dùng vì bút thần sẽ vẽ ra vật dụng thật. Vẽ cho người nghèo là việc làm tương thân tương trợ, vẽ vì thương những người cùng khổ như mình.
Tất nhiên tiếng lành thì đồn xa. Tay địa chủ biết được bèn sai đầy tớ bắt Mã Lương về nhà và buộc Mã Lương vẽ theo ý của hắn. Đã giàu hẳn ông ta muốn giàu thêm, nhưng Mà Lương nhất quyết không vẽ. Ông ta nhốt Mã Lương vào chuồng ngựa giữa mùa đông, không cho ăn uống gì. Ba hôm sau, giữa đêm tuyết phủ đầy trời, tay địa chủ mò ra chuồng ngựa xem thì thấy Mã Lương đang ngồi ăn bánh nướng bên lò lửa rực hồng. Địa chủ quay về gọi đầy tớ đến giết Mã Lương để lấy bút thần thì cậu bé vẽ cái thang lên tường leo ra ngoài, vẽ thêm con ngựa rồi leo lên chạy thoát. Tay địa chủ đuổi theo sát nút, tay cầm dao định chém. Mã Lương lấy bút vẽ cung tên, mũi tên lao đúng cổ họng tên địa chủ.

Lần thứ nhất, bút thần giúp Mã Lương tương trợ người nghèo, lần này bút thần giúp em trừ chúa đất tham ác. Cả hai đều là việc thiện mang lại lợi ích cho đời.

Sau khi giết được tên địa chủ, Mã Lương phi ngựa suốt mấy ngày đêm. Đến một thị trấn nhỏ, không tiền bạc, không việc làm, Mã Lương sống nhờ vào bút thần, vẽ tranh đem bán. “Sợ lộ nên em vẽ các bức tranh đều dở dang: chim thì thiếu cái mỏ hoặc thiếu một chân,..”.
Vẽ tranh đem bán là để kiếm ăn, dù có bút thần giúp nhưng cũng có công sức của Mã Lương. Vả lại làm như thế cũng là giúp người có thêm một chút của ngon vật lạ. Mã Lương “sợ lộ” tông tích là để tránh những điều không hay như lần gặp tên địa chủ. Nhưng chỉ vô ý làm rơi giọt mực ngay khoảng trống chỗ mắt của bức tranh cò khiến cò tung cánh bay.
Thế là Mã Lương bị lộ và phải về kinh đô theo lệnh vua. phải hiểu thế nào về chi tiết này? Giọt mực vô ý rơi kia là điềm may mắn hay oan nghiệt đối với Mã Lương? Mã Lương có vẽ cho nhà vua không khi đã “được nghe rất nhiều điều tàn ác của nhà vua đối với dân nghèo”?
Mã Lương vẫn vẽ nhưng em vẽ ngược với những gì theo ý muốn của vua. Vua bắt em vẽ con rồng, con phượng thì em vẽ con cóc ghẻ, con gà trụi lông. Vua tức giận cho người tước cây bút thần, rồi “nhốt em vào ngục”. Thế là tai hoạ đến với Mã Lương, nhưng không phải do cây bút thần mà do em ghét ông vua tham tàn bạo ngược.

Đoạt được cây bút thần, vua chỉ vẽ có vàng và vàng. Những chi tiết trong truyện tập trung hiển thị lòng tham không đáy của vua. Vua vẽ thỏi vàng lớn và dài thì lại thành “một con mãng xà dài, miệng há hốc, đỏ lòm, đang bổ lại phía vua”.

Với những chi tiết trên truyện cho chúng ta nhận ra vật dụng phải đặt vào đúng tay người, và cây bút thần phải đặt đúng vào tay của người có lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của người khác và có tâm hồn trong sáng. Nếu là người biết suy nghĩ trước các sự việc ghê gớm trên thì họ tỉnh ngộ. Còn vua thì bị lòng tham không đáy dẫn đường nên lại thực hiện mưu kế “thả em ra, dùng vàng bạc dỗ dành và hứa gả công chúa cho”.

Mã Lương giả vờ đồng ý để được trả lại cây bút thần. Giả sử nhà vua tỉnh thức trở thành vị vua hiền từ thì kết thúc truyện cũng có hậu và khá nhẹ nhàng. Đằng này vua vẫn tham lam, nghi ngờ và sợ chết vì thú dữ nếu vẽ núi. Vì thế, vua bảo Mã Lương vẽ biển cả. Mã Lương làm theo. Vua nhìn biển mênh mông nước trong như gương, nhưng không nhìn thấy cá. Mã Lương lại vẽ nhiều loại cá bơi lội tung tăng. Thấy đẹp, nhà vua ra lệnh: “Hãy vẽ ngay cho ta một chiếc thuyền! Ta muốn ra khơi xem cá”.

Diễn tiến của truyện theo đúng yêu cầu tự nhiên. Có biển thì có cá. Có biển và cá đẹp thì phải có thuyền. Vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và các quan cận thần leo lên thuyền để dạo biển. Mã Lương lượn vài nét bút mảnh thành làn gió nhẹ đẩy thuyền ra khơi. Theo ý vua, Mã Lương vẽ thêm mấy nét bút đậm. Gió mạnh, sóng biển bắt đầu nổi lên, thuyền lao vun vút ra khơi. Mã Lương tô thêm nhiều nét bút nữa. Sóng to gió lớn nổi lên thêm. Thuyền lắc lư nghiêng ngả. Vua sợ quá la lớn yêu cầu đừng cho gió thổi nữa.

Nhưng Mã Lương vờ như không nghe. Cậu tiếp tục vẽ những đường cong lớn, rồi lớn hơn… Mây đen, sóng gió càng lúc càng nổi lên dữ dội theo nét vẽ của Mã Lương, cho tới khi “Chiếc thuyền ngã nghiêng rồi bị chôn vùi trong những lớp sóng hung dữ”. Diễn tiến sự việc trong đoạn truyện này càng lúc càng tàng tiến. Hình ảnh chiếc thuyền chở ông vua tham tàn chìm giữa sóng to là hình ảnh của kẻ gieo gió gặp bão, kẻ tham ác luôn bị trừng trị.

Cuối truyện là phần kết theo phương pháp mở. Câu chuyện Cây bút thần được truyền tụng khắp nước, còn Mã Lương thì không ai biết cậu đi đâu. Theo lời đồn của dân chúng thì dù đi đâu, ở đâu Mã Lương cũng “đem hết thời giờ và sức lực để vẽ cho những người nghèo khó”.

III. Truyện cổ thần kì Cây bút thần nhân vật siêu nhiên chỉ xuất hiện một lần, nhưng diễn tiến các sự việc thì có sự giao hoà giữa siêu nhiên (cây bút thần) với hiện thực (Mã Lương, dân nghèo địa chủ, vua…) để thành thế giới cổ tích sinh động, li kì… Qua diễn tiến của các sự việc ấy người đọc nhận ra dù là người của siêu nhiên hay của hiện thực hễ sống hiền thì gặp lành, gian tham và độc ác thì bị trừng trị. Ấn tượng ấy giúp người nghe, người đọc sống ngày một hiền hoà, tốt đẹp hơn.

* Ghi chú:

– Truyện cổ: (xem bài 8)
– Truyện kể về một nhàn vật bất hạnh nhưng có năng khiếu đam mê, hiền đức, không tham lam, và khảng khái.
– Được thần tiên giúp cho phương tiện chính để thực hiện niềm đam mê cao đẹp của mình.
– Vật (bút thần) chỉ linh ứng khi nằm trong tay người có nghĩa cử cao đẹp (Mã Lương), có linh ứng ngược lại khi nằm trong tay kẻ có lòng dạ xấu xa và tham lam (địa chủ, vua).

Leave a Comment