Phát biểu những cảm nhận của anh (chị) về bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

Đề bài: Phát biểu những cảm nhận của anh (chị) về bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.

Bài làm:

Văn chương là nói tác động trực tiếp đến tâm hồn và trí tuệ của người đọc, gợi nên biết bao rung động và tưởng tượng phong phú. Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi trực tiếp nhận bài thơ Bên kia sông Đuống là sự cuốn hút bởi một dòng thơ rất truyền cảm, lời thơ đi thẳng vào trái tim ta với những âm điệu uyển chuyển như một bản trường ca nhiều tiết tấu phong phú. Chất thơ thoát ra từ trái tim yêu đời, yêu người thiết tha, theo một dòng nhịp điệu của dòng thơ, tuôn trào mãnh liệt trở thành một mạch nguồn không bao giờ dứt. Giọng thơ khi êm đềm, thiết tha như lời ru vỗ về, khi sôi nổi trào dâng như sống cuộn, khi day dứt lắng sâu vào tận đáy lòng. Qua giọng thơ biến chuyển theo từng khúc, đoạn của bài thơ, chúng ta cảm nhận được cả một nỗi lòng da diết, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt, sâu sắc của nhà thơ. Bao nhiêu yêu thương, đau đớn, tiếc thương, căm giận… dồn dập, ngỗn ngang trong trái tim nhà thơ được nhịp dịp tuôn trào, thể hiện. Trái tim nhà thơ là trái tim yêu thương mà cũng nhiều căm giận cứ rung lên mãnh liệt theo với những hồi tưởng cứ hiện về trên trang thơ. Bài thơ được Hoàng Cầm viết liền một mạch trong trạng thái đầy xúc cảm trong một đêm khi nghe quê hương mình bị giặc chiếm. Hoàng cầm tâm sự : “Tôi cực kì xao xuyến, tâm sự chồng chất những nhớ thương, tiếc nuối, xót xa với cảnh và người nơi quê hương bị tàn phá, giết hại, cùng với một niềm căm giận sâu lắng…”  Chất thơ trong bài chính là mạch nguồn cảm xúc tuôn chảy khiến người đọc chúng ta bị cuốn hút không thể dừng lại, cưỡng lại được.

Ngay từ đầu chúng ta như lắng nghe được một giọng kể lể, tâm tình rất ngọt ngào, êm đềm tưởng như tác giả đang tâm tình cùng ngươiì em gái yêu thương với một giọng thơ vỗ về, âu yếm rất mực nhỏ nhẹ, thiết tha:

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về bên kia sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.

Trong hồi ức của tác giả, sông Đuống – dòng sông quê hương hiện về với vẻ đẹp thật trữ tình tươi sáng, lung linh.

Tiếp liền theo đó, cảm xúc biến chuyển đột ngột đầy bất ngờ với một giọng thơ day dứt, xót xa đến quặn thắt, hơi thơ cuộn lên bằng câu hỏi âm vang nhức nhối. Hỏi chính là tự hỏi lòng mình đấy thôi để càng ý thức hơn nỗi đau quặn xé, quằn quại:

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biêc

Đứng bên này sông sao nhớ tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay

Hình ảnh so sánh thật độc đáo, bất ngờ đã cụ thể hóa nỗi đau của nhà thơ – đau như chính một phần thân thể mình bị cắt lìa vậy.

Âm hưởng day dứt, xót xa ấy cứ thỉnh thoảng vang ngân trong bài thơ như một điệp khúc cứ trở lại với những câu hỏi tu từ làm cho giọng thơ như một bản trường ca thỉnh thoảng lại rung lên từng nốt nhạc chủ âm.

“Bây giờ tan tác về đâu”, “Bây giờ đi đâu về đâu?” Xen kẽ giữa giọng thơ day dứt, xót xa ấy là một giọng thơ sôi nổi, say sưa của một trái tim gắn bó. Yêu thương quê hương nồng nàn, say đắm:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bứng trên giấy điệp

“Quê hương ta” ba tiếng giản đơn, ngắn gọn ấy vang lên một cách trìu mến, thiết tha. Tác giả gọi quê hương bằng tiếng gọi thân thương tự đáy lòng mình thốt lên. Gọi một cách say sưa, gọi mãi không vừa, gọi rồi gọi lại. Có cái gì vừa yêu thương, nâng niu lại vừa xót xa, nuối tiêwsc trong những tiếng gọi bình dị ấy. Lời thơ chuyểnn giọng một  cách đột ngột biểu lộ nỗi bàng hoàng, thảng thốt trước cảnh quê hương bị giặc tàn phá:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy,

Chó ngộ từng đàn

Lưỡi dài phun sắc múa

Kiệt cùng ngõ thắm bờ hoang.

Hình ảnh thơ “Ngùn ngụt lửa hưng tàn”, “Chó ngộ từng đàn. Lưỡi dài phun sắc máu” thật giàu sức gợi, gây ấn tượng ghê rợn sâu sắc trong tâm trí người đọc. Câu thơ như bị cắt ra từng khúc với lối ngắt câu, xuống dòng ngắn gọn thể hiện nỗi căm hờn, uất hận trào dâng. Cả một quê hương thơ mộng êm đềm, hiền hòa giờ đây đang bị dày xéo đến khủng khiếp. Thiên nhiên, tạo vật và con người cùng chung số phận. Mỗi lời mỗi chữ là tiếng lòng tác giả rung lên trước nỗi đau tột cùng của quê hương.

Những câu thơ gợi xúc động nhiều nhất cho trái tim người đọc chúng ta là những câu tả cảnh và người quê hương trong đau thương, đổ nát:

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa trăm ngả

Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu

Hoặc:

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông.

Và: Mẹ già lại quảy hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu.

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.

Đất nước: thiên nhiên, con người cùng chung số phận. “Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Giọng thơ nhiều đoạn sâu lắng ngậm ngùi, thổn thức như tiếng nấc lên của tâm hồn tác giả khiến lòng ta xót xa!

Không xót xa sao được khi cả một quê hương thân yêu giờ đây đanng tan tác?! Cảnh tàn tạ, bi thương diễn ra khắp nơi. Hoàng hôn trùm lên quê hương. Một nỗi buồn ghê rợn, hắt hiu toát lên từ những vết máu loang ra trong chiều đông u ám, vắng lặng, rời rã, tàn tạ đến não lòng! Hình ảnh một cánh cò bay ngang sông, tác giả cũng không ngăn được lòng mình xúc động.

Qua Bên kia sông Đuống ta còn cảm nhận được một con người nghệ sĩ rất mực tài hoa và sáng tạo. Con người tài hoa của Hoàng Cầm được biểu lộ qua sự cảm nhận và thể hiện tinh tế, sâu sắc Hoàng Cầm rất nhạy cảm trước vẻ đẹp của quê hương, trước những buồn, vui, đau xót của cuộc đời. Nhà thơ không chỉ tả cảnh một cách khách quan mà còn cảm nhận cái hồn của dân tộc ẩn rất sâu trong từng bức tranh làng Hồ. Đó là vẻ đẹp rất mực trữ tình của một dòng sông trôi êm đềm trong ánh sáng lấp lánh, trong cái thế nằm nghiêng ngiêng vừa như thu mình e ngại, vừa như đợi chờ.

Hồi tưởng về cảnh quê hương những ngày tháng thanh bình, tác giả cảm nhận được cái náo nức, rộn ra như gửi thấy cả cái hương vị ngào ngạt của hồn quê:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Tài hoa tinh tế hơn nữa, dưới ngòi bút của tác giả, tạo vật trong những bức tranh dân gian sống dậy, lời thơ như thổi vào những hình annhr bất động ấy cái hồn thơ muôn thưở: “Mẹ con đàn lợn âm dương…”, “Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã…”.

Hồn thơ và tài năng của Hoàng Cầm còn tinh tế đến mức cảm và tả được cái nỗi đau của tạo vật, thiên nhiên. Có cái gì như một nỗi bàng hoàng thảng thốt, sợ hãi cuả hình ảnh cánh cò trong hai câu thơ:

Có con cò tráng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu

Không còn là cánh cò “bay lả bay la” trong ca dao của một thời đất nước thanh bình, êm ả mà là cánh cò “bay vùn vụt”, “lướt ngang dòng sông Đuống”

Để rồi không biết “về đâu” trong khung cảnh chiến tranh hung tàn. Nét tài hoa của nhà thơ còn thể hiện trong bút pháp tả cảnh, tả tình đặc sắc. Nhà thơ không miêu tả chi tiết rườm rà mà chỉ nắm bắt cái “thần” của cảnh và phác họa vài nét mà cảnh hiện lên trên trang thơ rất có hồn. Chỉ một nét tả cái thế “nằm ngiêng nghiêng” mà gợi lên hình ảnh biết bao ý tình của dòng sông quê hương. Một nét sắc màu tươi “sáng bừng trên giấy điệp”, một thoáng hương vị ngào ngạt của “lúa nếp thơm nồng” mà bức tranh làng quê thật gợi cảm và tràn trề sức sống. Tả cảnh đã thế mà tả người lại càng tài hoa. Một nét vẽ người mẹ, một nét thôi mà làm hiện lên dáng dấp yếu đuối, già nua thương cảm của bao người mẹ quê hương:

Mẹ già nua còn cõi gánh hàng rong

Câu thơ chỉ bảy chữ, chứa đựng đến ba chi tiết: “già nua”, “còm cõi”, “gánh hàng rong” tập trung khắc họa đậm nét hình ảnh người mẹ. Cái “Gánh hàng rong” như duyênn nợ, gắn bó và cứ lặp đi lặp lại mỗi lần hình ảnh người mẹ hiện lên trên trang thơ. Một đời khổ nhọc, lao đao, tảo tần với bao nhiêu buồn tủi, hi sinh, chịu đựng, chất chứa trong mấy từ “già nua”, “còm cõi”. Ta nghe cả gánh nặng của thời gian và số phận chồng chất trên đời mẹ:

Mẹ lại quảy gánh hàng rong

Bước cao thấp trên bờ tre hun hút.

Câu thơ tả thực những bước chân của mẹ mà còn mang ý nghĩa khái quát vẽ lên cái thế chông chênh của người mẹ giữa cuộc đời gian truân. Hình ảnh người mẹ thật xót thương như xiêu vẹo, ngã nghiêng bên những bờ tre hun hút. Bóng mẹ nổi lên nhỏ bé, cô độc, lạc lỏng trên cái nền không gian mênh mông, u ám của trời chiều. Câu thơ có giá trị tạo hình, đầy ấn tượng. Bao nhiêu câu hỏi gợi lên trong lòng người đọc: cuộc đời mẹ, số phận mẹ, rồi sẽ như thế nào giữa cảnh chiến tranh tang thương, trước cảnh quân thù man rợ?

Càng xúc động và xót xa hơn khi tác giả tả:

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.

Không còn là tả nữa mà chính là tiếng lòng xót xa của tác giả ngân lên đầy xúc động. Tưởng như bao nhiêu khổ đau của cuộc đời chôngd chất lên bóng mẹ: “đói”, “sầu”, “đường trơn”, “mưa lạnh”, “mái đầu bạc phơ”… Hai câu thơ đã dồn nén, chất chứa cô đọng một nội dung biểu cảm cực kì mãnh liệt. Câu thơ vì thế có sức nặng của cả một tấm lòng.

Bên cạnh nỗi buồn, đọc Bên kia sông Đuống ta còn bắt gặp đươjc niềm vui, chúng ta như sống cùng cái không khí náo nức, rộn ràng của quê hương Kinh Bắc những ngày lễ hội. Hình ảnh một miền quuee hương được Hoàng Cầm tái hiện lên trang thơ với những cảnh, những người thật sinh động:

Ai về bên kia sông Đuống

Cho ta gởi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Pháp

Giữa huyện Lang Tài

Gửi về may áo cho ai

Chuông chùa vắng nay người ở đâu

…………………..

Người đọc như sống lại giữa thế giới Kinh Bắc ngày xưa, một vùng quê với những truyền thống văn hóa lâu đời. Đó là thế giới với những đền chùa cổ kính, những hội hè dình đám vào dịp đầu xuân, những cảnh tươi vui đầm ấm. Một thế giới vừa ảo vừa thực gần như thế giới cổ tích. Nhà thơ lại dành những nét bút tài hoa nhất để vẽ nên khuôn mặt gợi cảm, trữ tình, đáng yêu của biết bao cô gái Kinh Bắc dăng tơ, dệt lụa, buôn bán tảo tần mà vẫn ánh lên một vẻ đẹp duyên dáng, biết bao tinhd tứ:

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh tuyệt đẹp biểu hiện niềm ước mơ tươi sáng về một cảnh thanh bình. Mùa xuân lại về trong mơ ước với những lễ hội tưng bừng, rộn ra niềm vui như những ngày xưa trên quê hương bên bờ sông Đuống. Hình ảnh “em” trữ tình hiện lên với vẻ đẹp lung linh sắc màu trong ánh sáng rạng rỡ:

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Văn chương là tấm lòng. Bên kia sông Đuống là bài thơ bật ra từ cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn tác giả. Trái tim Hoàng Cầm đã rung lên những nhịp đập vui buồn, yêu thương, căm phẫn cùng nỗi đau của dân tộc, quê hương. Mãi mãi tiếng thơ Bên kia sông Đuống cồn âm vang cùng nhịp sống của dân tộc hôm nay và mãi sau.

Tải về máy>>>

Download “Phát biểu những cảm nhận của anh (chị) về bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm”

pzo5C – Downloaded 459 times –