Đề bài: Phân tích câu ca dao “Công cha…ghi lòng con ơi” bằng một đoạn văn ngắn
Trong chủ đề ca dao dân ca về tình cảm gia đình có rất nhiều câu ca dao mang ý nghĩa ngợi ca về tình thân gia đình. Trong đó điển hình là câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!”
Chúng ta hãy cùng nhau Phân tích câu ca dao “Công cha…ghi lòng con ơi” ngắn gọn để thấy được công lao to lớn của cha mẹ không thể đong đếm và con cái phải hiếu kính biết ơn cha mẹ.
Qua lời ru êm ái, đằm thắm, người mẹ như muốn nhắn nhủ con: “Công cha nghĩa mẹ lớn lao vô cùng”. Đúng vậy, ở hai câu đầu tiên, công lao của cha đối với con thật lớn lao, hùng vĩ, đồ sộ như “ núi ngất trời” còn nghĩa mẹ bao la, rộng lớn, mặn mà, sâu đậm như “nước ở biển Đông”.
Ở đây, “núi Thái Sơn” và “biển Đông” đều là những gì tượng trưng cho sự lớn lao, hùng vĩ, dồi dào và trường tồn. Ngọn núi cao không thấy đỉnh, nước không đong đếm được là những sự vật vĩnh hằng, luôn luôn trường tồn với thời gian giống như tình cảm của cha mẹ dành cho con cái vậy.
Tiếp theo, trong câu thứ ba, “núi cao biển rộng mênh mông” như nhấn mạnh hơn nữa về tình cảm thiêng trời biển đó. Đây là một phép ẩn dụ đầy ý nghĩa sâu sắc, gợi tình cảm yêu thương của cha mẹ với con cái, lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ.
Trong câu cuối cùng, tác giả dân gian đã nói “cù lao chín chữ”, thể hiện chín nỗi vất vả lo toan cho con cái của các bậc làm cha làm mẹ: Sinh, Cúc, Súc, Dục, Vũ, Cố, Phúc, Phục, Trưởng. Đầu tiên,” Sinh” là sinh trong sinh đẻ, là công lao chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau.
Người mẹ phải chịu nỗi đau tột đỉnh về thể xác mới có thể đưa được đứa con đến với thế giới này. “Cúc”, “Súc”, “Dục” chính là công ơn chăm nom, bú mớm, nuôi dưỡng, dạy dỗ con, giúp con chập chững bước đi đầu tiên vào đời.
Công lao “Vũ”, “Cố” và “Phúc” là luôn bao dung, chở che, đùm bọc, yêu thương đứa con vô điều kiện của người cha người mẹ. Họ luôn dõi theo con, luôn là hậu phương vững chắc cho người con có thể dựa vào, là người luôn kề vai sát cánh, là bến đỗ để con có thể trở về bất cứ lúc nào.
Cuối cùng là công lao “Phục”, “Trưởng” – công lao dạy dỗ uốn nắn con nên người, cung cấp cho con điều kiện học hành tốt nhất có thể, giúp con trở thành một con người hoàn thiện, có ích cho đời, có ích cho xã hội.
Cụm từ “Ghi lòng con ơi” như một lời nhắc nhở người con phải luôn ghi lòng tạc dạ công lao của cha mẹ, biết đền đáp, báo hiếu và đối xử tốt với cha mẹ. Đây quả là một bài ca dao đầy ý nghĩa, thấm đậm tình yêu thương gia đình.
Xem thêm:
– Phân tích và nói lên cảm nhận về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến
– Phân tích và nói lên những cảm nghĩ về bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan
– Dàn ý biểu cảm về người mẹ