Phân tích đoạn thơ: Cảnh Ngày Xuân – Nguyễn Du

Phân tích đoạn thơ: Cảnh Ngày Xuân – Nguyễn Du

Đọc Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu văn học có cùng nhận định: Nguyễn Du là nhà Nho uyên bác và có tài về thư văn. Một trong những cái tài tạo nên giá trị của Truyện Kiều là tài miêu tả cảnh thiên nhiên. Bằng bút pháp tả cảnh và gợi tình nhà thơ đã tạo được cảm xúc sâu đậm trong tâm trí người đọc mà Cảnh ngày xuân là cảnh mở đầu trong thiên tình sử Kim Vân Kiều.

 

Sau khi miêu tả hình dáng, tính cách của Thúy Vân và Thúy Kiều, nhà thơ đã ghi lại hình ảnh của ngày xuân trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Một bức tranh phác thảo với nhưng nét chấm phá là biểu tượng của mùa xuân hiện lên trong bốn câu thơ có thanh bằng chiếm đa số tạo nên khung cảnh xinh tươi, không khí nhẹ nhàng. Biểu tượng của mùa xuân là chim én, cỏ non, cành lê. Tất cả đều nằm trong không gian mùa xuân ở vào một thời điểm rõ ràng: Thiều quang chín chục đã ngoái sáu mươi, chín mươi ngày đầy ánh sáng đẹp của mùa xuân nay đã qua sáu mươi ngày. Con én thì vẫn thoi, bay qua lượn lại như con thoi trong khung cửi đang dệt vải, chỉ có cành lê trắng là chịu ảnh hưởng bởi thời gian trôi qua, chỉ còn “điểm một vài bông hoa” ở trên cành.

Đây là hai hình ảnh động giữa một nền cỏ non chờ bước chân người đến tận chân trời. Đôi nét phác thảo, miêu tả biểu tượng mùa xuân nhà thơ gợi trí tưởng tượng thêm của người đọc để họ nhận ra thiên nhiên mùa xuân xinh tươi đã qua sáu mươi ngày, báo hiệu cho:

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Tháng ba có tiết thanh minh từ thời Tần – Hán ở Trung Hoa. Đây là lễ tiết vui xuân, tế tự bên sông và chiêu hồn nối phách. Qua đời Đường – Tống, tiết thanh minh chỉ còn hai nội dung chính là lễ tảo mộ và hội đạp thanh. Lễ tảo mộ: từ quan viên đến thứ dân đều phải đến nghĩa trang để cúng viếng đốt vàng mã và sửa sang phần mộ của người thân. Hội đạp thanh: nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp, gót nối gót, vai kề vai nhởn nhơ dạo chơi ngắm cảnh. Cả hai hòa nhập làm một trong sáu câu thơ thật sinh động mà cũng thật ngắn gọn biểu hiện tài năng của Nguyễn Du trong nghệ thuật dùng từ ẩn dụ (yến anh), hoán dụ (ngựa xe, áo quần), và nghệ thuật so sánh trong văn miêu tả.

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Chị em Kiều (Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan) cũng “nô nức” trong rừng người nô nức chen nhau đi lễ hội ấy. Vừa đi vừa trò chuyện trên cỏ xanh, cúng viếng và sửa sang phần mộ của ngươi đã khuất, cùng thiên hạ hòa mình vào thiên nhiên. Khoa học chưa chứng minh được, chưa giải thích được con ngươi còn hay mất sau khi chết về phần tâm hồn, cũng chưa giai thích và chứng minh được giả đinh con ngươi vẫn còn sau khi chết thì họ về đâu và sống bằng những gì?

Sự bí ẩn gần như vĩnh cửu ấy đã làm nảy sinh văn hóa tâm linh của người phương Đông từ thời xa xưa. Theo thời gian, phong tục ấy có biến đổi, việc cúng đốt “vàng vó” cũng đã hạn chế, nhưng những câu thơ của Nguyễn Du vẫn đầy giá trị nhân bản: Người còn sống vẫn còn nhớ, trân trọng người đã khuất, hiện tại vẫn hướng về quá khứ.

Sau khi “lễ là tảo mộ”, chị em Kiều dự “dự hội là đạp thanh”. Thời gian qua mau. Giờ thì:

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Khởi đầu là “nô nức” cười như bình minh tươi sáng; kết thúc, ngày hội tàn thì vương vấn chút buồn như không khí chiều tà. Chút buồn chiều ấy nằm trong nhịp thơ chậm rãi, nằm trong từng bước chân “thơ thẩn” của chị em Kiều.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Cái độc đáo trong bốn câu thơ miêu tả cảnh chiều đẹp kia là những từ láy gợi hình gợi ý. Trên dòng suối nhỏ “uốn quanh” có nhịp cầu “nho nhỏ” bắc ngang ở cuối ghềnh. Cảnh đẹp có bề “thanh thanh”. Trong từ láy ấy vừa có âm thanh nhẹ, vừa có màu xanh của có cây, mây trời trong lành. Còn dòng nước của con suối kia cũng “nao nao”. Quanh co uốn khúc hay bối rối trong lành? Dòng suối nao nao hay lòng Kiều bối rối tiếc nuối cảnh đẹp trên đường về?

Cảnh ngày xuân đã được nhà thơ miêu tả theo chiều thời gian. Bốn câu đầu là cảnh xuân chung của đất trời. Những câu còn lại là cảnh xuân của con người trong tiết thanh minh. Mỗi cảnh đều mang một không gian, một thời gian và tiết tấu khác nhau, chỉ có con ngươi (chị em Kiều) là không khác về vóc dáng trang phục nhưng khác về tâm trạng: nô nức lúc đi và thơ thẩn lúc về. Chính nghệ thuật vừa miêu tả vừa khơi gợi ấy đã tạo được cảm xúc theo tâm trạng của nhân vật, muốn hòa vào nhân vật để tận hưởng không khí ngày xuân đầy ý nghĩa của người xưa.​​​​ 

Leave a Comment