Phân tích nhân vật Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh

Đề bài: Phân tích nhân vật Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh

Truyện cổ tích Thạch Sanh đem đến cho người đọc những tính chất kỳ ảo nhưng cũng không kém phần thu hút. Ta có thể dễ dàng biết được nhân vật chính là Thạch Sanh và nội dung câu chuyện là những tình tiết xoay quanh sự đối đầu giữa đại diện của sự chính nghĩa – Thạch Sanh với đại diện của sự mưu mô, xảo trá – Lý Thông. Mặc dù Lý Thông là một nhân vật  không ai có thể yêu quý được nhưng thiếu nhân vật này, câu chuyện có lẽ đã chẳng được tạo nên bởi hắn đã góp phần tạo nên nội dung chính cho câu chuyện, làm cho câu chuyện thêm phần đặc sắc, thu hút và hồi hộp hơn.

Phân tích nhân vật Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh
Phân tích nhân vật Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh

Nghề của Lý Thông là làm và bán rượu. Hắn là một tên đầy tính toán, xảo trá, thâm độc, luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu. Khi Thạch Sanh đang gánh củi, Lý Thông nhận thấy Thạch Sanh là một chàng trai khỏe mạnh, thật thà và lành, lại còn ở một mình, hắn bèn tính toán mưu lợi cho bản thân, tỏ ra thân thiết và mời Thạch Sanh về cùng nhà với mình và đồng thời kết nghĩa thành anh em.

Khi đến lượt Lý Thông phải hiến mạng cho chằn tinh, hắn đã lừa Thạch Sanh, làm cho Thạch Sanh đi thế cái mạng nhát hèn của mình. Ngay từ chi tiết đầu tiên về Lý Thông này, ta đã có thể thấy sự nhát hèn, thiếu trách nhiệm của hắn. Hắn đã sẵn sàng đẩy cuộc sống của người khác vào vòng hiểm nguy để bản thân được sống. Nhưng hắn nào đâu có ngờ được rằng, Thạch Sanh không những tồn tại được sau buổi hiến tế ấy mà còn tiêu diệt được chằn tinh.

Vậy mà, tên Lý Thông hèn kém ấy đã kịp nghĩ ra một kế hoạch mới nhằm cướp đoạt hết thành quả, công lao của Thạch Sanh. Hắn hiện rõ bộ mặt ác độc của bản thân khi hắn tỏ vẻ nhân nghĩa đi nhận tội giúp Thạch Sanh việc tiêu diệt chằn tinh và còn nói sẽ chịu trách nhiệm mọi hậu quả. Vậy là, Lý Thông đem đầu chằn tinh đi nộp và được nhà vua ban thưởng, thậm chí còn được phong làm quận công. Hắn đã bán lương tâm của mình, bán đứng cả chính anh em của mình để lấy sự giàu sang phú quý cho vào cái lòng tham vốn không đáy của hắn.

Không chỉ hành động bẩn thỉu một lần, tội ác của hắn không hề dừng lại. Hắn lại một lần nữa lợi dụng Thạch Sanh, lấy thành quả của chàng để được làm phò mã. Giống như lần giết chằn tinh, hắn một lần nữa tự nhận mình đã tiêu diệt được đại bàng để cứu sống công chúa. Tội ác của hắn cùng với sự căm ghét của người đọc càng thêm chồng chất khi hắn còn mất nhân tính sai quân của mình bịt cái hang nơi Thạch Sanh đang ở trong đó bằng đá nhằm sát hại chàng.

Sau đó hắn một mình tận hưởng mọi phú quý. Hắn cứ dần dần chìm sâu trong vũng lầy của tội ác. Hắn bất chấp làm mọi việc, mọi thủ đoạn, mưu sâu kế hiểm để có thể nhận được điều mà hắn từng ao ước. Tham vọng của hắn đã quá lớn. Lớn đến nỗi che hết con mắt nhân tính của hắn, khiến hắn hành động mà không hề dùng đến trái tim.

Nhưng ông trời nào để cho một kẻ ác độc như hắn hành động và sống một cách thuận lợi như vậy. Tội ác của hắn đã lộ ra nhờ tiếng đàn đầy bi ai của Thạch Sanh. Đây chính là một trong những yếu tố kì ảo trong câu chuyện – tiếng đàn thần đã góp phần tăng thêm tính thu hút của câu chuyện. Tiếng đàn thần ở đây tượng trưng cho sự công lý, cũng chính là tượng trưng cho quan điểm của người xưa là “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặp bão”.

Và, câu chuyện đã kết thúc một cách mãn nguyện. Hai mẹ con nhà Lý Thông bị tước chức, không hề bị Thạch Sanh trừng phạt nặng mà chỉ bị đuổi về quê. Nhưng ông trời nào để yên cho kẻ ác độc như vậy sống sót. Vì vậy, khi đang đi trên con đường về quê, sét đã đánh chết hai mẹ con nhà Lý Thông và 2 người bọn họ đã biến thành bọ hung. Cái chết của chúng không hề oan ức mà rất xứng đáng với những tội ác mà chúng đã thực hiện.

Hành động của Lý Thông được tính toán rất kĩ lưỡng và vô cùng thâm độc. Nhưng dù gì đó cũng là điều ác. Trí khôn của Lý Thông đặt ở nhầm chỗ, hắn đã bị trừng trị một cách thích đáng. Hắn chính là biểu tượng của sự thâm hiểm, ác độc mà tác giả dân gian đã dựng lên. Sự ác độc của hắn đáng để bị phạt đích đáng và đáng để người đời dè bỉu, kì thị và phỉ báng.

Xem thêm:
– Phân tích hình ảnh nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích “Thạch Sanh”
– Cảm nghĩ của em về truyền thuyết Thánh Gióng
– Phân tích “Sự tích Hồ Gươm” một câu truyện truyền thuyết của Việt Nam